Dân lo tính mạng "tan" theo bụi khói, chính quyền vẫn im lặng?

Nguyễn Quý Thứ bảy, ngày 13/08/2016 16:05 PM (GMT+7)
Không phải đợi đến sự cố “sập lồng túi lọc bụi” của Nhà máy xi măng Hạ Long hồi cuối tháng 7 vừa qua mới làm cho người dân xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh) thấy hoang mang, lo lắng. Cả trước và sau khi đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên môi trường và Công an tỉnh Quảng Ninh đến xác minh sự cố rồi đi, dân xã Thông Nhất vẫn hàng ngày chứng kiến những đám bụi khói mịt mùng bủa vây trên đầu.
Bình luận 0

Trước thực trạng đó, họ chẳng biết kêu ai ngoài những cuộc họp xã hay các kỳ tiếp xúc cử tri của cán bộ hội đồng nhân dân cấp trên. Nhưng tất cả vẫn rơi vào im lặng!

Không ai dám sử dụng nước giếng

Đã 2 năm nay, cụ Lương Khôi Bút (89 tuổi, xóm 1, thôn Đất Đỏ, xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ) phải ngủ trong căn phòng kín bít, có 2 lần cửa kính và gỗ, lỗ thoáng cũng bị bịt chặt nhưng không có máy điều hòa nhiệt độ. Đó là biện pháp tối ưu nhất của cụ Bút để tránh bụi khói và tiếng ồn của Nhà máy xi măng Hạ Long. Hỏi sao cụ bít phòng thế này thì lấy oxy đâu mà thở, cụ Bút lều phều: “Vẫn thở được anh ạ! Còn hơn ra phòng ngoài chịu tiếng ồn và hít bụi, tôi thấy tức ngực lắm!”.

Tuy đã gần đất xa trời, nhưng vì hoàn cảnh các con phải đi làm ăn xa, 2 ông bà cụ vẫn tự nấu nướng và phục vụ chăm sóc nhau. Cái giếng nước nhà, theo cụ Bút là có từ thời người Hoa để lại (năm 1979), vốn trong vắt, vẫn dùng để đun nấu đồ ăn nước uống, vậy mà 2 năm trở lại đây không dùng được nữa vì thấy nước chuyển màu đen ngòm và rất nhiều cặn lắng. Bất đắc dĩ, cụ Bút phải hứng nước mưa qua ang rồi múc vào bình lọc sử dụng.

img

Những đám bụi khói khổng lồ vẫn được xả ra sau sự cố ngày 24.7 Ảnh: Người dân cung cấp

Đâu chỉ có nhà cụ Bút, mà cả Xóm 1, thôn Đất Đỏ có 27 hộ, thì không còn hộ nào dám sử dụng nước giếng để ăn nữa. Trong khi đó, hệ thống nước của Công ty CP nước sạch Quảng Ninh chưa về tới thôn, nên bà con cũng chỉ biết dùng nước từ bể chứa hứng nước mưa, nhà nào cẩn thận thì mua bình lọc nước.

Để chứng minh, ông Nguyễn Văn Tý (trưởng thôn Đất Đỏ) dẫn PV tới các giếng nước của nhiều hộ dân khác trong thôn, như nhà anh Đỗ Thành Đắc, anh Nguyễn Văn Sáng, bà Nguyễn Thị Hội.... Tất cả đều có màu đục, và rất nhiều cặn đen trong nước.

“Nước giếng thì như vậy, còn nước mưa thì hứng từ mái nhà cũng đầy bụi từ nhà máy xi măng xả ra. Nhưng cũng phải dùng anh ạ, nếu không biết lấy nước ở đâu?” – ông Tý ngán ngẩm.

Bức xúc vì việc Công ty CP xi măng Hạ Long xả bụi khói ra môi trường, cao điểm là vào buổi đêm và những hôm thời tiết xấu, người dân thôn Chợ, thôn Đất Đỏ đã nhiều lần kiến nghị lên xã qua các buổi họp và tiếp xúc cử tri, nhưng chưa ai nhận được câu trả lời.

Cặn clinker “vô tư” chảy ra khu vực dân sinh và Vịnh Hạ Long?

Lần theo bức tường dài cả km của Nhà máy xi măng Hạ Long, khu giáp ranh với cách đồng của 2 thôn Đất Đỏ và thôn Chợ, PV phát hiện 4 điểm Nhà máy xây dựng cửa cống xả nước thải. Trong đó, 1 cửa cống có màu vàng đậm, lắng lại lớp bột mịn. Cây cỏ xung quanh cửa cống và đầu mương nước này đều đã chết vàng rũ.

Theo một nhân viên hợp đồng bảo vệ của Nhà máy (xin được giấu tên), đây chính là cặn clinker (nguyên liệu sản xuất xi măng) từ bãi chứa clinker bên trong Nhà máy. Từ bãi chứa này, nước mưa kéo theo clinker trôi ra cửa cống, vào mương nước xã Thống Nhất, và điểm đến sẽ chảy ra vịnh Hạ Long cách Nhà máy chỉ vài cây số.

img

Từ các bãi clinker này, nước thấm hóa chất chảy ra cửa cống, vào mương nước thôn Chợ và thôn Đất Đỏ (xã Thống Nhất) rồi thoát ra vịnh Cửa Lục. Ảnh: Nguyễn Quý

Để tìm hiểu cụ thể hơn, PV đã tận mắt thấy bãi clinker hàng nghìn m3 ngay sau bức tường ở khu vực cửa cống có màu vàng. Theo người dân, việc họ đi làm đồng và thấy miệng cống của Nhà máy chuyển màu vàng đậm, lắng lại lớp bột mịn, xung quanh cây cỏ chết rạp, chảy ra mương nước bên ngoài Nhà máy, đã xuất hiện từ 4-5 năm nay.

Trao đổi với PV, ông Trần Đình Giang, Chủ tịch UBND xã Thống Nhất, cho biết: “Việc người dân có kiến nghị về vấn đề gây ô nhiễm môi trường của nhà máy xi măng Hạ Long, xã đã báo cáo với huyện, nhưng đến nay chưa thấy phản hồi”. Ông Giang cũng thừa nhận, việc gây ô nhiễm môi trường, nhất là tình trạng xả khói bụi của Nhà máy ảnh hưởng đến đời sống dân cư là có. “Đặc biệt là đợt cuối tháng 7 vừa qua, việc nhà máy xả bụi khói dày đặc, phủ khắp một vùng trời, khiến người dân bức xúc” – ông Giang nói.

Tại văn bản số 3199 của Sở Tài nguyên Môi trường Quảng Ninh, nguyên nhân phát sinh bụi dày đặc phát ra từ Nhà máy vào ngày 24.7 được kết luận là do “sập lồng túi bụi lọc trong công đoạn nghiền xi măng của Nhà máy”. Tuy nhiên, theo ý kiến của ông Nguyễn Văn Tý (Trưởng thôn Đất Đỏ) cùng nhiều hộ dân sống lân cận, việc xả bụi dày đặc của Nhà máy đã diễn ra từ nhiều năm nay, thường là vào ban đêm và hôm có thời tiết xấu. Cao điểm nhất là trong tháng 7 vừa qua, liên tiếp trong khoảng 15 ngày người dân phát hiện những đám bụi khổng lồ phát ra từ Nhà máy, chứ không phải chỉ riêng trong buổi sáng 24.7.

Trong khi chờ lời giải đáp của các cơ quan chuyên môn, người dân xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ vẫn thường trực nỗi lo về sức khỏe và tính mạng của họ bị lấy đi một cách từ từ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem