Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Vị tướng khởi nguồn “Gió Đại Phong”

Thứ bảy, ngày 21/12/2013 07:06 AM (GMT+7)
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (tên thật là Nguyễn Vịnh), người con ưu tú của dân tộc, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang và nhân dân.
Bình luận 0
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, đầy nhiệt huyết của vị Đại tướng kính yêu, đã có nhiều câu chuyện kể về Người, gọi ông là: Vị cứu tinh bình dị, người khởi nguồn “Gió Đại Phong”... Dân Việt xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của tác giả Trần Công Tấn.

Cách đây 68 năm, tôi đến Trung bộ Phủ - Cơ quan của Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế thăm cậu Hoàng Anh, người em họ của mẹ tôi, cùng làm việc với anh Nguyễn Chí Thanh. Cậu Hoàng Anh dẫn tôi đến chào anh Thanh và nói: “Đây là cháu tôi, ở bên Đội Tình báo”. Anh Thanh bắt tay tôi rồi nói: “Chà! Mới 12 tuổi mà đã vào lính rồi. Giỏi!”.
Tác giả (thứ hai, từ trái sang) với các con của anh Thanh, chị Cúc tại gia đình ở Hà Nội. (Ảnh do gia đình cung cấp).
Tác giả Trần Công Tấn (thứ hai, từ trái sang) với các con của anh Thanh, chị Cúc tại gia đình ở Hà Nội. (Ảnh do gia đình cung cấp).

Mấy hôm sau, người chỉ huy tình báo gọi tôi đến, nói: “Em biết tiếng Pháp, nên anh Thanh chọn em làm liên lạc cho Đội bảo vệ, hộ tống ông Hoàng Xu-pha-nu-vông về nhận chức trong Chính phủ cách mạng Lào”.

Sau này, tôi mới biết anh Thanh làm Chủ nhiệm Việt Minh Trung Bộ, kiêm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế. Trung ương Đảng còn giao Anh nhiệm vụ Bí thư Xứ ủy Trung kỳ, đồng thời theo dõi giúp đỡ cách mạng Lào và Cam-pu-chia.

Tôi theo Đội bảo vệ đưa đoàn của ông Xu-pha-nu-vông về Lào. Ông nhận chức Bộ trưởng ngoại giao kiêm Tư lệnh các LLVT Liên quân Lào - Việt kiều, kéo 600 quân về Thà Khẹc mở mặt trận chống Pháp.

Ngày 21.3.1946, quân Pháp tấn công dữ dội. Mặt trận bị vỡ, chúng chiếm Thà Khẹc. Chúng tôi cùng Liên quân chiến đấu bảo vệ ông Hoàng, cùng Bộ chỉ huy vượt sông Mê Kông, qua Na-khon-phả-nôm lánh nạn. Đội bảo vệ được lệnh rút về Huế, giải thể và trở lại các đơn vị cũ đang tham gia bao vây quân Pháp từ Lào kéo về đóng ở bờ Nam sông Hương.

Tình hình cả nước lúc này rất căng thẳng với âm mưu giặc Pháp muốn trở lại cướp nước ta một lần nữa. Ở Huế, anh Thanh đã quy tụ được những bạn tù từ Buôn Ma Thuột, như Lê Chưởng, Trần Hữu Dực, Trần Quý Hai, Lê Tự Đồng, Hoàng Anh… về cùng anh và quân dân Thừa Thiên-Huế chuẩn bị kháng chiến. Lực lượng ta ở Huế có chừng bốn tiểu đoàn.

Anh Thanh điều động đồng chí Hà Văn Lâu, Chỉ huy trưởng Mặt trận Nha Trang ra Huế nhận nhiệm vụ Tư lệnh mặt trận Huế, kiêm trung đoàn trưởng Trung đoàn Trần Cao Vân. Ban tình báo phân công tôi làm liên lạc đưa công văn từ Chỉ huy Mặt trận đến Bí thư Tỉnh ủy và ngược lại. Anh Thanh và bác Bộ Hán - mẹ anh đều ở trong thành nội. Thương con trai vất vả, bác Bộ Hán từ làng quê Niêm Phò lên Huế lo cơm nước và chăm lo cho con đánh giặc.

Ngày 19.12.1946, Bác Hồ kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Đêm hôm đó, Tư lệnh Hà Văn Lâu lệnh cho Lê Vừa nổ bom phá cầu Tràng Tiền. Tiếng bom nổ phá cầu cũng là mệnh lệnh của Tỉnh ủy cho các LLVT hiệp đồng nhất loạt nổ súng đánh quân Pháp.

Trên mặt thành nội Huế, gần cửa Thượng Tứ, Anh Lâu lệnh cho khẩu đại bác 75mm duy nhất của mặt trận bắn vào các vị trí của giặc. Kho xăng của giặc ở trường Khải Định trúng đạn bốc cháy; tiếng reo mừng của đồng bào vang trên mặt thành, hòa cùng tiếng thét xung phong của bộ đội.
Đồng chí Nguyễn Chí Thanh (hàng giữa, thứ hai từ trái sang) cùng Ban lãnh đạo Khu ủy và Bộ chỉ huy Phân khu Bình Trị Thiên năm 1948. Ảnh tư liệu.
Đồng chí Nguyễn Chí Thanh (hàng giữa, thứ hai từ trái sang) cùng Ban lãnh đạo Khu ủy và Bộ chỉ huy Phân khu Bình Trị Thiên năm 1948. Ảnh tư liệu.

Trời sáng rõ, anh Thanh cùng lãnh đạo Tỉnh ủy đứng trên mặt thành theo dõi cuộc chiến đấu và chỉ đạo tôi đến báo anh Lâu cho đồng bào vào ngay hầm hố ẩn nấp và chuẩn bị tản cư. Dân vừa rời mặt thành thì cũng đúng lúc giặc nã hàng loạt đạn cối tới. Khẩu đại bác của quân ta bị hỏng do trúng đạn địch, nhà anh Thanh ở trong thành nội cũng trúng đạn, sạt một góc mái. Bác Bộ Hán vẫn không rời chỗ ẩn nấp trong nhà, chờ anh Thanh về.

Súng vẫn nổ vang rền bên bờ nam sông Hương; cả thành phố Huế sôi sục không khí chiến đấu. Trừ người già, trẻ con gồng gánh theo nhau ra khỏi Huế, còn tất cả trai trẻ, sinh viên học sinh đổ ra đường đào hào, đắp ụ súng, khiêng cả bàn ghế, tủ thờ, câu đối hoành phi ra lập chiến lũy, nhằm chống quân viện binh Pháp.

Từ hôm đó cho đến gần 50 ngày sau, anh Thanh vẫn bám sát mặt trận. Tụi nhỏ chúng tôi có hơn ba chục đứa, được anh Thanh, anh Lâu chia về làm liên lạc trinh sát, phục vụ các đơn vị quân giải phóng, vừa đưa thư, công văn, chuyển mệnh lệnh từ Ban chỉ huy mặt trận về các đơn vị, vừa tìm cách giết giặc, lập công. Khi nghe báo cáo và biết trong chúng tôi có đứa bị thương, hy sinh hoặc bị giặc đánh đập, tra tấn, anh Thanh xót xa nói với anh Hai: “Tội nghiệp tụi nhỏ. Bao giờ đánh xong giặc phải cho hết các em tiếp tục trở lại trường học”.

Những ngày cuối bị vây, giặc Pháp ở Huế rệu rã, chuẩn bị cờ trắng đầu hàng, thì từ Đà Nẵng, hàng nghìn tên cùng xe tăng theo Quốc lộ 1 ồ ạt đánh ra. Từ trên máy bay, quân nhảy dù cùng lương thực, súng đạn đổ xuống phá vòng vây, liên lạc được với quân đồn trú. Từ ngoài biển, quân Pháp cho tàu chiến nã đại bác vào, rồi đổ quân lên cửa Thuận An, cửa Tư Hiền. Từ cửa Thuận An, chúng dùng ca-nô chở quân theo các nhánh sông đánh bọc sau lưng quân ta. Trước thế địch quá đông và mạnh, ta bị thương vong nhiều, bộ đội chặn địch không nổi, bị vỡ từng mảng…

Ngày 7.2.1947, Mặt trận Huế bị vỡ. Anh Lâu và Hoàng Anh cho nổ bom phá cầu Phú Ốc, cầu Hiền Sĩ bắc qua sông Bồ, rồi tập họp số bộ đội, tự vệ còn lại, dẫn họ lên chiến khu.

May sao, trước đó, anh Thanh đã cho người đi nghiên cứu, lập được Chiến khu Hòa Mỹ. Nhà máy sửa chữa vũ khí, phòng dược sản xuất thuốc, bệnh viện quân dân y, lương thực, thực phẩm, thuốc men và tài liệu, sách báo cũng được gánh đi. Anh Thanh và cán bộ Tỉnh ủy ra vùng cát ven biển Quảng Điền trực tiếp đón bộ đội, cán bộ thuyết phục, khuyên họ trở lại, tìm đường lên chiến khu.

Ngày 13.2.1947, giặc Pháp đánh chiếm xong cả tỉnh Thừa Thiên-Huế. Chúng ra sức đốt phá, hãm hiếp, giết người nhằm uy hiếp tinh thần nhân dân. Chúng huênh hoang tuyên bố đã “làm cỏ” sạch Việt Minh cộng sản. Làng xóm tiêu điều, ruộng vườn xơ xác, dân và số cán bộ còn lại hoang mang, lo lắng…

Không thể bó tay nhìn giặc muốn làm gì thì làm, ngày 15.3.1947, với tư cách đại diện của Trung ương Đảng và là Bí thư Tỉnh ủy, anh Nguyễn Chí Thanh triệu tập hội nghị Tỉnh ủy mở rộng, họp tại làng Nam Dương, huyện Quảng Điền. Cán bộ, bộ đội toàn tỉnh còn bám trụ lại được đã về dự họp. Hội trường là một nhà dân cơ sở. Đại biểu ngồi trệt xuống nền nhà, mặt mày ai nấy hốc hác vì đói ăn, thiếu ngủ, vì thương tiếc người thân bị giặc giết, nhà cửa bị đốt phá. Họ im lặng, căng thẳng ngồi chờ.

Giờ khai mạc, anh Thanh đứng lên chào đại biểu, thăm hỏi mọi người và dặn dò cách phân tán khi có địch càn và đại bác bắn tới. Rồi chẳng có diễn văn thưa trình rườm rà, anh lặng lẽ mở bức thư của Bác Hồ gửi đồng bào cả nước đề ngày 5.3.1947 ra đọc. Trong thư Bác dặn: “… Không nên hoang mang, phải nhẫn nại nhưng cương quyết”. Bác phân tích tình hình: “Giặc đến đâu thì chúng giết hại, tàn phá, dân ta không khỏi cực khổ gian nan… Giặc càng rải ra chiếm đóng nhiều nơi thì càng mỏng manh, ta càng sẵn cơ hội đánh du kích tiêu diệt nó dần dần để đi đến thắng lợi cuối cùng…”.
Đồng chí Nguyễn Chí Thanh (ngoài cùng bên phải) cấy lúa cùng bà con xã viên HTX Chiến Thắng (xã Lý Ninh, huyện Đông Hội, Quảng Bình), tháng 1.1962. Ảnh tư liệu.
Đồng chí Nguyễn Chí Thanh (ngoài cùng bên phải) cấy lúa cùng bà con xã viên HTX Chiến Thắng (xã Lý Ninh, huyện Đông Hội, Quảng Bình), tháng 1.1962. Ảnh tư liệu.

