Đại gia giàu nhất sàn chứng khoán nhận lương bao nhiêu?

VTC News Thứ năm, ngày 14/05/2015 13:40 PM (GMT+7)
Ông Phạm Nhật Vượng, đại gia giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam là người rất bí ẩn nên mức lương của ông cũng không nhiều người biết tới.
Bình luận 0
Lương trong mơ

Từ nước ngoài về Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng nhanh chóng nổi tiếng khi xây dựng tòa tháp Vincom trên đất vàng phố Bà Triệu. Ngày nay, Hà Nội nhan nhản các tòa nhà chọc trời nhưng tại thời điểm năm 2000, tòa tháp “khủng” như Vincom được xem là hiện tượng.

Chính vì vậy, không phải đợi tới khi cổ phiếu VIC lên sàn, ông Vượng mới được biết đến. Và càng không phải chờ đến năm 2010, ông Vượng mới trở thành “người nổi tiếng”. Thế nhưng mức lương trong mơ của ông thì không nhiều người đoán được.

Dù Vingroup chưa bao giờ công bố thù lao chính xác mà ông Vượng nhận được khi đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn nhưng số liệu chung cũng giúp cổ đông phần nào mường tượng được những gì mà ông Vượng nhận được.

Thu nhập của ông Vượng tại Vingroup là con số trong mơ đối với bất cứ doanh nhân nào nhưng lại thấp hơn rất nhiều bầu Đức, người đứng ngay sau ông Vượng trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

img

Ông Phạm Nhật Vượng - người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam

Theo Nghị quyết đại hội cổ đông thường niên năm 2015 của Vingroup, trong năm 2015 Tập đoàn này sẽ dành ngân sách tối đa 0,4% lợi nhuận sau thuế (khoảng 3.000 tỷ đồng) để trả thù lao cho 11 thành viên Hội đồng quản trị.

Như vậy, quỹ lương dành cho Hội đồng quản trị sẽ đạt khoảng 12 tỷ đồng. Bình quân, mỗi sếp lớn nhận được 1,09 tỷ đồng/người/năm, tương đương 91 triệu đồng/người/tháng. Đây là mức thu nhập cao nhất trong vài năm trở lại đây của các thành viên Hội đồng quản trị Vingroup.

Là Chủ tịch Hội đồng quản trị nên chắc chắn những gì mà ông Vượng nhận được sẽ nhiều hơn con số 1,09 tỷ đồng rất nhiều.

Năm 2014, lãnh đạo Vingroup được ưu đãi ít hơn. Cụ thể, thù lao đã chi trả trong năm 2014 dành cho 11 thành viên Hội đồng quản trị là 9,6 tỷ đồng, tương đương 0,26% lợi nhuận sau thuế 2014. Trung bình mỗi người trong Hội đồng quản trị nhận 872,73 triệu đồng/năm, tương ứng 72,73 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2013 quỹ lương mà Vingroup dành cho các thành viên Hội đồng quản trị là 10 tỷ đồng, tương đương 0,14% lợi nhuận sau thuế. Trung bình số tiền mà mỗi thành viên nhận được là 909,09 triệu đồng/năm, tương ứng 75,76 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2012, Vingroup “chặt tay” hơn khi ngân sách cho các sếp lớn chỉ là 6,2 tỷ đồng, tươngđương 0,34% lợi nhuận sau thuế. Điều đó có nghĩa, mỗi người nhận 620 triệu đồng/người/năm, tương đương 51,67 triệu đồng/người/tháng.

Tài sản tăng vùn vụt

Trong khi đa số các đại gia khác đều phải chứng kiến tài sản liên tục sụt giảm mạnh khi khủng hoảng kinh tế ập đến thì ông Vượng luôn luôn được tận hưởng cảm giác vững vàng bởi tài sản của ông tăng vùn vụt theo năm.

