dd/mm/yyyy

Đại Lộc phát huy tiềm năng tạo đột phá cho nông nghiệp, tạo giá trị hơn 1.500 tỷ đồng

Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thời gian qua, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư, tập trung phát triển cây trồng, con vật nuôi phù hợp, liên kết sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm.

Qua đó, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp, góp phần quan trọng vào Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM).

Vượt khó ổn định sản xuất

Ông Trần Việt Phương - Trưởng phòng NNPTNT huyện Đại Lộc cho biết, tổng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản năm 2022 trên toàn huyện ước đạt 1.531,7 tỷ đồng, tăng 43,9 tỷ đồng so với năm 2021. Trong đó, ngành nông nghiệp ước đạt 1.299,7 tỷ đồng, ngành lâm nghiệp 190,1 tỷ đồng, thủy sản 41,9 tỷ đồng.

Năm 2022, Đại Lộc có tổng diện tích gieo trồng là 15.369ha, tăng 0,03% so với năm 2021. Trong đó, tổng diện tích cây lương thực có hạt là 9.850ha (cây lúa 8.445ha, cây ngô 1.405ha), sản lượng ước đạt 62.095 tấn.

Vụ Đông Xuân huyện Đại Lộc có 13 xã, thị trấn thực hiện liên kết sản xuất lúa giống trên diện tích 1.694,7ha (lúa thuần 1.451,7ha, lúa lai 243ha). Vụ Hè Thu có 7 hợp tác xã liên kết sản xuất lúa giống với diện tích 325ha.

Đại Lộc phát huy tiềm năng tạo đột phá cho nông nghiệp - Ảnh 1.

Nhờ tập trung phát triển kinh tế mà diện mạo nông thôn huyện Đại Lộc đã đổi thay toàn diện. Ảnh: T.H

Đến cuối năm 2022, huyện Đại Lộc có xã Đại Hiệp duy trì xã NTM kiểu mẫu; xã Đại Quang được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 2 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu. Tiếp tục duy trì và nâng chuẩn các tiêu chí đã đạt đối với 13 xã NTM, phấn đấu đến năm 2023 sẽ có thêm 2 xã Đại Sơn và Đại Thạnh về đích, hướng đến Đại Lộc đạt chuẩn huyện NTM trong tương lai gần.

Để giảm thiểu tình trạng ốc bươu vàng và chuột cắn phá, ngay từ đầu vụ UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành trên địa bàn phối hợp với các tổ chức đoàn thể ra quân diệt chuột, bắt ốc. Vụ Đông Xuân tổ chức đánh bả bằng thuốc hóa sinh với tổng lượng bả 23.000kg và đào bắt 4.000 con chuột (tại xã Đại Hiệp); vụ Hè Thu tổ chức đánh bả đầu vụ với 7.490kg.

Do ảnh hưởng của đợt mưa lớn 31/3 - 2/4, có 143,92ha lúa giống tại các xã Đại Quang, Đại Nghĩa, thị trấn Ái Nghĩa bị lưỡng tính, không thu mua được. Những đợt mưa kéo dài trong thời điểm lúa đang trổ cũng khiến tỷ lệ lúa lép cao, rau màu ngập úng, ngã đổ.

Ông Phương cho biết thêm, theo thống kê năm 2022, tổng đàn vật nuôi trên địa bàn huyện Đại Lộc là 850.068 con. Trong đó, tổng đàn gia súc là 44.618 con, tổng đàn gia cầm là 805.450 con.

Thời gian qua, huyện đã tổ chức các đợt tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, tuy nhiên tỷ lệ tiêm phòng của các địa phương đạt tỷ lệ thấp so với kế hoạch. Dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục ở trâu bò và dịch cúm gia cầm H5N1 vẫn bùng phát ở một số nơi, chính quyền địa phương đã kịp thời xử lý và tiêu huỷ.

Hiện nay, UBND huyện vận động người dân chăn nuôi an toàn sinh học, nhân rộng các mô hình chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại tập trung nhằm bảo vệ môi trường sinh thái.

Trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, Đại Lộc có tổng số lồng bè ổn định ở mức 190 lồng với thể tích 12.785m3. Ngành nông nghiệp huyện luôn tích cực hỗ trợ cho nông dân con giống và kỹ thuật, để tiếp tục mở rộng diện tích nuôi cá lồng bè ở lòng hồ Khe Tân và các ao, bàu, đầm.

Ngoài ra, huyện Đại Lộc cũng đang duy trì 127,5ha mặt nước ao nuôi thủy sản, thả nuôi các loại cá truyền thống như trắm, trôi, mè, chép... Đặc biệt là đưa vào sử dụng và nhân rộng mô hình nuôi cá theo quy trình lọc nước tuần hoàn (RAS) nhằm mang lại hiệu quả sản xuất kinh tế cao.

Đại Lộc phát huy tiềm năng tạo đột phá cho nông nghiệp - Ảnh 3.

Thời gian qua, huyện Đại Lộc (Quảng Nam) đã phát huy tiềm năng, lợi thế xây dựng nhiều mô hình kinh tế mới đem lại thu nhập cao cho người dân. Ảnh: T.H

Về lâm nghiệp, huyện có diện tích rừng trồng sau khai thác đạt 1.770ha, chăm sóc rừng 3.500ha, 14.069ha rừng tự nhiên được bảo vệ theo các chương trình dự án. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 54,3%.

Trong năm, Phòng NNPTNT huyện Đại Lộc phối hợp với Công ty lâm nghiệp Thiện Hoàng để triển khai chương trình cấp chứng chỉ rừng FSC tại 8 xã có diện tích rừng sản xuất lớn. Dự định đến năm 2023, huyện Đại Lộc có trên 3.000ha rừng được cấp chứng chỉ rừng FSC.

Phát triển nông nghiệp bền vững

Ông Phương cho biết, thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, một số loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng đã được nhiều địa phương ưu tiên mở rộng. Tích tụ ruộng đất để hình thành các vùng chuyên canh, cánh đồng mẫu lớn, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị, hướng đến nền sản xuất hàng hóa mang lại giá trị cao.

Khi tham gia vào chuỗi liên kết, người nông dân được tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, được doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư nông nghiệp để yên tâm sản xuất. Đồng thời, góp phần quan trọng vào việc giải quyết bài toán được mùa mất giá, được giá mất mùa.

Ngành nông nghiệp cùng với UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện gieo trồng đúng thời vụ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh hại, sản xuất hữu cơ.

Để thực hiện mục tiêu liên kết trong sản xuất bền vững, thời gian tới, huyện Đại Lộc sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đẩy mạnh đổi mới và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp.

Tăng cường công tác tập huấn chuyển giao công nghệ, đào tạo nghề, vận động nông dân thay đổi phương thức canh tác manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung gắn với liên kết các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 50 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và 18 tổ hợp tác. Trong đó, hợp tác xã ở các xã Đại Hiệp, Đại Quang, Đại Minh, thị trấn Ái Nghĩa... có những chuyển biến tích cực về phương thức hoạt động, đầu tư, liên kết sản xuất, gắn chuỗi giá trị của hợp tác xã với các thành phần kinh tế khác. Phát huy được vai trò trong xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Huyện Đại Lộc cũng đặc biệt quan tâm xây dựng và quảng bá sản phẩm OCOP đặc trưng, với nhiều sản phẩm được chứng nhận đạt từ 3-4 sao như: Trà ngũ cốc thảo mộc Hồng An, rượu sim Hồng Lộc Tửu, trầm viên Kỳ Nam, trà bí đao Phương Vân... Năm 2023, huyện tiếp tục hỗ trợ, tư vấn thủ tục để 5 chủ thể đăng ký tham gia Chương trình OCOP.

"Nhờ đẩy mạnh liên doanh - liên kết và tổ chức sản xuất theo phương thức hàng hóa tập trung, ngành nông nghiệp huyện Đại Lộc đã tạo được những bước đột phá. Từ đó góp phần quan trọng trong Chương trình xây dựng NTM, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân…"- ông Phương chia sẻ.


Trần Hậu