Mọi người xúc động lắng nghe. Đọc xong thư Bác, anh Thanh nói: “Lời dạy của Bác đã mở đường cho chúng ta đi. Bây giờ chúng ta nên kiểm điểm lại, để rút ra những bài học kinh nghiệm”.

Rồi với nét mặt nghiêm khắc, anh nêu ra nhiều khuyết điểm của bản thân, của Tỉnh ủy và kết luận: “Bộ đội ta rất anh dũng, gan dạ. Đồng bào ta có tinh thần cách mạng cao, rất thiết tha với cách mạng, muốn theo Đảng, theo Chính phủ chiến đấu để giành lại tự do, độc lập. Điều đáng trách là chúng ta không biết cách động viên nhân dân chiến đấu”. Anh đưa mắt trìu mến nhìn các đại biểu, giọng xúc động:

- Thưa các đồng chí! Mất đất chưa phải là mất nước. Chúng ta chỉ sợ mất lòng tin của dân. Chúng ta cần phải tranh thủ từng người dân, từng thôn xóm, không thể để mất dân. Chết không rời cơ sở. Chúng ta phải làm lại từ đầu và chúng ta nhất định thắng…

Sau ba ngày hội nghị, các đại biểu thấy rõ những phân tích của Tỉnh ủy là xác đáng. Họ tự liên hệ những thiếu sót của mình, nói hết những vướng mắc trong tư tưởng, được bí thư giải đáp thông suốt. Cuối cùng, Tỉnh ủy ra nghị quyết có đoạn nhấn mạnh: “Tư tưởng chỉ đạo là phải nhanh chóng chuyển sang tấn công bằng cách đánh du kích, nhằm phá tan chính sách bình định của giặc, đưa phong trào kháng chiến vùng sau lưng địch vượt qua những khó khăn hiểm nghèo, tiến lên giành những thắng lợi mới”.

Tỉnh ủy đề ra những việc cần làm ngay: “Củng cố bộ đội, sau đó đánh một vài trận để gây lại lòng tin trong nhân dân. Khẩn trương đi tìm số cán bộ, đảng viên, bộ đội còn lẩn tránh đâu đó trở về hoạt động bám dân, bám đất, phát triển lực lượng, xây dựng cơ sở quần chúng, động viên nhân dân tin tưởng là kháng chiến và cách mạng vẫn còn. Rồi dần dần lập ra các đội du kích đi diệt tề, trừ gian, chặt đứt tay chân, tai mắt giặc, biến cuộc kháng chiến thành phong trào chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích, đánh các toán địch đi lẻ tẻ rồi dần dần đánh vào các đồn bốt của chúng…”.

Hội nghị bế mạc, đại biểu khẩn trương trở về cơ sở của mình. Về đến Hòa Mỹ, Hà Văn Lâu và Trần Quý Hai bắt tay ngay vào việc nghiên cứu tình hình địch, chuẩn bị đánh vài trận để báo cáo với dân là bộ đội vẫn còn. Anh Thanh ở lại ổn định xong hoạt động của cấp ủy hai huyện Phong Điền, Quảng Điền rồi đưa cơ quan Tỉnh ủy lên chiến khu.

Nhờ ảnh hưởng của Hội nghị Nam Dương lịch sử, bộ đội Trung đoàn Trần Cao Vân đã tụ tập về được gần hai tiểu đoàn. Anh Hà Văn Lâu chọn người lập ra một đội quân bí mật kéo về đồng bằng, tập kích tiêu diệt đồn Hộ Thành, giữa thành nội Huế. Chỉ 5 ngày sau, bộ đội Trần Cao Vân lại đánh tiêu diệt đồn Đất Đỏ. Dần dần bộ đội về đồng bằng làm nòng cốt vừa đánh địch, vừa xây dựng phong trào du kích, cùng dân tăng gia sản xuất, trồng thêm nhiều khoai sắn.

(Còn tiếp...)
Xuân Thắng (nguồn QĐND) (Xuân Thắng (nguồn QĐND))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem