Đầu tư nhiều công trình quan trọng
Tổng kinh phí tỉnh đã bố trí để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2018 của tỉnh Đắk Nông là gần 249 tỷ đồng. Trong đó vốn đầu tư phát triển hơn 185 tỷ đồng và vốn sự nghiệp gần 64 tỷ đồng.
Các dự án của Chương trình giảm nghèo bền vững được triển khai đồng bộ và hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cho cán bộ các xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn; thôn, bon, buôn đặc biệt khó khăn, giai đoạn 2016 - 2018, đã đầu tư 61 công trình giao thông, 35 trường học, 7 công trình nước sinh hoạt tập trung, 92 nhà sinh hoạt cộng đồng với kinh gần 79 tỷ đồng; đầu tư xây mới và nâng cấp được 232km đường giao thông các loại.
Mô hình trồng cam ở xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông). Ảnh: Duy Hậu
Đối với huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, huyện Đắk Glong được áp dụng cơ chế theo thực hiện Quyết định số 615/QĐ-TTg ngày 25/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Nguồn kinh phí ngân sách Trung ương đầu tư cho huyện là 14,7 tỷ đồng, theo đó địa phương đã xây dựng được 3 công trình đường giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh, gồm: đường giao thông liên thôn thôn 4 - 5 xã Đắk Hà; đường giao thông liên xã Đắk Som - Đắk R'Măng, đường giao thông vào Bệnh viện đa khoa huyện; 1 công trình để bảo đảm chuẩn hóa về giáo dục là trường THCS Quảng Hòa.
Bên cạnh việc đầu tư các công trình hạ tầng, Đắk Nông cũng triển khai xây dựng các mô hình phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị về sản xuất ngô, đậu nành, chăn nuôi bò, lợn, trồng hồ tiêu, cà phê…
Điển hình có thể kể tới mô hình liên kết sản xuất ở xã Quảng Sơn (huyện Đăk G’Long). Bà Nguyễn Thị Hoa (thôn Quảng Hợp) - một hộ dân liên kết với Hợp tác xã Dano Farm cho biết: Trước đây gia đình tôi rất khó khăn, thu nhập bấp bênh, nhưng khi tham gia vào hợp tác xã để trồng dâu, thu nhập của gia đình mỗi năm tăng thêm từ 30 - 40% so với việc trồng độc canh cà phê, tiêu như trước đây. Quan trọng hơn là việc này đã giải quyết được mối lo về đầu ra của sản phẩm và không phải lo khi giá cà phê, tiêu giảm.
Giúp bà con đẩy lùi đói nghèo qua liên kết sản xuất
Theo ông Lê Đình Tuấn – Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn, hiện xã có gần 100 gia đình, trong đó có 40% là đồng bào dân tộc thiểu số kinh tế còn nhiều khó khăn tham gia liên kết trồng dâu nuôi tằm. Tất cả những nông dân này trước khi bắt tay vào sản xuất đều được phía Hợp tác xã Dano Farm giúp đỡ về kỹ thuật, cam kết về đầu ra cho sản phẩm nên nông dân rất phấn khởi, mạnh dạn chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm.
Ông Lê Đình Tuấn khẳng định, với việc tổ chức sản xuất theo hình thức liên kết, đời sống nhân dân địa phương đã có những đổi thay mạnh mẽ. Chỉ trong 5 tháng đầu năm, kết quả rà soát hộ nghèo trên địa bàn xã đã giảm từ 51,74% (thời điểm cuối năm 2018) xuống còn 44,61%.
Với đặc thù xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, nhất là đồng bào di cư tự do từ phía Bắc vào khá lớn, việc canh tác chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, thì việc liên kết sản xuất ở Quảng Sơn đã thúc đẩy mạnh mẽ việc áp dụng khoa học kỹ thuật. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi giống mới, giống cây trồng phù hợp mà năng suất, hiệu quả sản xuất của nông dân ngày càng tăng lên.
"Trong thời gian tới, xã xác định về cơ bản vẫn lấy nông nghiệp là ngành sản xuất chính, tập trung mọi nguồn lực và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn do Trung ương và tỉnh, huyện hỗ trợ để đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, các chương trình trọng điểm như thủy lợi, giao thông, nhà ở... Trong đó khuyến khích các thành phần kinh tế và người dân chú trọng phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, cùng nhau tạo nên cộng đồng trách nhiệm, mở hướng làm ăn để giúp các hộ còn khó khăn thoát nghèo" - ông Tuấn nói.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Nông, toàn tỉnh hiện có 167 hợp tác xã; trong đó, có 103 hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây đều là các hợp tác xã có quy mô tương đối lớn, có trình độ liên kết, sản xuất hàng hóa và tận đụng tốt các thế mạnh địa phương.
Việc hỗ trợ các hợp tác xã nói chung và các hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng là một ưu tiên của tỉnh Đắk Nông trong nhiều năm qua. Các lĩnh vực tập trung hỗ trợ bao gồm: cơ chế chính sách, ưu đãi về vốn vay, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường...
Trong giai đoạn 2016 – 2020, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã xuất hiện thêm nhiều mô hình mới như: Tưới công nghệ cao cho cây cà phê, trồng bơ trái vụ xen cây công nghiệp, nuôi dúi sinh sản, nuôi cừu, nuôi chim cút, nuôi heo công nghệ cao…, qua đó góp phần cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống cho người nghèo.
|
“Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông và giảm nghèo về thông tin năm 2019 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”
Vui lòng nhập nội dung bình luận.