Dân chơi trang bị áo giáp, “hiệp sĩ đường phố” phát… hờn

Trần Đáng Thứ sáu, ngày 25/05/2018 13:55 PM (GMT+7)
Sau vụ 5 “hiệp sĩ” đường phố Sài Gòn thương vong, giới “hiệp sĩ” đã nghĩ đến việc trang bị áo giáp chống đạn, chống dao khi đi bắt trộm, cướp. Nhưng mong muốn là một chuyện, thực tế lại là một chuyện khác.
Bình luận 0

Áo giáp bán tràn lan trên mạng

Trên thực tế, trào lưu sắm áo giáp phòng thân của dân chơi ở các thành phố lớn đã diễn ra một thời gian qua khi tình hình an ninh trật tự trở nên phức tạp, những vụ đâm thuê chém mướn ngày một gia tăng cả số lượng lẫn mức độ hung hãn.

img

Một sản phẩm áo giáp chống đạn găm, dao đâm được quảng cáo trên mạng xã hội.

Trên chợ online hiện ngập tràn những lời rao bán rất nhiều loại áo giáp, áo giáp lưới sắt, ống tay, bao tay chống đạn, chống dao đâm... Tuy nhiên, những loại hàng bán ngầm trên mạng chủ yếu là hàng nhái hoặc sản xuất tại Việt Nam với giá vài trăm đến vài triệu đồng. Ngoài những mặt hàng áo giáp giá bèo này, còn có những loại áo giáp được giới thiệu là hàng nhập từ nước ngoài giá lên đến cả ngàn USD.

Nhân viên của shop “hangcucdoc” trên mạng giới thiệu, hiện phần lớn áo giáp đều được sản xuất từ các sợi siêu bền như: polyethylene, cacbon… Chất lượng áo giáp nước ngoài đảm bảo đạn găm, dao đâm không thủng. Có loại áo chống đạn dành cho doanh nhân, kích thước nhỏ gọn, khá thời trang, đảm bảo mặc không nhận ra. Nhưng, loại này giá rất đắt, lên tới vài ngàn USD.

"Hiệp sĩ" tự trang bị: Quá khó! 

Anh Nguyễn Thanh Hải – thủ lĩnh nhóm “hiệp sĩ” Bình Dương chia sẻ, trước sự nguy hiểm khi va chạm với bọn cướp giật, vài năm trước anh em "hiệp sĩ" đã nghĩ đến việc phải trang bị áo giáp nhưng mong ước ấy vẫn chưa thực hiện được vì không đủ lực. "Việc 5 “hiệp sĩ” ở Sài Gòn thương vong đã cho thấy mức độ nguy hiểm, hung hăng của bọn trộm, cướp ngày một tăng. Điều này khiến tôi lại nghĩ đến việc trang bị áo chống đạn, chống dao đâm cho anh em", anh Hải nói.

img

Nhóm “hiệp sĩ” Sài Gòn vẫn tay không bắt cướp.

Theo anh Hải, các loại áo giáp được giới thiệu trên mạng chủ yếu được sản xuất tại Việt Nam khá gồ ghề, không thích hợp trang bị cho “hiệp sĩ” vì dễ bị phát hiện. Vả lại, việc “hiệp sĩ” trang bị áo giáp vô hình chung lại vi phạm pháp luật.

“Ở Bình Dương, các “hiệp sĩ” được phép hoạt động công khai. Nếu cần trang bị áo giáp để phòng chống tội phạm, nhóm “hiệp sĩ” cũng phải xin phép công an tỉnh”, anh Hải cho biết.

Trong khi đó, tại Sài Gòn, “hiệp sĩ” Đỗ Công Tường cũng cho hay, anh đã nghĩ đến việc phải trang bị áo giáp cho nhóm “hiệp sĩ” từ khi xảy ra vụ 5 “hiệp sĩ” trong nhóm bị thương vong. “Nếu được trang bị áo chống đạn thì quá tốt, còn không chỉ chống dao đâm cũng đủ tốt rồi”, anh chia sẻ.

img

Hiện trường vụ 5 “hiệp sĩ” Sài Gòn thương vong vào trung tuần tháng 5.2018.

Tuy nhiên, chưa nói đến việc nếu trang bị áo giáp cho nhóm “hiệp sĩ” sẽ vi phạm Pháp lệnh số 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các “hiệp sĩ” đường phố còn thổ lộ không biết lấy kinh phí từ đâu để mua áo giáp trang bị cho nhau.

Điều 36, Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định rõ:

Trường hợp có căn cứ để cho rằng, trong người hoặc trên phương tiện đang giấu, cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép thì các lực lượng chức năng đang thi hành công vụ phải kiểm tra, kiểm soát, thu giữ, tạm giữ người, phương tiện để xử lý theo quy định của pháp luật.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của Pháp lệnh này và các quy định khác của pháp luật có liên quan về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường; cá nhân vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem