Đàm phán Mỹ - Trung sắp tới là cơ hội cho Trung Quốc xoa dịu sự "phẫn nộ" của Trump?

22/08/2020 18:03 GMT+7
Các nhà phân tích nhận định Trung Quốc có thể sẽ sử dụng cuộc đàm phán thương mại sắp tới với Mỹ như một cơ hội để ngăn chặn, hoặc ít nhất là làm chậm lại một cuộc đối đầu toàn diện có nguy cơ nổ ra giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Đàm phán Mỹ - Trung sắp tới là cơ hội cho Trung Quốc xoa dịu sự "phẫn nộ" của Trump? - Ảnh 1.

Bộ Thương mại Trung Quốc mới đây đã xác nhận có cuộc đàm phán với Mỹ “trong vài ngày tiếp theo”, bất chấp việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ít ngày trước giận dữ tuyên bố hoãn thảo luận thương mại vì “không muốn nói chuyện với Trung Quốc ngay lúc này”. Hiện Mỹ chưa xác nhận liệu đàm phán Mỹ - Trung có được lên lịch lại như những gì Bắc Kinh tuyên bố hay không.

Cuộc đàm phán diễn ra vào tháng 8 là một phần nội dung mà Bắc Kinh và Washington đã thống nhất khi thỏa thuận giai đoạn 1 được ký kết hồi tháng 1/2020. Theo đó, hai bên sẽ gặp nhau nửa năm một lần để nhìn lại tiến độ thực hiện các cam kết trong thỏa thuận. 

Nội dung thỏa thuận này yêu cầu Bắc Kinh tăng cường mua 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ Mỹ trong vòng 2 năm tiếp theo. Trung Quốc đã nỗ lực tăng cường thu mua nông sản Mỹ trong những tuần gần đây, nhưng kim ngạch nhập khẩu cho đến nay vẫn kém xa mức mục tiêu 77 tỷ USD đã cam kết trong thỏa thuận giai đoạn 1 do sự bùng phát đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và nhu cầu trong nước. Bất chấp sự thật này, ông Wendy Cutler, Phó chủ tịch Viện Chính sách Xã hội Châu Á đồng thời là là cựu quyền Phó đại diện thương mại Mỹ vẫn cho rằng thỏa thuận thương mại “là một trong những điểm sáng hiếm hoi còn lại” mà Mỹ và Trung Quốc tiếp tục tham gia.

Theo các nhà phân tích, nếu cuộc đàm phán song phương được tái thiết lập trong những ngày tới, đây sẽ là cơ hội hiếm hoi để các quan chức Bắc Kinh xoa dịu những xung đột song phương, duy trì quan hệ Mỹ - Trung trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 3/11 tới đây.

Còn Wang Yiwei, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin, Trung Quốc thì cho rằng: “Việc cuộc thảo luận diễn ra, dù nó bị trì hoãn trước đó, là một động thái cho thấy các vấn đề song phương có thể được thương lượng”.

“Nếu Phó Thủ tướng Lưu Hạc - cánh tay phải đắc lực của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - trò chuyện với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, điều này sẽ đưa ra một thông điệp mạnh mẽ rằng Trung Quốc sẵn sàng “giải quyết một số quan ngại của Mỹ” -ông Wang nói thêm. Ngoài nội dung bàn về thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, cuộc đàm phán cũng có thể sẽ thảo luận về các vấn đề cơ cấu dài hạn trong nền kinh tế Trung Quốc. 

Không riêng Wang Yiwei, nhiều nhà quan sát khác đã nhận ra Trung Quốc gần đây đang báo hiệu sẵn sàng duy trì mối quan hệ cởi mở với Mỹ khi căng thẳng Mỹ - Trung leo thang mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ. Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị hồi đầu tháng 8 cho biết Bắc Kinh sẵn sàng đối thoại với Washington “trên mọi cấp độ và mọi lĩnh vực; bất kỳ lúc nào và bất kỳ vấn đề nào cũng có thể được đưa ra bàn thảo”.

Tuy nhiên, phía chính quyền Tổng thống Trump đã không chấp thuận thông điệp nhượng bộ này khi liên tục đưa ra các biện pháp trừng phạt mới với doanh nghiệp Trung Quốc, từ TikTok cho đến Huawei. Ông Trump nhấn mạnh: “Tôi không muốn nói chuyện với Trung Quốc lúc này”.

Hua Changchun, nhà kinh tế trưởng tại công ty môi giới Trung Quốc Guotai Junan Securities cho biết Trump sẽ không áp đặt thêm thuế quan trừng phạt với hàng hóa Trung Quốc để trả đũa việc Bắc Kinh không theo kịp thỏa thuận giai đoạn 1, vì động thái như vậy cũng là đòn giáng mạnh mẽ vào nền kinh tế Mỹ vốn đang lao đao vì đại dịch. Nhưng rõ ràng, vị đương kim Tổng thống Mỹ cần Trung Quốc tăng mua gấp hàng hóa dịch vụ Mỹ để làm hài lòng cử tri ngay trước thềm bầu cử diễn ra vào tháng 11 tới.


 

 

Thùy Dung
Cùng chuyên mục