Đang cần ngay lập tức hơn 5.000 container để xuất khẩu thanh long bằng đường biển

Trần Khánh Thứ tư, ngày 12/01/2022 15:38 PM (GMT+7)
Đây là thông tin được Cục Trồng Trọt nêu ra tại cuộc họp trực tuyến về thúc đẩy xuất khẩu nông sản bằng đường biển do Bộ NNPTNT tổ chức ngày 12/1.
Bình luận 0

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, diện tích trồng thanh long cả nước tập trung chủ yếu ở 3 tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang. 

Tỉnh Bình Thuận có tổng diện tích hơn 33.500ha, sản lượng 694.5000 tấn/năm; tỉnh Long An có 11.800ha, sản lượng 316.000 tấn/năm; tỉnh Tiền Giang có 9.600ha, sản lượng 241.400 tấn/năm.

Theo ông Tùng, sản lượng thanh long thu hoạch lớn nhưng chủ yếu tập trung trong quý 4 của năm trước và quý 1 năm sau.

Do tình hình xuất khẩu qua đường bộ gặp khó khăn, nhiều địa phương và doanh nghiệp đề nghị tìm hướng tháo gỡ để có thể xuất khẩu bằng đường biển qua Trung Quốc.

Thanh long Bình Thuận được chuyển lên xe container để xuất khẩu. Ảnh N.Lân

Thanh long Bình Thuận được chuyển lên xe container để xuất khẩu. Ảnh N.Lân

Qua rà soát, Cục Trồng trọt cho biết, trong quý I/2022, 3 tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang có 226.000 tấn thanh long cần tiêu thụ. Trong đó, nhu cầu thanh long xuất khẩu là 101.216 tấn; tương ứng cần 5.087 container.

Riêng tháng 1, sản lượng thanh long của Bình Thuận là 60.000 tấn, cần xuất khẩu 12.400 tấn, tương ứng cần 620 container. Long An có 20.000 tấn có nhu cầu xuất khẩu, cần 1.000 container. Tiền Giang có 23.000 tấn, cần 1.592 container.

Ông Tùng cũng cho biết, bước đầu, một số doanh nghiệp đã thu mua thanh long không xuất khẩu được sang Trung Quốc phải quay đầu trở lại để chế biến, tiêu thụ trong nước. Một số hệ thống phân phối trong nước có kế hoạch thu mua để bán trong dịp tết thông qua hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ, ... trong nước. 

Hiện nay, lượng thu mua, chế biến, xuất khẩu và tiêu thụ trong nước con nhỏ so với sản lượng hiện có

Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết, hiện một số địa phương và doanh nghiệp đang hiểu sai về thị trường Trung Quốc. 

Theo đó, nhiều người cho rằng, do hàng hóa không đảm bảo chất lượng mới xuất khẩu tiểu ngạch. Thứ trưởng cho rằng đây là quan điểm không đúng. Chính ngạch hay tiểu ngạch chỉ là hình thức vận chuyển. Tất cả hàng hóa qua Trung Quốc đều phải được kiểm dịch.

Vấn đề khó khăn hiện nay là do chính sách kiểm soát dịch Covid-19 từ phía Trung Quốc. Mới đây, phía Trung Quốc vừa thông báo tạm ngừng thông quan tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) sau 2 ngày mở cửa do phát hiện có lô hàng nhiễm Covid-19.

Chính vì thế, Bộ NNPTNT thống nhất với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương phối hợp tổ chức cuộc họp về thúc đẩy xuất khẩu nông sản qua vận tải đường biển. 

Cuộc họp nhằm tìm cách tháo gỡ khó khăn, hình thành cơ chế, đa dạng hóa phương thức vận chuyển. 

"Trong đó tính tới khả năng vận chuyển nông sản bằng đường biển, không chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc mà cả các nước khác", Thứ trưởng chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem