Ảnh minh họa.I.T
Tại khoản 3, Điều 5, Nghị định 51/2002/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí quy định “Không được đăng, phát ảnh của cá nhân mà không có chú thích rõ ràng hoặc làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân đó (trừ ảnh thông tin các buổi họp công khai, sinh hoạt tập thể, các buổi lao động, biểu diễn nghệ thuật, thể dục thể thao, những người có lệnh truy nã, các cuộc xét xử công khai của Tòa án, những người phạm tội trong các vụ trọng án đã bị tuyên án)”.
Hiện Bộ luật Hình sự không điều chỉnh hành vi mua dâm, bán dâm, (trừ hành vi mua dâm người chưa thành niên theo quy định tại điều 256 Bộ luật Hình sự) mà mới chỉ xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Hay nói cách khác người có hành vi mua, bán dâm không phải là tội phạm. Do vậy việc sử dụng hình ảnh của họ phải được thực hiện theo quy định tại Điều 31, Bộ luật dân sự nêu trên.
Mặt khác, Khoản 2, Điều 5, 51/2002/NĐ-CP cũng quy định thông tin trên báo chí “Không được miêu tả tỉ mỉ những hành động dâm ô, chém giết rùng rợn trong các tin, bài, hình ảnh về các vụ án và hành động tội ác. Không được đăng, phát tin, bài, hình ảnh, tranh, ảnh khỏa thân và có tính chất kích dâm, thiếu thẩm mỹ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.”
Từ những quy định nêu trên, thì việc đăng tải hình ảnh gái mại dâm mà không có sự đồng ý của họ là trái luật. Cho dù có che mặt của họ đi chăng nữa thì còn có nhiều thông tin khác để bạn đọc có thể nhận ra họ là ai.
Nhìn từ góc độ đạo đức và nhân văn, việc đăng những hình ảnh gái mại dâm lên cũng là điều khó có thể chấp nhận. Không phải gái mại dâm nào cũng là người xấu, có người do hoàn cảnh đưa đẩy mà phải bước chân vào con đường đó. Việc đăng hình ảnh của họ gây tổn thương rất lớn, có khi những bức ảnh đó là cánh cửa kết thúc tương lai của họ; thậm chí có thể vì nhục nhã, ê chề mà họ có hành động dại dột, gây hậu quả khôn lường. Ngoài ra những hình ảnh đó còn tác động xấu đến giới trẻ...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.