Dân Đông Triều ở Quảng Ninh trồng "sâm tiến vua" lấy giống từ Bắc Giang, mới bán hoa đã đắt tiền
Dân Đông Triều ở Quảng Ninh trồng "sâm tiến vua" lấy giống từ Bắc Giang, mới bán hoa đã kiếm bộn tiền
Thu Lê
Thứ sáu, ngày 06/12/2024 05:48 AM (GMT+7)
Sâm tiến vua có tên gọi là sâm Nam núi Dành là giống sâm quý vốn chỉ trồng được ở vùng đất Tân Yên (tỉnh Bắc Giang) nhưng nay đã có mặt ở phường Bình Khê, TP Đông Triều (Quảng Ninh) mở ra một hướng làm giàu mới cho bà con nông dân nơi đây.
Sâm Nam núi Dành - sâm tiến vua - giống sâm tiền tỷ
Sâm Nam núi Dành là loài dược liệu quý vang danh từ hàng trăm năm trước. Đây là sản vật độc nhất, sinh trưởng ở khu vực núi Dành, thuộc hai xã Liên Chung và Việt Lập, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.
Tương truyền rằng, có thời kỳ mẹ vua Tự Đức bị lòa mắt, nhiều thuốc thang chữa trị mà vẫn không khỏi, may nhờ có sâm núi Dành mà mắt bà sáng lại.
Tiếng lành đồn xa, khiến một gốc sâm to có thể đổi được cả tạ gạo trắng nên bị người dân săn tìm ráo riết. Vì vậy mà sâm Nam ngày càng khan hiếm.
Ở thế kỷ trước, sâm Nam núi Dành dần bị lãng quên, sau nhiều nỗ lực của các nhà khoa học cùng các cấp chính quyền và nhân dân, sâm Nam núi Dành đã hồi sinh.
Theo kết quả nghiên cứu công bố của Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sâm Nam núi Dành có tên khoa học là Callerya speciosa, phân bố hẹp, chủ yếu ở xã Việt Lập và Liên Chung, (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) nơi có thành phần thổ nhưỡng đặc biệt (đá cám, Canxi và Magiê).
Nhóm chất chính trong mẫu sâm là saponin (hoạt chất chính tạo nên những công dụng kỳ diệu của sâm), flavonoid (hoạt chất chống lão hóa), acid hữu cơ, acid amin...
Sâm Nam núi Dành là loài dược liệu quý, sinh trưởng ở khu vực núi Dành, thuộc hai xã Liên Chung và Việt Lập, huyện Tân Yên, Bắc Giang đã được trồng thành công tại khu vực vùng núi của phường Bình Khê, TP.Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Thu Lê.
Chị Vũ Thị Hẹn - một trong 4 hộ trồng sâm đầu tiên tại Bình Khê, TP.Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Mẫu sâm hơn 5 tuổi có hàm lượng lớn hơn đáng kể so với mẫu 2, 3, 4 tuổi. Cụ thể, nhóm chất saponin ở củ sâm Nam núi Dành 5 tuổi cao hơn so với 2 tuổi 253%, flavonoid là 595%.
Đáng nói, hàm lượng chất saponin tương đương với sâm Hàn Quốc và chỉ đứng sau sâm Ngọc Linh.
Sâm Nam thường được sử dụng để chữa các bệnh mãn tính như viêm gan, thấp khớp, gia tăng sự hồi phục các chức năng của cơ thể, được xem là loại thuốc bổ".
Hoa sâm tiến vua sau khi thu hoạch, sấy khô, chế biến trà hoa sâm khô có giá thành từ 700.000đ - 1.000.000đồng/kg. Ảnh: Thu Lê.
Cũng theo chị Hẹn, hoa sâm Nam còn giàu các dưỡng chất như saponin, flavonoid, vitamin và khoáng chất, giúp tăng cường miễn dịch, chống oxy hóa, và hỗ trợ giảm căng thẳng. Ngoài ra, hoa sâm này còn có tác dụng thanh nhiệt và bồi bổ sức khỏe.
Sâm Nam núi Dành đã bám rễ ở vùng đất Đệ tứ Chiến khu Đông Triều
Vừa dẫn chúng tôi đi thăm vườn sâm, chị Hẹn vừa kể: Dịp tháng 8/2022, trong một lần đi công tác, anh Nguyễn Xuân Huynh ở thôn Dọc Mản đã tình cờ đến thăm một dự án nhân giống sâm Nam quý ở ngoại thành TP Bắc Giang, do Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Quảng Ninh và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đảm nhiệm. Đây chính là khởi duyên để giống sâm quý từ Bắc Giang về với Quảng Ninh.
Đến cuối tháng 8/2022, sau khi tham gia vào dự án anh Huynh đã đưa về Bình Khê hơn 6 vạn cây sâm Nam giống. Do chưa có đủ không gian canh tác, số cây giống này được anh hợp tác trồng cùng một số hộ dân ở thôn, trong đó có hộ nhà chị Hẹn.
"Sau khi nghe anh Huynh và cán bộ dự án chia sẻ về cách chăm sóc, và giá trị kinh tế mà cây sâm mang lại, các hộ chúng tôi đều phấn khởi. Vùng đất đồi nhiều sỏi đá có cơ hội để nở hoa rồi. Ngoài giá trị kinh tế tiền tỷ của củ sâm, hoa sâm còn cho thu hoạch hàng năm với giá cả triệu đồng/kg hoa khô đấy", chị Hẹn hồ hởi khoe.
Qua 2 năm vừa trồng, vừa rút kinh nghiệm, vừa mở rộng quy mô, đến nay, tổng diện tích trồng đã gần 6 ha. Trong đó, tại khu Tây Sơn là gần 4 ha, còn khu Đồng Đò là hơn 2 ha. Năm ngoái, cây sâm đã cho hơn 2 tấn hoa tươi. Chỗ hoa tươi này sau khi sấy, được khoảng 2 tạ, có giá bán khoảng 1 triệu đồng/kg hoa khô.
Chị Hẹn cho biết, để những cây sâm đạt chuẩn hữu cơ (organic) đòi hỏi tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn canh tác bền vững, không sử dụng hóa chất độc hại và đảm bảo môi trường sinh trưởng tự nhiên. Ngoài ra, cần thường xuyên làm cỏ thủ công để tránh sự cạnh tranh dinh dưỡng và giúp cây phát triển mạnh. Quy trình này không chỉ tạo ra sản phẩm sâm chất lượng cao, an toàn cho sức khỏe mà còn góp phần bảo vệ môi trường và hệ sinh thái tự nhiên.
Những thành quả này không dễ dàng gì mà có được. Theo lời chị Hẹn, thời điểm mới trồng, các hộ cũng từng thất bại, thiệt hại cũng tiền trăm triệu cây giống ban đầu.
"Khi trồng được 1 năm, cây đã bén rễ, khỏe và lớn nhanh. Nhưng do không được dùng các loại phân bón, thuốc trừ cỏ trong quá trình canh tác, nên rất phải chú ý khâu tưới tiêu, làm đất, dọn cỏ và gia cố hệ thống giàn leo...", chị Hẹn nói và chia sẻ về việc khó khăn trong việc trồng sâm: "Đất đồi cây trồng sinh trưởng chậm nhưng hễ 1- 2 hôm ngơi tay, cỏ dại lại mọc xanh um, ăn hết chất dinh dưỡng của sâm".
Còn theo lời anh Huynh, còn một bài học kinh nghiệm nữa đã được rút ra đó chính là thời điểm xuống giống.
"Năm đầu, khi mới xuống giống là vào tháng 9, dịp đầu mùa thu, cây sinh trưởng tốt, lên đều. Nhưng đến mùa đông cây sinh trưởng kém, dần héo úa và chết hàng loạt, khiến chúng tôi rất bất ngờ. Sau này mới biết, để cây sống, trước vụ Đông cần chăm sóc tốt, làm cỏ kỹ, tưới đủ nước để cây khỏe, có đủ dinh dưỡng tích cho củ", anh Huynh kể.
Đưa Sâm núi Nam mang thương hiệu "Sâm núi Ngự Vân" ra thị trường
Sau hơn 2 năm canh tác, vườn sâm đã cho ra hoa ổn định và khai thác đều hàng năm. Riêng củ thì từ năm thứ 4 sẽ khai thác được.
"Chúng tôi đã tính toán để chuẩn bị mở rộng quy mô vườn, nhằm gối cây sau khi khai thác củ, đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định cho sản phẩm sâm Nam núi Dành, nhưng mang thương hiệu riêng của Đông Triều, Quảng Ninh – đó là Sâm núi Ngự Vân", anh Huynh cho hay.
Dẫn chúng tôi vào thăm khu sản xuất, chị Hẹn cho biết, các hộ trồng sẽ thu hoạch hoa, và chuyển về điểm sản xuất bên anh Huynh. Quy trình chế biến hoa sâm đạt chuẩn an toàn vệ sinh bắt đầu từ khâu thu hái nguyên liệu sạch, không sử dụng hóa chất.
Hoa sâm được rửa kỹ bằng nước sạch. Sau đó, nguyên liệu được sấy khô, chế biến ở nhiệt độ phù hợp nhằm giữ nguyên hàm lượng dưỡng chất. Tất cả các giai đoạn đều tuân thủ nghiêm ngặt quy định vệ sinh và kiểm định chất lượng để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
"Chúng tôi đã đăng kỹ nhãn hiệu sản phẩm. Trong tháng này sẽ hoàn thành xong chứng nhận an toàn thực phẩm để đưa ra thị trường. Mục tiêu của chúng tôi là đưa Sâm nam Núi Ngự sớm trở thành sản phẩm OCOP chủ lực của thành phố Đông Triều", anh Huy chia sẻ kế hoạch.
Hồ hởi thông tin với chúng tôi, chị Hẹn cho biết, đơn vị đối tác của Dự án đang mong muốn mở rộng diện tích lên 200 ha để đáp ứng nhu cầu chế biến, đồng thời đảm bảo bao tiêu toàn bộ sản phẩm hoa và củ sau khi thu hoạch, nên gia đình chị hẹn, cùng một số hộ canh tác khác đang vừa cùng anh Huynh chuẩn bị đưa sản phẩm ra thị trường, vừa tính chuyện thuê thêm đất để trồng thêm cây sâm.
Hoa sâm khô là nguyên liệu chính để sản xuất trà nụ hoa sâm và rượu hoa sâm. Ảnh: Thu Lê.
Hiện hoa sâm thu hoạch chế biến trà hoa sâm khô cho giá thành từ 700.000 - 1.000.000đồng/kg. Củ sâm tươi từ 5 tuổi trở lên cũng có giá khoảng 2 triệu đồng/kg.
Ngoài ra, khi nhân được giống sâm Nam, cây giống có giá dao động từ 15.000 - 25.000đồng/gốc. Mỗi héc-ta sâm 2 tuổi trở lên sẽ cho 3 - 4 tấn hoa tươi, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Nếu canh tác đúng kỹ thuật, cây trồng này có thể đưa lại thu nhập hàng tỷ đồng/ha.
Chưa kể, việc tự phát triển một sản phẩm OCOP mới hoàn chỉnh từ cây sâm sẽ mang lại thu nhập cao hơn, giúp quy hoạch vùng trồng ổn định, tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm.
Nhìn những cánh đồng sâm trải dài trên những sườn đồi đầy sỏi đá và nụ cười đã bắt đầu nở trên môi những người nông dân, có thể thấy hướng đi mới này đang mang lại hiệu quả cao.
Những diện tích đất đồi đang canh tác cây ăn quả không hiệu quả, hoàn toàn có thể chuyển đổi sang trồng sâm Nam – loại sâm quý tiến vua xa xưa, giúp người dân Bình Khê làm giàu trên mảnh đất của mình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.