Đại gia nhà đất Trung Quốc gặp khó vì gánh nặng nợ

29/09/2020 06:55 GMT+7
Sau tin đồn khủng hoảng tiền mặt với khoản nợ lên đến 120 tỷ USD, tập đoàn bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc nỗ lực giữ chân khách hàng và nhà đầu tư.

Theo Bloomberg, gã khổng lồ bất động sản lớn thứ hai theo doanh số của Trung Quốc - tập đoàn Evergrande đang nỗ lực khôi phục niềm tin của nhà đầu tư vào sức khỏe tài chính của tập đoàn. Công ty này bị cho là thiếu tiền mặt nghiêm trọng và đang gánh khoản nợ hơn 120 tỷ USD. Đây cũng là công ty bất động sản mắc nợ nhiều nhất trên thế giới.

Lo ngại lan rộng khi các nhà đầu tư ồ ạt bán tháo cổ phiếu của Evergrande, khiến cổ phiếu trong nước của gã khổng lồ bất động sản giảm xuống mức thấp kỷ lục, rơi vào vùng những cổ phiếu hoạt động kém nhất trên toàn cầu.

Đại gia nhà đất Trung Quốc gặp khó vì gánh nặng nợ - Ảnh 1.

Trụ sở Evergrande tại Thâm Quyến. Ảnh: IC.

Dữ liệu tổng hợp từ Bloomberg cho thấy cổ phiếu Evergrande đã tăng 11% trong phiên giao dịch cuối tuần tại Hong Kong sau khi giảm mạnh 16% vào tuần trước. Trái phiếu tại Trung Quốc đại lục của Evergrande đến hạn năm 2024 đã tăng 21,5%, đạt mức 80 NDT/trái phiếu. Trái phiếu bằng đồng USD đến hạn năm 2022 của công ty cũng tăng 2,4 cent lên 80,6 cent/trái phiếu. Đây là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 4/2020.

Khó khăn ập tới ngay trong thời điểm quan trọng đối với Evergrande khi công ty vừa tung ra chương trình bán các dự án căn hộ phải mất nhiều năm nữa mới có thể hoàn công trên toàn quốc và cần phải duy trì niềm tin cùng mức độ tín nhiệm cao từ khách hàng. Nếu các nhà đầu tư chùn bước, Evergrande phải trả khoản nợ trái phiếu khoảng 5,8 tỷ USD và nhiều khoản vay khác trong hai tháng tới, làm chi phí tái cấp tài chính tăng mạnh.

Trong tuyên bố ngày 25/9, công ty bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới cho biết hoạt động của họ vẫn “ổn định và lành mạnh”. Đại diện công ty nói thêm rằng tổng nợ phải trả và chi phí tài chính đã giảm kể từ tháng 3 và công ty chưa hề mắc khoản nợ quá hạn nào kể từ khi thành lập vào 24 năm trước.

Tỷ phú Hứa Giai Ấn, Chủ tịch Evergrande, đã bác bỏ tin đồn thiếu tiền mặt là dựa trên tài liệu "bịa đặt". Nhiều ngân hàng tại Trung Quốc cũng họp khẩn cấp để đánh giá lại mức độ rủi ro khi cho Evergrande vay tiền.

Trong một diễn biến tích cực được Evergrande công bố vào cuối ngày 25/9, công ty đã được sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong cho phép tách mảng bất động sản để quản lý riêng nhằm tạo điều kiện thuận tiện hơn cho công ty huy động vốn khi cần thiết.

Đơn vị xe điện của Evergrande cũng lên kế hoạch niêm yết tại Thượng Hải. Các chuyên gia phân tích của CGS-CIMB nhận định động thái này có thể làm giảm tỷ lệ nợ vốn của tập đoàn xuống 30%.

Raymond Cheng, chuyên gia phân tích tài chính tại CGS-CIMB nhận định: "Rủi ro thanh khoản của Evergrande có thể không cao như sự lao dốc của giá cổ phiếu và trái phiếu giao dịch trên thị trường. Với tổng doanh thu tiềm năng gần 80 tỷ đôla Hong Kong (10,3 tỷ USD) từ hai đợt IPO, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của tập đoàn có thể giảm từ 200% xuống 120-140% vào cuối năm nay và dưới mức 100% vào năm 2021".

Đại gia nhà đất Trung Quốc gặp khó vì gánh nặng nợ - Ảnh 2.

Các khoản nợ đến hạn của công ty Evergrande giai đoạn 2020 - 2025. Ảnh: Bloomberg.

Evergrande không chỉ là công ty phát hành trái đầu cơ lớn nhất châu Á mà còn là một trong những công ty quan trọng nhất về mặt hệ thống ở Trung Quốc, với 293 triệu m2 đất dự trữ và các dự án tại 237 thành phố khác nhau. Bên cạnh đó, sau khi khoản lỗ trái phiếu nước ngoài của công ty này lan sang nợ lãi suất cao nội địa vào tuần nước, các nhà đầu tư đã chú ý đến các khoản nợ sắp đến hạn của Evergrande nhiều hơn.

Đại diện tập đoàn Evergrande cho biết họ sẽ không huy động vốn mới thông qua đợt niêm yết trên sàn Thâm Quyến sắp tới, nhưng hoạt động này có thể khiến công ty nâng mức định giá vốn hóa và giúp công ty dễ dàng tiếp cận nguồn vốn trong tương lai hơn.

Hiện tại, cơ quan quản lý nhà nước Trung Quốc vẫn chưa bình luận về những rắc rối của Evergrande, nhưng giới chuyên gia nhận định chính phủ sẽ đóng vai trò quyết định trong tương lai của công ty này.

Một số nhà phân tích suy đoán có thể Evergrande không được cho phép niêm yết tại Thượng Hải bởi các nhà hoạch định chính sách muốn chế ngự tình trạng lạm phát giá nhà và hoạt động huy động vốn của các nhà phát triển bất động sản.

Chuyên gia Betty Wang và Zhaopeng Xing tại ngân hàng Australia & New Zealand nhận xét: "Khó khăn của Evergrande báo hiệu giai đoạn ảm đạm cho thị trường bất động sản Trung Quốc trong những quý tới. Nhiều công ty phát triển bất động sản có thể gặp nhiều khó khăn hơn trong quá trình xóa giảm nợ bởi những quyết sách nghiêm ngặt từ nhà nước. Tuy nhiên, thị trường bất động sản của Trung Quốc sẽ không đối mặt với những rủi ro mang tính hệ thống trên diện rộng".

Bùi Ngọc/Zing
Cùng chuyên mục