Thậm chí, tới năm 2010, ông Vượng vượt qua bầu Đưcs và chính thức trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với tổng tài sản lên tới 15.800 tỷ đồng, tăng gần 7.000 tỷ đồng so với năm 2009. Kể từ năm 2010, ông Vượng “thống lĩnh” danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt.

Năm 2011, thị trường chứng khoán chứng kiến một sự kiện lớn. Đó là Vincom và Vinpearl ra quyết định sát nhập và đổi tên thành Vingroup. Đợt sáp nhật này đã gia tăng sức mạnh của Vingroup và cộng thêm nhiều tiền vào tài sản của ông Vượng.

Vì vậy, khi “chốt” năm 2011, khối tài sản khủng của ông Vượng tăng 988 tỷ đồng lên 16.764 tỷ đồng. Sang năm 2012, đà tăng chững lại nhưng giá trị cổ phiếu do ông Vượng nắm giữ cũng lên tới con số 17.185 tỷ đồng.

Kết thúc năm 2013, ông Vượng đánh dấu năm thứ tư liên tiếp giữ danh hiệu người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với 19.924 tỷ đồng. Sau đó, tài sản của ông Vượng tăng lên 20.400 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2014.

Hiện tại, theo giá đóng cửa ngày 12/5/2015, tài sản của ông Vượng đang đi lùi, chỉ còn khoảng 20.104 tỷ đồng, giảm gần 300 tỷ đồng so với cuối năm 2014. Nhưng điều đó không có nghĩa chuỗi năm tăng của tài sản mà ông Vượng nắm giữ đã kết thúc vì VIC vẫn còn gần 7 tháng nữa để “trình diễn”.

Nặng túi nhờ cổ tức

Túi tiền của ông Vượng nặng dần theo năm một phần cũng nhờ cổ tức vì Vingroup là một trong những đơn vị nổi tiếng rộng tay trả cổ tức.

Tại đại hội cổ đông của Vingroup mới diễn ra, ban lãnh đạo Vingroup đã trình lên cổ đông kế hoạch chi trả cổ tức bằng cổ phần cho các cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1.000 : 258 (25,8%), tức mỗi cổ đông sở hữu 1.000 cổ phần được nhận cổ tức bằng 258 cổ phần.

Như vậy tổng số cổ phần mà VIC dự kiến sẽ phát hành thêm khoảng gần 375,3 triệu cổ phần, góp phần tăng vốn điều lệ của công ty lên tối đa hơn 18.298 tỷ đồng, từ mức 14.545 tỷ đồng hiện nay. Dự kiến trong quý 2 năm nay Vingroup sẽ thực hiện chia cổ tức.

Khi Vingroup thực hiện chi trả cổ tức, với việc nắm giữ 29,1% vốn Vingroup, số cổ phiếu mà ông Vượng nhận được sẽ là 109 triệu cổ phiếu. Tổng số cổ phiếu nằm trong tài khoản của ông Vượng sẽ tăng vọt lên con số hơn 530 triệu cổ phiếu.

Các năm trước đó, ông Vượng cũng giàu lên trông thấy nhờ cổ tức. Ví dụ năm 2013, Vingroup đã trả cổ tức bằng tiền mặt theo tỷ lệ 21,49%, tức 2.149 đồng mỗi cổ phần. Cổ tức bằng cổ phiếu được thực hiện theo tỷ lệ 1000:487, tương ứng cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu nhận 487 cổ phiếu.

Năm 2011, Vingroup trả cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 1.000: 124 (Cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu cũ được nhận 124 cổ phiếu mới).

Năm 2010, Vingroup gây xôn xao khi trả cổ tức bằng tiền mặt tổng cộng trong 3 đợt là 58,8% mệnh giá. Đây được xem là cú “chơi trội” vì 2010 là thời điểm khủng hoảng kinh tế lan rộng, doanh nghiệp luôn đau đầu vì thiếu tiền.

Có thể thấy, với tiềm lực vững mạnh của mình, Vingroup giúp ông Vượng đã giàu lại càng giàu hơn

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem