Đại gia đình giữ "lửa" Tuồng xứ Quảng

Thứ hai, ngày 02/11/2015 16:14 PM (GMT+7)
Ở mảnh đất tuồng xứ Quảng, có một "đại gia đình tuồng" đã dành trọn thời gian, tâm huyết để truyền dạy, giữ gìn bộ môn nghệ thuật tuồng hơn hai thế kỷ qua. Đó là đại gia đình nghệ sĩ tuồng Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng Đoàn tuồng Sông Thu (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam), con gái thứ năm của vợ chồng cố nghệ nhân tuồng Ngọc Huệ - Diệu Thông.
Bình luận 0

Yêu tuồng bằng cả trái tim

Nhà có 15 anh chị em, sáu người đã mất, nay còn lại chín người thì tất cả đều thuộc Đoàn tuồng Sông Thu. Họ đã thành công khi giành được rất nhiều bằng khen, Huy chương vàng, Huy chương bạc tại các hội thi, liên hoan sân khấu không chuyên toàn quốc. 

img

Các nghệ sĩ Tuồng biểu diễn trên sân khấu.

Nghệ sĩ Thu Trang đón chúng tôi tại ngôi nhà nhỏ nằm trên đường Hà Duy Phiên (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) trong một buổi tập mướt mồ hôi và những nụ cười của cả đại gia đình. Vui và hạnh phúc nhất là được nhìn thấy nghệ sĩ nhí Cao Quốc Hưng (9 tuổi, con trai út của nghệ sĩ Thu Trang) múa điêu luyện, dứt khoát trong từng động tác khi vào vai diễn anh quân bắt ngựa cho Lữ Bố đi. “Con rất thích múa tuồng, mỗi khi nhìn mẹ múa là con cứ muốn chạy lên múa cùng. Năm nay lần đầu được đi thi với cả nhà, con vui lắm”, Quốc Hưng chia sẻ với tôi như thế khi vừa dừng tập trong chốc lát để đổi vai. 

"Yêu tuồng và muốn được diễn để thỏa niềm đam mê và để trở về với nguồn cội, cứ nghe tiếng trống tuồng là chộn rộn hẳn, bỏ hết mọi việc khác để được biểu diễn phục vụ người xem", đó là chia sẻ đầy xúc động của nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Hoàng, anh trai nghệ sĩ Thu Trang. 

Chật vật giữ lửa tuồng 

Nghệ sĩ Thu Trang là con gái thứ năm của hai nghệ nhân tuồng Ngọc Huệ - Diệu Thông. Các nghệ sĩ tham gia trong Đoàn tuồng Sông Thu đều là anh chị em ruột của Thu Trang, như Ngọc Việt, Ngọc Hoàng, Thu Trinh, Thu Thu. Vợ chồng nghệ nhân Ngọc Huệ - Diệu Thông là hai trong số những nghệ nhân tuồng nổi tiếng của xứ Quảng. Họ cũng là bậc thầy dạy tuồng cho rất nhiều các diễn viên, nghệ sĩ tuồng tại Quảng Nam, Đà Nẵng, mà sau này rất nhiều lớp học trò của họ đã thành danh, trở thành những nghệ sĩ tuồng nổi tiếng. 

Nhớ về cha mẹ, những người truyền lửa cho anh chị em trong gia đình theo tuồng, nghệ sĩ Thu Trang xúc động: "Hồi cha mất, cuộc sống của gia đình rất khó khăn, tất cả dồn hết lên vai mẹ. 16 tuổi, mình phải nghỉ học để đi làm phụ mẹ nuôi các em và cũng bắt đầu mê những vai tuồng của mẹ. Bây giờ thì mình lại là người giữ lửa cho cả gia đình chín anh chị em đều tham gia trong Đoàn tuồng Sông Thu. May nhờ dòng nước ngọt sông Thu Bồn tắm gội, nhờ chú Nguyễn Quỳnh, Chủ tịch Hội Bảo trợ Tuồng huyện Duy Xuyên, đã vì yêu, muốn bảo tồn tuồng và cảm mến tài năng của cha mẹ mà đưa cả gia đình vào Câu lạc bộ Tuồng Duy Xuyên từ khi thành lập năm 1997 - tiền thân của Đoàn tuồng Sông Thu bây giờ. Đã ba đời gia đình theo tuồng và sống vì tuồng. Đam mê nên cứ muốn gắn bó mãi với bộ môn nghệ thuật truyền thống này dẫu biết rằng cả gia đình đang đối mặt với rất nhiều khó khăn”. 

Trở về cuộc sống đời thường sau vai diễn, nghệ sĩ Thu Trang, Thu Trinh, Ngọc Hoàng lại mưu sinh bằng nghề hát tổng đám ma, làm giấy hàng mã. Nói như cách của nghệ sĩ Ngọc Hoàng: “Hát tổng để kiếm sống nhưng cũng để giữ lửa cho tuồng. Nhiều bữa anh em tôi đi diễn mà không lấy công bởi gia chủ quá khó khăn. Mình làm vậy vì cái nghĩa ở đời. Nói gì thì nói, có khó khăn đến mấy thì anh em tôi vẫn gắn bó với tuồng”.

Để được diễn và thỏa sức đam mê tuồng, anh em nghệ sĩ Thu Trang đã tự khắc phục khó khăn bằng cách “lấy ngắn nuôi dài” khi toàn bộ trang phục diễn đều do nghệ sĩ Ngọc Hoàng thiết kế và may, rồi anh chị em, con cháu túm tụm lại ngồi đính từng cái hoa, cái hạt. “Một bộ trang phục diễn như vai Đổng Trác, Điêu Thuyền, Lữ Bố nếu mua ngoài hết trên dưới ba chục triệu đồng, nếu không tự thiết kế, tự may thì lấy tiền đâu ra mà mua. Nên anh em xác định cứ còn sống hãy còn yêu nghề và tự khắc phục khó khăn để cống hiến”, nghệ sĩ Ngọc Hoàng chia sẻ thêm. 

Một gia đình có vài người theo nghiệp tổ tông đã khó, còn với gia đình nghệ sĩ Thu Trang, tất cả anh chị em trong gia đình đều ngấm máu tuồng. Họ không “vận” vào tuồng để mong mình giàu có, mà sống với tuồng bằng tất cả đam mê, nhiệt tình và cống hiến. Để thăng hoa trong nghệ thuật và để yêu thương, đùm bọc, bảo ban nhau cùng sống tốt với cuộc đời.

“Trước bộn bề của cuộc sống, với tuồng, anh sợ nhất điều gì?”, tôi hỏi nghệ sĩ Ngọc Hoàng. “Mình sợ nhất đến nơi diễn mà không có khán giả đi xem, không có bà con đi xem thì tất cả mọi động lực diễn đều như ngưng lại. Bạn không thể hiểu nổi cái cảm giác khi đến điểm diễn mà nhìn xuống thấy đông đảo bà con ngồi đợi. Hạnh phúc vô cùng”.

Nguyễn Thị Anh Đào (Tạp chí Ngày nay online)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem