"Ròm" cũng là bộ phim tốn nhiều tranh cãi và thu hút người xem đến rạp với một kỷ lục bất ngờ tại phòng vé. Hiếm có một đạo diễn trẻ nào "nuôi"nhân vật của mình trong suốt gần chục năm; vừa sống với nhân vật, vừa tìm ra bối cảnh và nút thắt để phát triển tính cách. Thậm chí, anh sẵn sàng "gọt đẽo" nhân vật của mình đến cùng, để họ có những hành động bộc phát thể hiện đúng bản chất.

Chính vì thế, nhân vật Ròm của anh rất thật, với lối diễn bản năng gây kinh ngạc cho người xem. Ròm ngang nhiên bước vào tâm trí khán giả, là cuộc rượt đuổi không ngừng trong một vòng đời, giữa khát khao tình thân và thực tế quẫn bách, giữa ước mơ đổi đời và sự trả giá, giữa tờ ghi đề mỏng manh và cả mạng sống… Nhưng Ròm không mang theo sự tuyệt vọng, cả nhân vật và đạo diễn đều có một sức sống mãnh liệt, để nhìn xa hơn khu chung cư ổ chuột vốn như một nhà giam thu nhỏ, giam cầm lòng tham và hạnh phúc của con người. Để nuôi hy vọng và không ngừng kiếm tìm hy vọng, dù sau lưng là một bối cảnh không lối thoát…

"Ròm" – bộ phim lập kỷ lục 55 tỷ đồng sau 10 ngày công chiếu, kéo khán giả ra rạp ngay trong thời Covid-19. Cái kết của phim khá bất ngờ, xúc động, mở ra nhiều hướng để người xem suy ngẫm. Nhưng để đi từ phim ngắn "16:30" đến dự án điện ảnh "Ròm" với vóc dáng của một bộ phim gây chú ý tại LHP quốc tế  Busan 2019, đạo diễn Trần Thanh Huy đã phải hy sinh rất nhiều.

27 bản dựng, nhận án phạt 40 triệu vì chưa xin phép, trần ai chỉnh sửa mới được ra rạp. Hơn thế, 8 năm tuổi trẻ chỉ sống chết với một nhân vật, với đam mê của mình, dĩ nhiên đạo diễn 9X khó thoát khỏi tâm trạng mệt mỏi, bị dồn nén, ức chế… Nhưng từ bộ phim hé lộ vóc dáng của một tài năng điện ảnh Việt.

"Ròm" vừa ra rạp, cũng là lúc Trần Thanh Huy chuẩn bị bắt tay làm phim mới. Mặc ai khen chê, bình luận, Huy không quan tâm. Điều mà Huy hài lòng chính là đã  đưa "Ròm" tham gia LHP quốc tế Busan và giành giải.

Điều đáng quý ở một đạo diễn trẻ như Huy chính là dám làm đến cùng điều mình muốn, dám thực hiện ước mơ cho dù chấp nhận bị "bầm dập", và dám "xóa đi, làm lại". Như anh từng nói, khi bước vào Cannes tham gia phim ngắn, thấy thất vọng về chính mình, để rồi vài năm sau quay lại LHP quốc tế, càng ngại lời tung hô, vì biết mình còn nhiều thiếu sót. Khiêm tốn, ẩn nhẫn và muốn bỏ lại tất cả phía sau để làm phim mới, đó mới chính là con người thật của Huy.

Đạo diễn Trần Thanh Huy: Không muốn “chết” tên với “Ròm”, một cái tôi không thỏa hiệp - Ảnh 2.

Một bộ phim lấy hết sức lực, đam mê, tiền bạc. Đổi lại, khi "Ròm" đã ra rạp, được đón nhận nồng nhiệt, tâm trạng anh bây giờ thế nào?

- Tôi vui. Cũng có thể nói là tâm lý được giải tỏa. Nhiều người khen, chê, thậm chí  tiếc cho tôi vì phim hơi khó hiểu, thiếu tính liên mạch… Tuy nhiên, khi quyết định làm việc với Cục Điện ảnh để có bản phim ra rạp, tôi nghĩ mình phải chấp nhận, cố làm tốt nhất những gì mình có thể. Và bản phim này cũng có style riêng hoàn toàn, có thể khác với bản Busan, giúp người ta nghiền ngẫm nhiều hơn về xã hội.

Đạo diễn Trần Thanh Huy: Không muốn “chết” tên với “Ròm”, một cái tôi không thỏa hiệp - Ảnh 3.

Các nhà phê bình nói hơi bị hẫng về nội dung, nhưng tôi lại muốn giản lược toàn bộ câu chuyện, giản lược càng nhiều càng tốt. Thực ra vẫn còn có một đường dây đi xuyên suốt câu chuyện đó. Mọi người có thể hiểu câu chuyện thế nào cũng được. Nếu đến rạp, ai cũng phải xem hết mới ra, rồi giận quá vì không hiểu mấy. Có bạn xem về, viết bình luận, "la" tôi. Tôi thấy chuyện đó cũng bình thường, thậm chí thú vị nữa là đằng khác.

Với bản chiếu ở VN, tôi muốn làm sao để câu chuyện của đời sống rõ ràng hơn và người ta có thể suy nghĩ, chiêm nghiệm nhiều hơn. Tôi cố tạo ra cảnh quay after credit (hậu kỳ), và sau after credit còn 1 credit khác nữa. Có nghĩa, nhân vật luôn đi, đi và đi, không biết đến con đường nào sẽ dừng lại, thậm chí leo lên xe nếu không kết thúc phim thì còn đi nữa. Giống như cuộc đời vậy, người ta không bao giờ biết trước được sự việc gì sẽ tới. Đối với tôi, không biết trước mới chính là cuộc sống. Mà cuộc sống trong điện ảnh, nếu dùng một từ - điện ảnh nguyên bản -  cuộc sống thế nào, mình mang vào phim như vậy. Tôi mong muốn và đang cố gắng làm một điều gì đó đặc biệt chân thực trên phim của mình.

Vậy là anh "xóa đi làm lại", sáng tạo mới ngay cả ở bản ra rạp tại Việt Nam?

- Tôi có nhiều thời gian để chỉnh sửa bản phim, cũng không bị gò bó vì các nhà sản xuất. Từ khi tôi dự liên hoan phim Busan tháng 10/2019 cho đến khi phim được duyệt vào tháng 2/2020, tôi vẫn nghĩ xem mình đi tiếp con đường nào cho bản phim làm ở VN. Tôi biết con đường mình chọn sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn giữ lại những chi tiết, những mấu nối bị bỏ đi để người xem có thể liên tưởng nhiều hơn.

Nhân vật của Hải Triều cũng vậy, cũng hết sức bất ngờ đến và đi. Riêng vai Ghi của cô Cát Phượng đến đó là đủ rồi, tôi không cắt như mọi người nghĩ. Nhân vật của cô Cát Phượng rất người, rất có tình, cô thương thằng nhóc vì nó giống như con cô, nhưng tới khi người nhà bị lâm trọng bệnh thì cô phải lựa chọn. Đó là lý do tôi cài cắm nhân vật của Cát Phượng như vậy.

Đạo diễn Trần Thanh Huy: Không muốn “chết” tên với “Ròm”, một cái tôi không thỏa hiệp - Ảnh 4.

"Ròm" được coi là bộ phim đáng xem nhất của năm, nhưng người xem vẫn không ngừng tranh cãi về cái kết của phim…

- Tôi nghĩ nên tôn trọng sự thật cuộc sống. Đó mới là điều quan trọng. Chị có bao giờ hỏi ngoài kia, những đứa nhỏ bán hàng rong có cuộc sống tốt hay không? Bao nhiêu nhà hảo tâm giúp chúng có nghĩ rằng sự giúp đỡ đó sẽ tốt cho chúng không? Tất cả những điều đó đều không có câu trả lời.

Đạo diễn Trần Thanh Huy: Không muốn “chết” tên với “Ròm”, một cái tôi không thỏa hiệp - Ảnh 5.

Chưa bỏ câu chuyện ban đầu thì người xem còn lăn tăn. Bỏ câu chuyện ra thì sẽ khác. Thực sự lúc coi bản phim trước khi gửi các cụm rạp, tôi rất xúc động. Tôi là một người làm bộ phim đó ra trong nhiều năm, luôn nghĩ rằng khoảnh khắc đầy cảm xúc khi xem phim là điều quan trọng nhất. Và khi xem, tôi thấy mình có cảm xúc, thế là đủ!

Còn có một cảnh đáng nhớ của "Ròm". Đó là hình ảnh thằng Ròm lớn chạy xuống cây cầu, sau đó là một thằng Ròm nhỏ, rồi kết thúc phim. Thời gian quay 2 cảnh đó cách nhau 6 năm, cùng một góc máy, một shot máy, cùng một ánh sáng, cùng một nhân vật lúc nhỏ đến lớn tuy nhiên đã đổi khác.

Cảnh đó thể hiện rõ ý đồ của tôi. Nếu mọi người để ý, có chi tiết thằng bé đi ra uống nước, rồi mọi thứ có cảm giác xoay xoay xung quanh. Cuộc sống phải xoay, như chiếc đồng hồ, đó là điều tôi nghĩ.

Tôi luôn tạo cho người xem cảm giác tiếc nuối. Đó cũng là cách tôi theo đuổi trong các bộ phim về sau của mình. Phim thời hậu hiện đại là như vậy. Bộ phim Tenet cũng khiến mọi người có cảm giác tương tự.

Từ "16:30" đến Ròm là một bộ phim khác hoàn toàn cả về nội dung lẫn tầm vóc. Nhiều người đánh đồng hai bộ phim hoặc cho rằng phim ngắn tốt hơn. Thậm chí, có người còn so sánh "Ròm" với "Ký sinh trùng" – bộ phim Hàn Quốc đoạt 4 giải Oscar. Trong khi đó, một đạo diễn mới "ra ràng" như Trần Thanh Huy vẫn đang từng bước tìm đường đi để khẳng định phong cách của mình.

Đạo diễn Trần Thanh Huy: Không muốn “chết” tên với “Ròm”, một cái tôi không thỏa hiệp - Ảnh 6.

Phim Việt thường đuối ở cao trào. Tâm lý của Ròm đoạn cuối có đơn giản quá không?

- Mọi người nên xem lại, Ròm chỉ tạt xăng chứ không đốt. Vì bản thân nó cũng bị phỏng. Nhưng tất cả mọi người luôn nghĩ nó đốt? Vậy ai đốt?

Một xã hội dưới đáy thu nhỏ, chung cư bị giải tỏa như một nhà tù giam cầm giấc mơ hạnh phúc của họ. Tuy nhiên, chẳng lẽ con người chỉ suốt ngày đề đóm, cúng bái, cầu số, đoán mộng?

- Đơn giản vì bản phim này khác với bản phim Busan. Đó là một sự hy sinh để làm phim ở VN. Khi 1 sợi mắt xích đã mất thì đành chấp nhận điều đó.

Bộ phim là một vòng tròn và mỗi người là một mắt xích. Bà giáo tự tử cũng vậy. Bà muốn quay lại khoảng thời gian hạnh phúc lúc còn dạy học nên đánh số đề. Khi không giữ được cái nhà thì bà phải chết. Tất cả mọi người trong "Ròm" luôn mong muốn một tương lai tươi sáng, hoặc quay lại cuộc sống cũ. Khi xem phim của tôi, câu chuyện về bề nổi rất rõ, song người ta phải chiêm nghiệm nhiều hơn.

Đạo diễn Trần Thanh Huy: Không muốn “chết” tên với “Ròm”, một cái tôi không thỏa hiệp - Ảnh 7.

Vậy điều anh chiêm nghiệm từ quá trình làm phim "Ròm" là gì?

- Những gì tôi muốn nói đã truyền tải qua bộ phim. Quan điểm của tôi rất rõ ràng, hiện tại tôi có thể dẫn mọi người đến chỗ đang quay, vẫn y chang như trong phim, ngay trong xóm Tàu. Không chỉ 1 chỗ mà có rất nhiều chỗ như thế trong thành phố này.

Sống kế bên, tiếp xúc với người dân trong các khu ổ chuột, tôi thấy cả xóm họ chơi đề. Tới 15 giờ rưỡi là ngồi chờ số. Chuyện này xảy ra ở trong hầu hết khu ổ chuột của VN. Có chăng chỉ khác chút xíu là ngày nay thay giấy dò bằng điện thoại, tin nhắn đến nhanh hơn thôi. Nhưng luôn luôn họ phải cầm giấy dò trên tay như một bằng chứng quan trọng. Và nhiều người bị trật con số đề đó nhưng vẫn cầm giấy dò vì luôn hy vọng tờ giấy dò này… có con số khác! Kể cả khi họ coi ti vi, họ vẫn chờ tờ giấy dò.

Đạo diễn Trần Thanh Huy: Không muốn “chết” tên với “Ròm”, một cái tôi không thỏa hiệp - Ảnh 8.

Ít ai ngờ rằng, Trần Thanh Huy từng sống ở khu giải tỏa suốt 24 năm qua. Tâm trạng bấp bênh của những người sống trong quy hoạch mà không biết bao giờ đi, không biết được đền bù ra sao, không được sửa nhà, hơn ai hết, anh hiểu rất rõ.

Cha mẹ Huy có 2 ngôi nhà mặt tiền, một ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, một ở đường Điện Biên Phủ, song… ngay chính giữa tim đường!

Sống trong tâm trạng thấp thỏm, không biết đi đâu, đền bù ra sao, không có tương lai, con người còn gì để hy vọng ngoài thế giới của đề đóm? Mọi người ở đó quá lâu, để chờ. Đó là câu chuyện 70% là từ cuộc đời của đạo diễn. 

Hiện tại, anh vẫn sống trong căn nhà từng yêu cầu giải tỏa từ năm 1996 và đến nay. Cho đến bây giờ, không ai được sửa ngôi nhà mình ở cho đàng hoàng. Họ sống trong sự tồi tàn và trong tâm trạng không biết mình sẽ có bao nhiêu tiền để ra khỏi đó.

8 năm quay cuồng sống với "Ròm", quay đi quay lại 27 lần đã ngốn sạch tiền bạc. Để có thể có tiền cho em trai đi du học, Huy đã phải lăn lộn làm hàng trăm TVC quảng cáo cho các nhãn hàng lớn.

Đạo diễn Trần Thanh Huy: Không muốn “chết” tên với “Ròm”, một cái tôi không thỏa hiệp - Ảnh 9.

Anh đã thử chơi đề bao giờ chưa?

- Tôi biết về số đề nhưng chưa bao giờ chơi đề.

Nhưng anh đã có trong tay một "số đề "rất may mắn – đó là Ròm, qua diễn xuất rất thật, rất bản năng mà vẫn đủ sức lôi cuốn của Trần Anh Khoa, em trai của anh?

- Khoa là một trong những diễn viên bẩm sinh về mặt diễn xuất, rất bản năng. Khoa không cần phải theo học ngành diễn xuất nữa. Ai mời, nếu thấy vai hợp là có thể đóng luôn. Khoa nên học ngành khác, đó là điều tôi nói với Khoa. Tôi để Khoa hết sức thoải mái để đi vào nhân vật. Tôi và Khoa cùng lớn lên ở một khu. Khoa cũng đi chơi cùng những người bạn nghèo khổ ở đầu đường xó chợ nên có những hình dung về vai diễn của mình. Nếu Khoa vào vai một đứa trẻ giàu có thì hẳn sẽ khác. Khoa đã có sự trải đời cần thiết để lột xác trong phim. "Ròm" của tôi còn có nhiều thứ mà khán giả chưa nhìn ra.

Trong vai Ròm, Anh Khoa có những sáng tạo riêng ở trường đoạn nào?

- Trong tất cả các phần diễn xuất, Khoa tự sáng tạo, tự diễn. Tôi chỉ nói cho Khoa biết cần thêm những gì. Hai anh em và Anh Tú (vai Phúc) rất hiểu nhau. Tôi rất thương hai em. Vào vai của hai em không dễ chút nào. Có thể do bản năng, hoặc do chúng hiểu kịch bản nên đóng khá đạt. Hai nhân vật Ròm và Phúc – hai tính cách đối trọng nhau nhưng thực ra chỉ là một. Tôi đã casting Tú 2 năm, ngày nào cũng nói chuyện với Tú liên tục để có được một vai diễn tốt như vậy trên màn ảnh.

Đạo diễn Trần Thanh Huy: Không muốn “chết” tên với “Ròm”, một cái tôi không thỏa hiệp - Ảnh 10.

Đạo diễn Trần Thanh Huy: Không muốn “chết” tên với “Ròm”, một cái tôi không thỏa hiệp - Ảnh 11.

Về phần âm nhạc, nhạc sĩ Tôn Thất An cũng hoàn thành vai trò của mình một cách xuất sắc. Ngay cả bài hát nhạc phim do rapper Wowy thể hiện cũng vậy?

- Mọi người coi "Rap Việt", quen Wowy hài hước chứ trong phim anh diễn rất tốt. Phần nhạc rất nhiều (17 bài). Vì nhạc hòa trong âm thanh, âm thanh hòa trong nhạc, âm nhạc và âm thanh tạo thành một nhịp điệu, một giai điệu riêng để mang người xem vào bộ phim. Người xem đôi khi quên mất phần nhạc vì cảm giác nhịp điệu của hình, nhịp điệu của âm thanh hòa quyện với nhau.

Tại sao phim của anh không có một khoảng lặng nào? Nhân vật cứ chạy, chạy miết, trong khuôn máy nghiêng, đến khi cả hai nhân vật cùng ngồi xuống  định thần thì mới lấy lại thăng bằng về góc quay thì phim cũng kết thúc?

Đạo diễn Trần Thanh Huy: Không muốn “chết” tên với “Ròm”, một cái tôi không thỏa hiệp - Ảnh 12.

- Tại sao phải có khoảng lặng? Tôi hoàn toàn khác với thầy Trần Anh Hùng. Bởi vì chúng tôi cố gắng tập trung vào hiệu quả thị giác rất mạnh, mà mọi người đi ra đường có bao giờ nghĩ sẽ có quãng lặng ở đó không? Đặc biệt là đường phố Sài Gòn? Dừng ở đèn đỏ chỉ mong có đèn xanh để chạy cho thật nhanh.

Wowy có 1 câu rất hay: "Sài Gòn không bao giờ ngủ bởi vì tiền không bao giờ đủ". Bởi vì mọi người luôn mong muốn kiếm tiền, kiếm tiền và kiếm tiền. Hôm nay, ngày mai, ngày mốt chúng ta đều phải dậy kiếm tiền. Hôm nay chúng ta ăn cỗ mà vẫn nhớ ngày mai phải kiếm tiền. Sài Gòn không bao giờ dừng lại. Sài Gòn là như vậy chứ không giống như Hà Nội.

Cái được và mất ở Sài Gòn diễn ra cũng rất nhanh. Chính vì như vậy, tôi tôn trọng cuộc sống và đang kể một câu chuyện ở Sài Gòn. Tôi cố gắng dồn và ép người xem về điểm cuối cùng như tôi muốn rồi… cắt!

Nhân vật của anh, hay góc nhìn của chính đạo diễn đều rất kiên cường, giấu đi những giọt nước mắt trong cuộc chiến đường phố, trong khu ổ chuột…

- Nhân vật Ròm có 1 shot khóc đấy. Cảnh Ròm không tin người đó lấy tiền của mình. Ánh sáng hắt nhẹ vào khóe mắt của Ròm rồi hết. Rất kín. Nếu xem màn hình rộng kỹ hơn mới thấy.

Lúc anh đoạt giải New Current, ban giám khảo nói gì?

- Họ không biết gì về Việt Nam. Nhưng họ rất ấn tượng với hình ảnh tôi mang tới, thấy không khí một Sài Gòn, những trúc trắc trong xã hội mà họ chưa biết. Và họ rất thích cái kết của phim. Con người luôn luôn chạy, không bao giờ dừng lại.

Anh có thể tiết lộ kinh phí bộ phim 8 năm trời?

- 8 năm thì vô cùng tốn kém. Tôi không biết con số chính thức nhưng với tôi bộ phim này là vô giá. Vì 8 năm tiền của, công sức ê kíp còn cao hơn nhiều lần đối với doanh thu phòng vé bây giờ thu lại.

Tôi may mắn vì các nhà sản xuất "thiên thần" đầu tư cho tôi vì tin vào ê kíp trẻ. Họ sẵn sàng "quăng" tiền cho người trẻ nên chúng  tôi phải có trách nhiệm với số tiền như vậy. Đó cũng là mục tiêu phấn đấu - mang lại doanh thu cho những nhà đầu tư để họ có nguồn vốn tiếp tục giúp đỡ những nhà làm phim khác ở VN.

Cái tên Trần Dũng Thanh Huy của anh vì sao rơi mất chữ "Dũng"?

- Ngày xưa tôi thích chữ "Dũng", thêm vô tên của mình cho có sức mạnh, nhưng vì  không nghĩ  phim ngắn "16:30" thành công, nên đã để tên thật của mình. Sau 8 năm, tôi mới có cơ hội trở lại với cái tên đó. Tôi có làm một số phim ngắn nhưng dở quá tôi không mang ra. 2 bộ phim có thể xuất hiện trên mạng là "16:30" và "Đường bi" (giải 48h). Tôi khá khắt khe với mình, cũng như hơi khó tính khi làm phim.

Đạo diễn Trần Thanh Huy: Không muốn “chết” tên với “Ròm”, một cái tôi không thỏa hiệp - Ảnh 13.

Một đạo diễn bậc thầy như Trần Anh Hùng khơi gợi cho anh điều gì?

- Khi dựng tới bản 23, tôi bị rơi vào trạng thái hoang mang không biết con đường mình đi về đâu. "Ròm" có version hành động, lãng mạn, có version về đời sống, phê phán xã hội; có version hài hước… Lúc gặp thầy Hùng, thầy định hướng cho tôi cũng như định hình cá tính của riêng tôi. Làm việc với thầy trong 6 tháng, thầy chỉ ra bản nào tốt, những chi tiết nào đạt để tôi có thể ráp lại trong phim. Sau đó, tôi đã chọn phong cách version 27 cho người xem.

Những nhân vật trong phim được tôi "giết", cắt rất sắc, đến mức, mọi người nghĩ sao không có đầu, đuôi, kết cho nhân vật. Nhưng thực ra, đó là điều tôi quyết định phải "gọt"nhân vật của mình tới đó, giống như cuộc sống tới cực điểm là phải mất vậy.

Thầy Hùng bảo tôi nên làm sao để phim gần với cuộc sống nhất. Những nhân vật của tôi có cảm giác rất kịch nếu để họ có những điểm kết. Nhân vật của cô Cát Phượng còn nhiều đất hơn, nhưng tôi cắt ngang tại đó. Xem xong, thầy nói còn nhiều điểm yếu phải sửa, cố gắng làm phim sau.

Anh có nhận ra điểm yếu đó của mình?

- Điểm yếu của tôi là hơi cường điệu hóa một số nhân vật phụ trong phim trong khi chỉ đạo diễn xuất. Nhưng may mắn là tôi quay đến 8-9 lần một cảnh nên có cách để sửa từ từ.

Tôi cảm ơn thầy vì chỉ cho tôi thấy đâu là bản chất thực sự của tôi. Khán giả khi tới xem "Ròm" nêm mở lòng mình ra hơn; vừa xem vừa cảm nhận âm thanh để tôi có thể mang mọi người vào trong phim mình.

Đạo diễn Trần Thanh Huy: Không muốn “chết” tên với “Ròm”, một cái tôi không thỏa hiệp - Ảnh 14.

Xem những phim như "Tỷ phú khu ổ chuột", hay "Ký sinh trùng"… anh có chịu ảnh hưởng ở dòng phim độc lập?

- Tôi nghĩ mình không ảnh hưởng gì đâu. Tôi cũng không chịu ảnh hưởng từ phim của thầy mình. Nhưng tôi rất thích xem những bộ phim hay, và mong làm ra những gì của mình, chứ không thể đi lấy của người khác.

Có những nhà làm phim như Kim Ki-duk, cách nhìn về vòng tròn cuộc  đời cũng nhẹ nhàng, nhưng không kém phần dữ dội ở một phông văn hóa khác…

- Tôi nghĩ đó là chất của mỗi một đạo diễn. Mỗi người có một chất riêng trong phim. Tôi cũng có chất riêng của mình. Tôi xem và rất tôn trọng họ. Nhưng phim của họ không phải là của tôi. Tôi xem nhiều phim của Kim Ki-duk. Còn trong những bộ phim gần đây, tôi rất thích phim Ký sinh trùng của đạo diễn Bong Joon Hovà ước ao có những bộ phim như vậy.

Đạo diễn Trần Thanh Huy: Không muốn “chết” tên với “Ròm”, một cái tôi không thỏa hiệp - Ảnh 15.

Khi bị phạt, dù mang giải thưởng về cho VN, cảm xúc của anh ra sao?

- Tôi luôn tin phim mình sẽ được duyệt. Vì tôi có một dữ liệu phong phú và biết mình có gì trong tay. Tôi thuyết phục ban kiểm duyệt bằng tất cả trái tim cho đến khi họ đồng ý. Nếu nói về sự dễ quy chụp khi kiểm duyệt, phim nào cũng bị chứ không riêng gì phim của tôi.

Đạo diễn Trần Thanh Huy: Không muốn “chết” tên với “Ròm”, một cái tôi không thỏa hiệp - Ảnh 16.

