Đánh phóng viên

Phạm Trung Tuyến Thứ hai, ngày 27/03/2023 09:35 AM (GMT+7)
Hành vi côn đồ với các phóng viên tác nghiệp đúng quy định nếu không bị xử lý nghiêm khắc, sẽ để lại hậu quả nặng nề hơn cả những vết thương. Đó là sự coi thường luật pháp, coi thường chức năng giám sát của báo chí và có thể khiến cái xấu lộng hành trong xã hội.
Bình luận 0

Tôi tin rằng những đối tượng hành hung và cản trở tác nghiệp của phóng viên báo Dân Việt sẽ sớm  phải trả giá cho hành động côn đồ của chúng. Bởi vụ việc đã quá rõ ràng, có hình ảnh ghi nhận tại hiện trường, và nhiều nhân chứng khách quan. Nhưng tôi cho rằng, vụ việc này, ngoài yếu tố hình sự của nó, còn là vấn đề nhận thức của xã hội về việc tôn trọng tác nghiệp của phóng viên.

Khi xem lại hình ảnh được ghi lại tại hiện trường, chứng kiến thái độ côn đồ của các đối tượng khi cản trở phóng viên tác nghiệp, tôi nhận thấy những người này không hề có một ý niệm nào về cái gọi là vi phạm luật báo chí. Sự tự tin của họ khi bộc lộ thái độ côn đồ trước ống kính, trước rất đông nhân chứng khách quan, cho thấy họ hoàn toàn tin rằng việc các nhà báo quay phim chụp ảnh nhà máy là trái phép, và là những người có trách nhiệm với nhà máy, họ đang bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, dù thô bạo quá mức. Đó thực sự là một vấn đề đáng suy nghĩ. 

Khi một nhà báo tiến hành hoạt động tác nghiệp để ghi nhận, xác minh vấn đề theo phản ánh của người dân một cách công khai, có sự chứng kiến của những người có trách nhiệm, đối tượng bị phản ánh có quyền được cản trở, ngăn chặn hay không? Câu hỏi này, tôi không chắc nhiều người có thể ngay lập tức trả lời. Còn những đối tượng trong vụ việc kể trên, thái độ tự tin côn đồ cho thấy chắc chắn họ tin rằng họ có quyền đó.

Luật Báo chí quy định nghiêm cấm các hành vi đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; Phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật. Tuy nhiên, hoạt động nghề nghiệp như thế nào là đúng pháp luật, như thế nào là không đúng pháp luật?

Nhà báo có quyền hoạt động báo chí, nhưng có quyền chụp ảnh quay phim trong phạm vi sở hữu của doanh nghiệp, người dân hay không? Nếu được thì trong trường hợp nào?

Tôi làm báo gần 30 năm, nhưng cơ bản vẫn khá mù mờ về tình huống này. Cơ bản là phải vận dụng sự linh hoạt khi xử lý tình huống để cố gắng không xảy ra đụng độ bởi sự bức xúc của đối tượng liên quan. Tất nhiên, khi phải tác nghiệp trong trạng thái mù mờ về khả năng được pháp luật bảo vệ, đứng giữa ranh giới mong manh giữa được, và không, các nhà báo sẽ luôn cảm thấy công việc của mình thiếu đi sự đảm bảo về an ninh.

Luật pháp nghiêm cấm cản trở nhà báo tác nghiệp đúng pháp luật. Tuy nhiên, khái niệm tác nghiệp báo chí đúng pháp luật lại không đủ cụ thể, dẫn đến quá nhiều phương án diễn giải.

Người dân, và cả chính nhà báo không dễ phân định quyền và phạm vi được luật pháp bảo vệ trong các tình huống tác nghiệp báo chí. Điều đó khiến các nhà báo dễ gặp nguy hiểm vì mức độ nhận thức về luật báo chí của cộng đồng không cao. Đó cũng là lý do rất nhiều vụ việc cản trở tác nghiệp báo chí vẫn diễn ra, nhưng hầu hết các vụ án chỉ xét xử được tội cố ý gây thương tích, phá huỷ tài sản… mà không xét được tội danh về cản trở hoạt động tác nghiệp của nhà báo.

Trở lại với vụ việc của phóng viên báo Dân Việt ở Hoà Bình, tôi cho rằng những phóng viên đã lường trước được sự mong manh của luật pháp. Họ đã tác nghiệp với sự cẩn trọng nhất có thể khi đi cùng những người có trách nhiệm, tác nghiệp công khai ở khu vực an toàn.  

Mặc dù vậy, họ vẫn không thể lường trước sự manh động của những đối tượng côn đồ trong danh nghĩa nhân viên của nhà máy đang sai phạm. Họ không thể ngờ rằng người ta có thể coi thường luật pháp đến mức tấn công người khác một cách công khai đến như thế, thô bạo đến như thế!

Trước sự manh động của các đối tượng đánh phóng viên ở Hoà Bình, chắc chắn các cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ xử lý nghiêm vụ việc, nhằm hướng đến mục đích răn đe, giáo dục. Cá nhân tôi cũng không muốn một lần nữa các nhà báo sẽ lại thất vọng khi sự việc trôi qua như bao vụ nhà báo bị hành hung khác. 

Bởi hành vi côn đồ của các đối tượng không chỉ tương ứng với một vụ hành hung thông thường, nó còn là thái độ coi thường luật pháp, coi thường chức năng giám sát của báo chí. Hành động ấy, thái độ đó nếu không bị xử lý thích đáng, sẽ để lại hậu quả nặng nề hơn cả những vết thương. 

Bởi nó mang đến sự tự tin cho các hành vi manh động sau đó, tạo nên tâm lý e dè, ngần ngại của phóng viên trong các nhiệm vụ đòi hỏi phải tác nghiệp ở hiện trường. Sự e dè vì bất an và cảm giác thiếu sự bảo vệ của nhà báo, chắc chắn sẽ luôn là cơ hội để cái ác, cái xấu ngày càng lộng hành hơn.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem