"Đại gia" tiền mặt ACV dự kiến lỗ 400 tỷ trong 3 quý cuối năm 2020

06/04/2020 17:36 GMT+7
Dự kiến cả năm 2020, lợi nhuận của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) dự kiến giảm 9.335 tỷ so với kế hoạch xuống chỉ còn 1.476 tỷ đồng trong năm 2020 sau khi lãi khoảng 1.857 tỷ đồng trong quý vừa qua. Ước tính, 3 quý còn lại của năm 2020, ACV lỗ khoảng gần 400 tỷ đồng.

Báo cáo về hoạt động của các tổng công ty, tập đoàn của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước cho thấy, quý I/2020, doanh thu của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) ước đạt 4.064 tỷ đồng, giảm 832 tỷ so với cùng kỳ năm 2019, tương đương giảm 17%. Tương ứng, lợi nhuận ước giảm 24% (tương đương 586 tỷ) về 1.857 tỷ đồng.

Mức lợi nhuận ước tính này giảm sâu hơn so với dự báo trước đó. Cuối tháng 2, ACV từng dự kiến lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh đạt 1.700 tỷ đồng, giảm 78% kế hoạch năm.

Dự kiến cả năm 2020, doanh thu ACV đạt 11.339 tỷ, giảm 10.230 tỷ so với kế hoạch ban đầu. Lợi nhuận cũng dự kiến giảm 9.335 tỷ (-86%) so với kế hoạch xuống chỉ còn 1.476 tỷ đồng. 

"Đại gia" tiền mặt ACV dự kiến lỗ 400 tỷ trong 3 quý cuối năm 2020 - Ảnh 1.

ACV dự kiến lỗ 400 tỷ trong 3 quý cuối năm 2020 sau khi ước lãi hơn 1.800 tỷ trong quý I

Trong 2 kịch bản ACV đưa ra cho những tháng còn lại của năm 2020 trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, với kịch bản thứ nhất, ACV dự kiến, thị trường quốc tế vào tháng 5/2020 sẽ phục hồi dần một số đường bay Trung Quốc; trong khi đường bay châu Âu, Hàn Quốc sẽ tạm dừng đến hết tháng 7/2020; các đường bay còn lại phải đến tháng 8 mới bắt đầu hồi phục chậm;

Với kịch bản thứ hai, thị trường trong nước từ cuối tháng 3 đến tháng 5/2020 sản lượng sẽ tiếp tục giảm 60-70% và bắt đầu hồi phục từ tháng 6/2020. Tuy nhiên, do ảnh hưởng lịch học điều chỉnh nên theo ACV khả năng sản lượng tăng đột biến trong đợt cao điểm hè như mọi năm sẽ không kỳ vọng.

ACV là doanh nghiệp khai thác, vận hành 21/22 sân bay dân dụng tại Việt Nam, bao gồm các cảng hàng không lớn nhất cả nước như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng. Mới đây, ACV đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019 với lợi nhuận sau thuế giảm 128 tỷ đồng so với báo cáo tự lập trước đó, xuống 8.214 tỷ đồng.

Nguyên nhân dẫn đến điều chỉnh giảm này chủ yếu đến do lãi chênh lệch tỷ giá giảm từ 440 tỷ đồng xuống còn 14 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng thêm 88 tỷ đồng trong khi lãi khác giảm từ 76 tỷ đồng xuống chỉ còn gần 9 tỷ đồng do không còn khoản hoàn nhập khấu hao các niên độ trước.

Như vậy, dù điều chỉnh giảm nhưng lợi nhuận sau thuế năm 2019 của ACV vẫn tăng 32,8% so với kết quả đạt được năm trước đồng thời là mức lãi kỷ lục kể từ khi doanh nghiệp này đi vào hoạt động.

Tại thời điểm 31/12/2019, tổng tài sản của ACV đã tăng 8,5% so với đầu kỳ lên mức 58.176 tỷ đồng. ACV là doanh nghiệp nắm giữ lượng tiền mặt (tiền, tương đương tiền và tiền gửi) lớn nhất trên sàn chứng khoán với 31.270 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa tổng tài sản. Số dư tiền gửi "khổng lồ" lên đến 30.921 tỷ đồng,  "đại gia" tiền mặt ACV thu về hơn 1.800 tỷ đồng lãi tiền gửi trong năm 2019, đóng góp không nhỏ vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhật Minh
Cùng chuyên mục