Giúp cuộc sống người dân đổi thay
Mường Lát là nơi của sương phủ trắng, mây lơ lửng núi, ruộng bậc thang, nhà sàn người Thái, những căn nhà lụp xụp của người Mông... Cuộc sống của người dân vẫn trăm bề thiếu thốn. Khi anh Lê Hồng Quang nhận nhiệm vụ Trưởng Trung tâm Viettel Mường Lát (Công ty Viễn thông Viettel), con gái mới hơn 1 tuổi.
|
Anh Lê Hồng Quang (trái) hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ di động. |
Vợ Quang cũng quê Thanh Hoá, nhưng nghe nơi chồng mình sắp đến có từ “Mường…” là rất hoang mang. Trước đó, chị đã nghe nhiều người kể, Mường Lát là tụ điểm của ma tuý, bùa ngải, AIDS… biết bao giáo viên, cán bộ lên đó làm đã “phải” lấy vợ trên đó, rồi 70% mắc nghiện….
Chị cậy nhờ tất cả người thân tác động để khuyên nhủ Quang bỏ Viettel tìm một công việc khác cho gần vợ, gần con. Suốt 2 tuần khóc lóc, chị sụt tới 5kg! Phải thuyết phục vợ rất nhiều, Quang mới có thể đi được. “Khó thì mới cần đến mình” - anh chia sẻ.
Dù đã được kể Mường Lát rất nghèo nhưng khi tới đây, chứng kiến cuộc sống của người dân, Quang mới thấu hiểu thực sự. “Cũng lo mất vài hôm, nhưng rồi tôi tự nói với mình và sau đó nói với anh em trong cơ quan là mình đến đây không chỉ để phát triển kinh doanh mà còn góp phần thay đổi cuộc sống của những người dân nghèo từ những điều rất nhỏ mình có thể làm được” - Quang tâm sự.
Ở Mường Lát, việc đi lại rất khó khăn, vì thế chiếc điện thoại giống như “báu vật” của người dân. Quang chẳng thể quên được một khách hàng có tên Dàng A Thái ở bản Tà Cóm (xã Trung Lý) đến tìm gặp mình sau khi đi bộ 69km đường rừng để hỏi việc mua một chiếc máy Homephone mà không gọi được. Sau khi nhân viên của Quang khắc phục xong trục trặc, Dàng A Thái về ngay để báo tin vui cho người nhà bởi: “Có cái điện thoại, tao gọi về cho gia đình báo tin, cả nhà yên tâm nên tao đi thoải mái”.
Ở xã Quang Chiểu, khi có sóng di động, bà con chỉ nói đơn giản với Quang: “Cán bộ ạ, nhờ cái sóng của chúng mày mà bọn tao tìm bò dễ hơn, mỗi người đi mỗi quả núi gọi điện cho nhau là biết bò đang ở đâu. Mất bò thì nhà chả còn gì…”.
Những niềm vui lớn
Ai cũng biết, tại những vùng đồng bằng, việc đầu tư cho viễn thông di động là điều bình thường và hết sức đơn giản. Nhưng tại địa bàn nghèo thuộc loại nhất nước như Mường Lát, đó thực sự là một cuộc cách mạng. Và những người xung phong đến đây phủ sóng di động được coi như những người hùng. Tại xã Mường Lý, địa bàn này không đường ôtô vào bản, không điện lưới quốc gia, không hệ thống nước sinh hoạt, không sóng điện thoại, phát thanh truyền hình, người dân cực nghèo, lạc hậu, không biết chữ…
“Những người trẻ chúng tôi xung phong đến nơi này để thử thách bản thân. Tôi đã nhận ra rằng, càng ở những nơi khó khăn, mình sẽ càng cảm nhận được những giá trị tốt đẹp của cuộc sống”.
Anh Lê Hồng Quang
Chúng tôi được kể lại câu chuyện: Tại một nhà cách UBND xã Mường Lý khoảng 200m, có một bàn thờ thiên địa, nhưng không phải để thờ mà để rất nhiều... máy điện thoại. Lý do là cả xã chỉ có đúng chỗ đó có... sóng di động. Hàng ngày, người dân xã Mường Lý lên nương, buồn thì mang điện thoại đi nghe nhạc, chụp ảnh, còn không thì họ để tại bàn thờ thiên địa đó, về nếu thấy cuộc gọi nhỡ còn biết là của ai để điện lại…
Quang nói: “Hồi đó, cứ gặp tôi là cán bộ xã và bà con lại hỏi: Khi nào thì trạm phát sóng được hả cán bộ, bà con mong quá...”. Cũng vì thế, khi triển khai phủ sóng di động ở đây, Quang và các đồng nghiệp đã có những niềm vui khó tả.
Trưởng Trung tâm Viettel tuổi 31 chia sẻ: “Khi đến vùng khó khăn này, chúng tôi tìm cơ hội để thử thách chính mình nhưng phát hiện ra rằng ngoài việc trưởng thành hơn, mình cũng đem niềm vui và những đổi thay nho nhỏ nơi bản nghèo. Nhiều người dân nói “cái bụng chúng nó tốt lắm” và đó là một niềm vui rất lớn của chúng tôi”.
Nguyễn Hoàng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.