Tại buổi khám sàng lọc bệnh lao và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính miễn phí của Bệnh viện Phổi tỉnh Đắk Lắk tổ chức ngay tại Trạm y tế địa phương, bà N.T.H (trú tại Buôn Ky, phường Thành Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột) được khám, tư vấn, soi đờm, chụp X quang phổi.
Bác sĩ kết luận bà bị bệnh lao phổi kèm đái tháo đường. Bà Hạnh cho biết, gia đình không có điều kiện nên không mấy khi đi khám sức khỏe định kỳ. Do đó, bà mong được có nhiều dịp như thế này để gặp trực tiếp bác sĩ có chuyên môn để được thăm khám và tư vấn về sức khỏe cho bản thân và những người thân trong gia đình.
Chị Đ.T.H (trú tại Buôn Ky, phường Thành Nhất, TP Buôn Ma Thuột) cũng đến khám. Chị cho biết, cách đây 5 tháng, thấy các triệu chứng ho nhiều, sốt, cơ thể gầy sút, kém ăn, mệt mỏi, sốt nhẹ, đau ngực, đôi khi khó thở… nhưng vì nhà không có điều kiện nên không đến cơ sở y tế để khám bệnh.
Qua tư vấn, thăm khám và làm xét nghiệm, bác sĩ cho biết chị mắc bệnh lao và được hỗ trợ đăng ký điều trị theo đúng phác đồ chuẩn của chương trình chống lao quốc gia.
Trong các đợt thăm khám tại cơ sở, các bác sĩ Bệnh viện Phổi tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện không ít các trường hợp mắc lao trong cộng đồng. Đa số người bệnh khó khăn về kinh tế nên khi có các triệu chứng mắc lao nhưng vẫn trì hoãn không đi khám bệnh.
Việc phát hiện các trường hợp mắc lao trong cộng đồng và quản lý, điều trị tốt sẽ giúp phòng lây nhiễm bệnh lao.
Theo báo cáo của Bệnh viện Phổi tỉnh Đắk Lắk, 9 tháng đầu năm 2022, tổng số bệnh nhân lao được phát hiện 766 trường hợp, 471 bệnh nhân lao phổi có vi khuẩn trong đó tỷ lệ điều trị khỏi đạt 93,7%, số bệnh nhân lao kháng thuốc được phát hiện là 22 trường hợp, tỷ lệ điều trị khỏi bệnh nhân lao kháng thuốc đạt trên 80%, có 47% bệnh nhân điều trị được xét nghiệm HIV.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, để loại trừ hoàn toàn bệnh lao ra khỏi cộng đồng vẫn là một thách thức rất lớn, bởi số bệnh nhân tiềm ẩn trong cộng đồng chưa được phát hiện còn khá cao.
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng kỳ thị với người bệnh lao; thời gian điều trị bệnh lao kéo dài; khả năng tiếp cận của người dân vùng sâu, vùng xa còn khó khăn... là nguyên nhân ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng, chống bệnh lao.
Bác sĩ Rmah Lương, Phó Giám đốc Bệnh viện phổi tỉnh Đắk Lắk cho biết, lao là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nguồn lây chính là từ bệnh nhân lao phổi có vi khuẩn lao trong đờm. Những người bị lao phổi ho, hắt hơi, khạc đờm vi trùng theo đường nước bọt ra môi trường bên ngoài, người khác hít phải nguy cơ bị nhiễm vi trùng lao cao và có thể mắc bệnh lao.
Để giảm tỷ lệ người mắc bệnh lao cần tăng cường các biện pháp khám sàng lọc phát hiện, điều trị sớm và quản lý tốt bệnh nhân lao tại cộng đồng.
Đồng thời, đẩy mạnh việc áp dụng các kỹ thuật mới vào khám, phát hiện, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao;
Các cơ quan, tổ chức, người bệnh, người nhà người bệnh tham gia tích cực tuyên truyền về bệnh lao để mọi tầng lớp nhân dân hiểu và chủ động phòng, chống bệnh lao; người dân cũng cần nâng cao ý thức để cùng với ngành Y tế đẩy mạnh công tác phòng chống bệnh lao, nhằm bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.
Năm 2022 Ban chỉ đạo về chấm dứt bệnh Lao tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu phát hiện bệnh nhân lao chung các thể và tái phát 1.600 bệnh nhân; điều trị khỏi bệnh nhân lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học đạt 85% trở lên, tỷ lệ điều trị bệnh nhân lao chung các thể đạt hơn 90%.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.