dd/mm/yyyy

Đảng bộ huyện Mường La: Nhiều giải pháp giúp nhân dân nâng cao đời sống

Đảng bộ huyện Mường La (Sơn La) được thành lập năm 1949, là vùng đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường trong cuộc kháng chiến chống thực dân pháp xâm Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Phát huy truyền thống tốt đẹp đó, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Mường La luôn đoàn kết một lòng, ra sức xây dựng quê hương không ngừng đổi thay, giàu đẹp.

Đổi thay trên quê hương cách mạng

Mường La là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, nằm phía Đông Bắc của tỉnh Sơn La, cánh thành phố Sơn La 35 km, gồm 16 xã, thị trấn, là nơi hội tụ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Dấu ấn về một thời kỳ đấu tranh cách mạng hào hùng vẫn còn được lưu giữ tại lũng Đán Lanh, thuộc bản Huổi Lìu (xã Mường Chùm, Mường La). Cũng chính địa danh này là nơi đánh dấu sự ra đời đầu tiên của Đảng bộ huyện Mường La. Tạo bước ngoặt mới trong phong trào cách mạng tại địa phương, từ đó lãnh đạo nhân dân tham gia đánh giặc bảo vệ bản mường, góp phần vào sự nghiệp giải phóng đất nước.

 Mường La hôm nay đổi mới, kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, diện mạo vùng nông thôn ngày càng khởi sắc.

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền huyện và sự nỗ lực vượt khó của nhân dân. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo, đặc biệt là phát huy tiềm năng thế mạnh địa phương trong phát triển kinh tế. Những năm qua, Mường La đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… Đời sống vật chất tinh thần của nhân dân các dân tộc từng bước được cải thiện, nâng cao, bộ mặt nông thôn mới không ngừng đổi thay.

 Mường La đã có 2 xã Mường Chùm và Mường Bú về đích nông thôn mới. 

Vui mừng trước những đổi thay của quê hương hôm nay, ông Quàng Văn Lẻ, 87 tuổi, ở bản Nà Nong (xã Mường Chùm, Mường La), phấn khởi: Cuộc sống bây giờ đổi thay nhiều, bản mường giàu đẹp lên, ở đâu cũng có điện, có đường, trường học, nhà cửa kiên cố sạch đẹp, người dân được ăn no, mặc ấm…Trước đây, đời sống rất khó khăn vất vả, củ sắn ăn cũng thiếu, bà con phải lên rừng đào của mài ăn thay cơm gạo, sản xuất chủ yếu tự cung tự cấp. Nhất là việc đi lại, đường xá đều là đường đất quanh co, lầy lội khó đi, đi đâu xa phải mất vài ngày đi bộ. Giờ khác nhiều, người dân không còn đói, thiếu cái ăn, cái mặc. Đường xá đi lại thuận lợi, đường nhựa, đường bê tông trải dài len lách vào khắp các ngõ ngách, đi lại cả năm gặp mưa gió không còn lo trơn trượt. Lúa, ngô, khoai, sắn làm ra có xe đến tận nhà mua chở đi bán.

 

Chứng kiến những đổi thay trên quê hương hôm nay, bà Quàng Thị Hôm, 94 tuổi, ở bản Bú (xã Mường Bú, Mường La), vui vẻ nói: Trước đây sống khổ lắm, cái gì cũng thiếu, nhưng giờ cảnh đó không còn nữa, ai cũng có cơm ăn áo mặc. Không những thế người dân còn được Đảng, Nhà nước quan tâm giúp đỡ làm ăn phát triển kinh tế, người già được chăm lo sức khỏe, trẻ nhỏ được đến trường học cái chữ. Dân bản có nhà văn hóa sinh hoạt, nơi bà con tụ họp, giao lưu, trao đổi, chia sẻ cái hay cái tốt, sống đoàn kết xây dựng quê hương thêm đẹp.

Nhiều giải pháp nâng cao đời sống người dân

Nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân, những năm qua, Đảng bộ huyện Mường La đã đề ra nhiều giải pháp phát triển KT-XH tại địa phương. Tập trung phát huy dân chủ, nêu cao ý thức tự lực, tự cường của nhân dân; khai thác các tiềm năng, thế mạnh từng địa phương, đẩy mạnh sản xuất; vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, sản xuất theo hướng hàng hóa; nhân rộng các mô hình sản xuất mới có hiệu quả kinh tế cao, liên kết trong sản xuất với thị trường tiêu thụ, chế biến; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp, tăng cường tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Qua đó, ứng dụng vào thực tế sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập trên một đơn vị canh tác. Cùng với việc tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ, mở rộng thu hút đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp… làm đòn bẩy phát triển KT-XH ở địa phương, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

 Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đời sống của người dân trên địa bàn huyện không ngừng được nâng lên.

Đảng bộ huyện Mương còn tập trung chỉ đạo gắn những giải pháp trên với các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Điển hình để nâng cao thu nhập huyện đã trung lãnh đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả với diện tích trên 3.200 ha, sản lượng ước đạt trên 13 nghìn tấn, tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong chăn nuôi vận động nhân dân trồng cỏ phát triển chăn nuôi đại gia súc với tổng đàn trên 36.000 con. Bên cạnh đó, phát huy tiềm năng mặt nước vùng lòng hồ thủy điện Sơn La và thủy điện Hòa Bình trên địa bàn, đánh bắt và nuôi thủy sản với 139 ha, sản lượng khai thác đạt 655 tấn. Góp phần nâng tổng thu ngân sách nhà nước trên 969 tỷ đồng.

 Vùng nông dân của huyện Mường La ngày một khang trang đổi mới khi Đảng bộ huyện tập trung các nguồn lực ổn định đời sống người dân.

Ông Lò Văn Tưởng, Phó Bí thư huyện ủy Mường La, cho biết: Với truyền thống dũng cảm, kiên cường trong đấu tranh, cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Mường La đã đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, hăng hái chiến đấu, lao động sản xuất lập nên nhiều thành tích, đẩy mạnh phát triển KT-XH. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và tăng cường; văn hoá, giáo dục, y tế được quan tâm thường xuyên. Đến nay, toàn huyện có 300 đội văn nghệ, 74 câu lạc bộ thể dục thể thao luyện tập thường xuyên. Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo được hỗ trợ kịp thời, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 35,86%, đời sống vật chất tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nâng lên rõ rệt..

Quốc Định