Dân hững hờ với tái định cư

Thứ hai, ngày 11/04/2011 18:43 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ năm 2003, khu tái định cư Minh Châu, xã Tri Lễ, Quế Phong, Nghệ An đã đón 146 hộ dân ở 8 bản giáp biên xã Tri Lễ xuống định cư. Nhưng chỉ sau ba năm, họ lại rủ nhau về bản cũ.
Bình luận 0

Khu tái định cư (TĐC) Minh Châu nằm ngay bên trục đường nhựa dẫn từ trung tâm huyện Quế Phong vào xã Tri Lễ. Về đây định cư là các hộ dân người Mông và Khơ Mú.

img
Nhiều gia đình ở khu tái định cư Minh Châu chỉ còn lại trẻ em.

Không trồng cấy được

Đến khu TĐC Minh Châu chúng tôi thấy hầu hết các ngôi nhà đều cửa đóng then cài, vườn tược bỏ không. Dạo một vòng quanh bản D1, thỉnh thoảng chúng tôi mới thấy có nhà mở cửa, vào thăm chỉ gặp người già và trẻ em. Ngôi nhà đầu tiên chúng tôi tới có 3 bà cháu. Hỏi chuyện, người cháu gái bảo bố mẹ về bản cũ, bà xuống đây ở để trông nhà khi các em đi học.

Đến giữa bản, thấy một ngôi nhà mở cửa, có tiếng cười nói chúng tôi ghé vào. Ngôi nhà rộng chừng 20m2, dựng theo kiểu truyền thống của người Mông, nền đất 4 phía thưng gỗ, thấp lụp xụp. Trong nhà có một chiếc xe đạp và chiếc giường với quần áo, sách vở lộn xộn. Chủ nhà là em Thò Bá Di, học sinh lớp 7 Trường Trung học cơ sở Tri Lễ.

Di bẽn lẽn kể: “Chỉ có 4 anh em ở đây đi học, bố mẹ và các anh chị lớn ở bản cũ (bản Huổi Mới – PV) làm nương rẫy, chăn nuôi trâu. Hàng tuần, em về nhà lấy gạo muối xuống đây”.

Đem thắc mắc này tới nhà Trưởng bản Xồng Bá Cha, Trưởng bản Cha bộc bạch: “Năm 2003, hơn 100 hộ dân xuống đây định cư, năm 2006, hơn một nửa kéo về bản cũ. Hiện còn 50 hộ ở lại nhưng cũng chỉ có 30 hộ có đủ vợ chồng con cái ở hẳn đây. Còn 20 hộ khác chỉ có con cái ở đây để đi học cho gần. Mỗi tuần họ xuống núi tiếp tế lương thực cho các con một lần”.

Hỏi lý do, Trưởng bản giải thích: “Nhà nước chia cho ruộng và vườn nhưng không trồng cấy được vì không có nước tưới. Người dân phải quay về bản cũ làm nương. Vợ chồng tôi ở bản Huổi Mới 2 xuống đây định cư từ năm 2004. Nhà nước trợ cấp tiền làm nhà, cấp đất vườn và đất ruộng nhưng không mần chi được. Khi nào kết gạo vợ chồng mình lại về bản cũ xin bố mẹ”.

Khu TĐC Minh Châu đã được Nhà nước đầu tư hàng chục tỷ đồng. Theo đó, Minh Châu đã san lấp 40ha đất hoang hóa làm đất canh tác lúa nước, chia cho các hộ dân. Tuy nhiên 7 năm nay, diện tích đất này chưa cho một hạt thóc nào vì không có nước. Không chỉ thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt cũng thiếu trầm trọng. “Nước ăn chỉ có trong 1 năm đầu. Bây giờ, cả 21 bể chứa nước đều hỏng” – Trưởng bản Cha cho biết.

Thấp thỏm chờ nước

Theo Trưởng bản Cha, để người dân yên tâm định cư ở Minh Châu, điều cần làm ngay là phải có nước sản xuất cho bà con. Ông Lô Xuân Phòng- Bí thư Đảng ủy xã Tri Lễ cho biết: Năm 2010, dự án thủy lợi cho khu tái định cư Minh Châu đã được đầu tư làm lại với số vốn 21 tỷ đồng, đưa nước từ đập Kẽm Ải về ruộng của bà con.

Tháng 1.2011, công trình đã hoàn thành và bàn giao cho người dân sử dụng. Tuy nhiên, đến giờ người dân Minh Châu vẫn chưa làm đất để gieo cấy lúa, bởi nước chưa về tới ruộng.

Quỹ đất trồng lúa và nguồn nước tưới ở Minh Châu ít. Đất trồng lúa nước nếu chia bình quân, mỗi hộ chỉ được vài sào. Hiện còn khoảng 80ha đất hoang hóa nữa có thể cải tạo làm ruộng lúa nước được. Tuy nhiên nước chưa có đủ để cung cấp cho diện tích này bởi công trình đập Kẽm Ải ngoài việc cung cấp nước cho khu tái định cư Minh Châu còn nhiệm vụ cấp nước cho 120ha đất sản xuất lúa của các bản Đốn, Nóng 1, Lằm, Cắm… Trong khi đó, đất ở đây là đất hở, nước bị thất thoát nhiều.

Năm 2002, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt dự án khu TĐC Minh Châu với các hạng mục: Quy hoạch dân cư, làng bản theo kiểu mới, khai hoang ruộng nước, đất màu; xây dựng hệ thống nước sinh hoạt, nhà tắm, đường giao thông nội vùng, cầu cống nhỏ, trường học, làm kênh dẫn nước...
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem