Đậu nành (còn gọi là đậu tương) được xưng tụng là “vua trong các loại đậu”, là loại thực vật có nhiều đạm và có giá trị dinh dưỡng cao. Riêng sữa đậu nành được xem là một thức uống bổ dưỡng tốt cho sức khỏe. Nhưng lạ thay, lâu nay, người ta có thói quen nấu đậu nành lấy sữa, chứ ít ai dùng bã đậu nành để chế biến món ăn. Đây là một phí phạm to lớn, vì bã đậu nành có mùi vị thơm ngon, hàm lượng chất đường thấp, chất xơ cao v.v…
Còn lá cách là một loại rau sạch không thể thiếu trong việc chế biến các món ăn truyền thống như: ếch, lươn, bò (xào lá cách), nấm mối nướng lá cách, bánh xèo cuốn lá cách v.v… Ngoài ra, theo Đông y, lá cách vị ngọt thơm, có tác dụng mát gan, lợi tiểu… nữa.
Bã đậu nành và lá cách (Ảnh: BCT)
Nói đến bã đậu nành, tôi còn nhớ lúc bấy giờ nhà ngoại tôi ở sát tiệm làm đậu hủ của chú ba người Hoa. Hàng ngày, cơ sở sản xuất của chú cung cấp một số lượng lớn đậu hủ miếng (tươi lẫn chiên) cho các chợ trong thành phố. Do đó, số lượng bã đậu nành rất nhiều, vì thế để rộng mặt bằng sản xuất, ai đến xin chú đều hào phóng cho không tất cả. Và, ngoại tôi cùng những người hàng xóm, trong những ngày rằm ăn chay thường đến xin vài ký về chế biến món ăn.
Tuy là những thứ nguyên liệu thật đạm bạc, nhưng qua bàn tay chế biến khéo léo của ngoại, chúng tôi có được những món ngon như: Bã đậu nành xào lá cách, khô bã đậu nành, bã đậu nành nướng lá lốt v.v... Trong các món vừa kể, món gây ấn tượng trong tôi nhất là món: Bã đậu nành xào lá cách.
Đĩa bã đậu nành xào lá cách thơm ngon và quyến rũ. (Ảnh: BCT)
Theo ngoại, chế biến món ăn dân dã này tuy dễ nhưng phải qua nhiều công đoạn và phải nắm vững những bí quyết nêm nếm để món ăn được ngon miệng và hấp dẫn. Trước hết, ngoại cho phần bã đậu nành vào túi vải thưa để ráo nước, và chuẩn bị các nguyên liệu (giá sống, lá cách, dừa nạo và các gia vị (đường, muối, bột ngọt…) và sơ chế như sau: Lá cách lựa lá vừa ăn rửa sạch xắt nhuyễn, giá sống rửa sạch để ráo, dừa nạo lấy nước cốt đậm đặc (số lượng nhiều ít tùy theo bã đậu nành). Kế đến, ngoại cho bã đậu nành, nước cốt dừa cùng gia vị (đường + muối + bột ngọt) nêm vừa ăn, đổ vào chảo xào khô, múc ra tô. Bắc chảo lên bếp, phi dầu (mỡ) tỏi thơm, cho giá sống cùng gia vị (bột nêm) vào xào cho giá ngấm gia vị, rồi cho bã đậu nành (đã sơ chế) với giá sống vào trộn đều. Cuối cùng, cho lá cách xắt nhuyễn vào xào chín, nhắc xuống, thế là xong!. Và, ngoại còn dặn dò kỹ, muốn món ăn này được “thăng hoa”, cần chuẩn bị thêm 1 dĩa bánh tráng nhúng, 1 dĩa rau sống (rau thơm, diếp cá, dưa leo…) và làm 1 chén nước tương ớt chua ngọt là đủ!...
Bữa ăn đã sẵn sàng. Chỉ cần lấy miếng bánh tráng nhúng cho vào lòng bàn tay, gắp miếng bã đậu nành xào lá cách, miếng rau sống cuốn lại chấm vào chén nước tương chua ngọt đưa lên miệng nhai chậm rãi, sẽ cảm nhận vị béo, bùi, thơm của bã đậu nành, giòn giòn của dưa leo, cay nồng của rau thơm xông lên tận mũi, khiến ta lạ miệng “quên thôi” với món ngon dân dã do ngoại chế biến!...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.