Đắk Lắk mời 16 giám khảo nếm thử, tuyển chọn cà phê đặc sản

Duy Hậu Thứ tư, ngày 11/03/2020 05:22 AM (GMT+7)
Sản xuất cà phê đặc sản đang được tỉnh Đăk Lăk- thủ phủ cà phê Việt Nam- chú trọng. Đây được xem là một trong những giải pháp nhằm khai thác một phân khúc mới của thị trường cà phê có giá trị cao hơn.
Bình luận 0

Tìm kiếm cà phê đặc sản

Nhằm mục đích phát hiện và tôn vinh những lô cà phê và đơn vị sản xuất cà phê nhân đạt tiêu chuẩn đặc sản, từ ngày 1- 8/3, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) đã tổ chức cuộc thi Cà phê đặc sản năm 2020. Đây là lần thứ hai hiệp hội tổ chức cuộc thi này với sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân trong chuỗi cung ứng cà phê trong nước và quốc tế.

img

Các giám khảo nước ngoài được mời đánh giá cà phê tại cuộc thi.  Ảnh: Duy Hậu

Cà phê đặc sản là một khái niệm được nhắc tới đầu tiên bởi Erna Knutsen năm 1974 trên tạp chí Tea & Coffee Trade Journal.

Bà sử dụng thuật ngữ này để miêu tả những hạt cà phê thơm ngon nhất và được sản xuất tại những vùng có khí hậu đặc biệt.

Để đánh giá chất lượng của loại hạt cà phê đặc sản, trong quá trình kiểm định để thu mua, những chuyên gia cà phê sẽ tiến hành kiểm tra, phân loại với những tiêu chí chính như: Thổ nhưỡng, địa điểm gieo trồng, cách thức chăm bón cây cà phê, cách thức thu hoạch và xử lý sau thu hoạch, phân loại, thử nếm.

Theo ông Trịnh Đức Minh - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, cuộc thi đã thu hút được 36 đơn vị đến từ các tỉnh Tây Nguyên và Sơn La tham gia gửi 56 mẫu dự thi (trong đó có 33 mẫu cà phê Rubusta và 22 mẫu cà phê Arabica).

So với lần thứ nhất, cuộc thi Cà phê đặc sản lần thứ hai được cải tiến, tổ chức bài bản hơn. Cuộc thi đã mời được 4 giám khảo nước ngoài và 12 giám khảo trong nước. Các giám khảo tham gia thử nếm đều bảo đảm yêu cầu của Hiệp hội Cà phê hảo hạng Mỹ (SCA) là có chứng nhận Q-Grader do SCA cấp.

Các mẫu cà phê trước khi đưa vào thử nếm chính thức sẽ được đánh giá vật lý để loại bớt những mẫu xấu. Nhằm đảm bảo tính khách quan, các mẫu tham dự cuộc thi sẽ được mã hóa hai lần trước và sau khi rang xay.

Ngoài ra, cuộc thi còn tổ chức 2 phiên thử nếm dành cho bên mua là những nhà rang xay, thu mua và cho chính các đơn vị tham gia cuộc thi.

"Mục đích của việc này, đối với nhà rang xay, thu mua là để họ chọn được những mẫu mình thích nhất. Đối với đơn vị dự thi, việc thử nếm nhằm để đối chiếu, rút kinh nghiệm, điều chỉnh quá trình sản xuất, chế biến của mình để làm cà phê đặc sản tốt hơn"- ông Minh nói.

Giải pháp nâng cao giá trị

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Đăk Lăk, ngoài mục đích tôn vinh những lô cà phê đặc sản, cuộc thi Cà phê đặc sản năm 2020 còn hướng đến mục tiêu kết nối trực tiếp nhà nhà rang xay với đơn vị sản xuất cà phê đặc sản. Cuộc thi còn tạo động lực cho người trồng cà phê quan tâm đến việc nâng cao chất lượng; bước đầu phát triển thị trường, nhu cầu tiêu thụ và giá trị gia tăng cho cà phê đặc sản của Việt Nam.

Theo ông Trịnh Đức Minh, sau cuộc thi, Ban tổ chức sẽ chọn những mẫu tốt nhất (dự kiến 6 mẫu) để gửi đi các Viện chất lượng cà phê quốc tế cho Hội đồng thử nếm quốc tế thử. Sau đó, các mẫu này sẽ được tiếp tục gửi cho các nhà rang xay quốc tế để chào hàng.

Cũng theo ông Minh, thông tin từ những nhà sản xuất, cung ứng, các lô cà phê đạt chứng nhận đặc sản trong cuộc thi lần thứ nhất đã có giá bán cao hơn thị trường từ 2-3 lần tùy theo điểm đạt được. 3 năm vừa qua, ngành cà phê thế giới cũng như Việt Nam đều trải qua một giai đoạn cực kỳ khó khăn, do giá cà phê thấp. Cho nên, việc làm cà phê đặc sản coi như là một trong những giải pháp cần thiết, mới để khai thác một phân khúc thị trường có giá trị cao hơn.

Đối với cuộc thi năm nay, các nhà sản xuất cà phê đặc sản đã tổ chức mua của nông dân những quả cà phê chất lượng cao với giá rất cao. Như vậy, đối với nông dân, nếu không đủ điều kiện để chế biến sau thu hoạch, họ chỉ cần bán quả đã có một khoản tiền chênh lệch lớn so với giá thương mại. Trong khi đó, nông dân không phải đầu tư cho khoản chế biến sau thu hoạch.

"Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2019 đã đem đến những hiệu ứng tích cực cho ngành hàng. Bản thân người sản xuất, kinh doanh cà phê ngày càng quan tâm đến vấn đề chất lượng và tự tin với sản phẩm của mình, họ thể hiện mong muốn gắn bó với cà phê bằng hành động, cùng tìm giải pháp phát triển ngành trong bối cảnh giá cả thị trường khó khăn. Cuộc thi năm nay tiếp tục giới thiệu sản phẩm cà phê nhân đặc sản của Việt Nam đến với người tiêu dùng, nhà rang xay trong và ngoài nước; kết nối trực tiếp nhà rang xay với đơn vị sản xuất cà phê đặc sản; bước đầu phát triển thị trường, nâng cao giá trị tăng cho cà phê đặc sản Việt Nam"- ông Minh nói.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem