Đắk Lắk: Tiết giảm nguồn năng lượng tái tạo để đảm bảo an toàn trong vận hành hệ thống điện

17/03/2021 08:41 GMT+7
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kinh tế tăng trưởng chậm lại nên phụ tải tiêu thụ điện của toàn hệ thống giảm xuống mức thấp, trong khi nguồn điện năng lượng tái tạo ngày càng chiếm tỷ trọng cao đã khiến hệ thống điện Quốc gia đối mặt với nhiều vấn đề về an toàn vận hành.

Bùng nổ năng lượng tái tạo 

Tại tỉnh Đắk Lắk, đến hết năm 2020, một số lượng lớn các dự án điện mặt trời mái nhà được đấu nối vào hệ thống điện và phát công suất lên lưới. Cụ thể đến 31/12/2020 toàn tỉnh đã có gần 5.360 công trình được đầu tư, xây dựng và đấu nối phát điện với tổng công suất 650 nghìn kWp.

Trong khi với phụ tải tiêu thụ hiện nay vào khung giờ buổi trưa là khoảng 300MW nên nguy cơ thiết bị, đường dây tải điện phải vận hành mang tải cao do phát ngược sẽ xảy ra thường xuyên.

Đắk Lắk: Tiếp giảm nguồn năng lượng tái tạo để đảm bảo  an toàn trong vận hành hệ thống điện - Ảnh 1.

Điện mặt trời mái nhà đang bùng nổ tại Đắk Lắk.

Đặc biệt trong những ngày đầu tháng 1/2021, thời tiết khu vực tỉnh Đắk Lắk chuyển sang mùa khô, thuận lợi cho điện mặt trời mái nhà phát điện với hiệu suất cao, dẫn đến nhiều thiết bị, đường dây tải điện đã cảnh báo mức mang tải cao.

Thêm vào đó, áp lực thừa nguồn của toàn hệ thống điện Quốc gia đã khiến PC Đắk Lắk thường xuyên nhận lệnh sa thải nguồn tại chỗ từ Điều độ cấp trên. Dự báo thời gian tới, khi bức xạ đang trong xu hướng tăng dần lên khi bước vào cao điểm mùa khô, công suất từ điện mặt trời mái nhà phát lên lưới càng lớn.

Đắk Lắk: Tiếp giảm nguồn năng lượng tái tạo để đảm bảo  an toàn trong vận hành hệ thống điện - Ảnh 2.

Để đảm bảo an toàn vận hành lưới điện, PC Đắk Lắk kêu gọi doanh nghiệp, cá nhân sở hữu năng lượng tái tạo tiết giảm nguồn năng lượng đưa lên lưới điện.

Tiết giảm để an toàn hệ thống

Thông thường, vận hành hệ thống điện được xem là tập hợp các biện pháp nhằm duy trì chế độ làm việc bình thường của hệ thống, đáp ứng các tiêu chí đã đề ra. Trong thời gian qua, hệ thống điện Đắk Lắk vẫn được vận hành theo cách truyền thống này. Nghĩa là vận hành thụ động, theo kế hoạch có sẵn, xử lý tình huống là chủ yếu.

Từ cách thức đó, hệ thống nguồn và lưới điện trên địa bàn tỉnh đã được vận hành, khai thác khá tốt, đảm bảo yêu cầu về chất lượng, độ tin cậy và an toàn. Tính từ năm 2019 trở về trước, hầu hết các chỉ tiêu về tổn thất điện năng, độ tin cậy cung cấp điện của PC Đắk Lắk đều đạt hoặc thực hiện vượt mức được giao.

Đắk Lắk: Tiếp giảm nguồn năng lượng tái tạo để đảm bảo  an toàn trong vận hành hệ thống điện - Ảnh 3.

Cán bộ, nhân viên PC Đắk Lắk trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ doanh nghiệp, cá nhân thực hiện việc tiết giảm năng lượng.

Tuy nhiên, trước việc bùng nổ năng lượng tái tạo đã làm đảo lộn cách thức vận hành hệ thống mà trước nay vẫn thực hiện. Với nhân viên vận hành, đặc biệt là điều độ viên đang quen với cách vận hành thụ động là xử lý tình huống thì khi phải đối mặt với tình trạng như trên sẽ khó có thể thay đổi ngay lập tức mặc dù đã được cảnh báo và chuẩn bị từ trước. Nhiều trường hợp rất khó xử lý, đòi hỏi phải có tư duy, dự báo được xu hướng phụ tải, xu hướng thay đổi luồng công suất để đưa ra các thao tác hợp lý khi phương pháp vận hành cũ đã không còn phù hợp.

Sớm nhận ra được những bất cập, vướng mắc sẽ gặp trong công tác vận hành, điều độ hệ thống điện, PC Đắk Lắk đã nhanh chóng có những điều chỉnh, chỉ đạo và thực hiện sát với thực tế, đảm bảo hệ thống vận hành một cách tối ưu, an toàn nhất.

Trong những năm gần đây, cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời và điện gió tại Việt Nam đã mang lại sự phát triển bùng nổ của năng lượng tái tạo). Tính đến nay, tổng công suất lắp đặt của các nhà máy điện năng lượng tái tạo trên toàn hệ thống là 21.650MW, trong đó điện gió là 490MW, điện mặt trời nối lưới là 8.500MW, điện mặt trời mái nhà là 7.600 MW, sinh khối là 400MW, rác thải rắn là 10MW và thủy điện nhỏ là 4.650MW.

Theo đó đơn vị đã chủ động phân tích, tính toán để đưa ra sơ đồ kết dây tối ưu, sơ đồ kết dây dự phòng cho các trường hợp bất thường một cách linh hoạt nhất, sắp xếp công tác trên lưới điện hợp lý về thời gian và khu vực; tính toán bảo vệ rơle, điện áp, tụ bù phù hợp với điều kiện có nhiều nguồn điện mặt trời mái nhà. Đồng thời PC Đắk Lắk vừa có văn bản gửi Tỉnh ủy Đắk Lắk, UBND tỉnh Đắk Lắk cùng Sở Công Thương tỉnh này về việc tiết giảm nguồn năng lượng tái tạo để đảm bảo an toàn trong vận hành hệ thống điện.

Ngoài ra, PC Đắk Lắk cũng tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, vận động các doanh nghiệp, cá nhân có hệ thống năng lượng tái tạo đồng hành cùng đơn vị trong việc chung tay nhằm bảo đảm an toàn vận hành hệ thống điện. Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết các doanh nghiệp, cá nhân đang sở hữu nguồn năng lượng tái tạo đều thực hiện tốt chủ trương của PC Đắk Lắk.

Đắk Lắk: Tiết giảm nguồn năng lượng tái tạo để đảm bảo an toàn trong vận hành hệ thống điện - Ảnh 5.

Các nhà máy điện mặt trời cần tiết giảm một phần công suất để đảm bảo an toàn hệ thống điện

Bà Nguyễn Thùy Trang- Giám đốc Công ty TNHH Quang Luận (thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk) cho biết, doanh nghiệp đã xây dựng hệ thống điện mặt trời mái nhà với công suất 560kVA. Sau khi hòa vào lưới điện quốc gia, mỗi tháng doanh nghiệp thu về khoảng 100 triệu đồng. Tuy nhiên hiện nay đơn vị đã tiết giảm 15% nguồn điện mặt trời mái nhà để cùng chung tay với PC Đắk Lắk trong việc đảm bảo an toàn hệ thống điện.

"Hiện mỗi ngày PC Đắk Lắk đều cử nhân viên đến để giúp doanh nghiệp trong việc thực hiện tiết giảm năng lượng. Do đó doanh nghiệp rất yên tâm trong việc sử dụng nguồn điện mặt trời mái nhà an toàn và hiệu quả"- bà Trang nói.

Duy Hậu
Cùng chuyên mục