Khi đến Cannes lần đầu, anh từng thất vọng vì phim ngắn của mình bị lẫn vào trong rất nhiều phim khác. Bây giờ nếu trở lại, anh còn cảm giác đó nữa không?

- Vẫn còn. Vì một người làm phim luôn luôn cần cảm giác thất bại để cố gắng làm tốt hơn. Cho tới bây giờ, không chỉ là cảm giác thất vọng mà còn cả cảm giác hụt hẫng. Sau ánh hào quang, tôi nghĩ sẽ đến một giai đoạn "đen tối". Tôi phải chuẩn bị trước tâm lý như vậy.

Tôi thích làm bộ phim có thể đi giữa 2 con đường nghệ thuật và thương mại. Tôi cũng nhận ra, con đường tới Hollywood là con đường rất phức tạp đối với các nhà làm phim VN.

Ngoài ra, tôi cũng may mắn từng gặp đạo diễn phim The Piano (Dương cầm – phim đoạt giải Oscar) ở LHP Cannes, bà nói tôi cố gắng giữ gìn sức khỏe vì con đường của tôi còn rất dài. Và bà khuyên tôi cần có nhiệt huyết hơn. Khi làm phim nên làm cùng ê kíp, đừng đi 1 mình.

Trong The Piano, nữ đạo diễn đã có những cảnh cực kỳ tinh tế, những cú chạm gây bùng nổ cảm xúc cho người xem…

- Tôi lại không thích như vậy, vì tôi cảm thấy những cảnh đó không thật lắm. Ngay trong phim "Ròm" cũng có một cú chạm. Đó là cảnh 2 thằng Ròm (Ròm lớn và Ròm nhỏ) chạy xuống cầu. Lúc đầu, mọi người luôn nghe tiếng động xung quanh (ambient) của đường phố, nghe tiếng loa, tiếng bánh xe chạy, nhưng từ lúc Phúc nhảy qua đường, tôi giảm độ ambient xuống, chỉ tập trung vào tiếng chạy, tiếng thở, tiếng bước chân hai người chạm nhau, bắt đầu nhạc nổi lên với tiếng ngân. Mọi âm thanh đường phố lúc đó lặng tắt...

Đạo diễn Trần Thanh Huy: Không muốn “chết” tên với “Ròm”, một cái tôi không thỏa hiệp - Ảnh 17.

Trần Thanh Huy tự nhận, anh là đạo diễn bụi đời, đi ra ngoài nhiều hơn ở nhà. Anh thường ngủ ở quán cà phê, tập trung viết kịch bản vào buổi tối. Cách làm việc của vị đạo diễn bụi đời này rất kỹ tính và khắt khe. Việc chọn hậu kỳ, tại VN anh kết hợp với tất cả ê kíp trẻ. Nhưng khi thấy còn một số vị trí còn thiếu, như dựng phim, làm nhạc, âm thanh…, anh mang ra nước ngoài. Âm thanh làm rất kỹ, từng chi tiết một. Lời thoại cũng rất đắt. "May mắn là khi tôi tìm ra phương án để tìm lời thoại. Tôi nói chuyện nhiều với diễn viên, bắt diễn viên phải đối đáp qua lại rất đời, họ sẽ có những câu thoại theo ý mình nhưng cũng đầy hơi thở cuộc sống", Huy chia sẻ.

Đạo diễn Trần Thanh Huy: Không muốn “chết” tên với “Ròm”, một cái tôi không thỏa hiệp - Ảnh 18.

Tốt nghiệp thủ khoa đại học nghệ thuật sân khấu điện ảnh, ai là người thầy chính của anh?

- Tôi học nhiều thầy. Và tôi còn có niềm tin. Với một bộ phim nhiều trắc trở như Ròm, tôi vẫn tin có ngày ra rạp. Hôm nay tôi hết tiền, tôi tin là ngày mai sẽ có tiền. Dự án phim mới là "Tick it" (Dấu tích) vào top 20 dự án phim của châu Á, nhưng xin được giữ bí mật.

Một đạo diễn tài năng cần phẩm chất gì, theo anh?

- Cái tôi riêng của mình, cái tôi không dễ mua chuộc, không dễ thỏa hiệp. Phim có chiếu ở VN hay không với tôi không quan trọng. Việc của tôi là đã có giải thưởng Busan. Sở dĩ tôi muốn chiếu phim ở VN là vì muốn dòng tiền quay lại với nhà sản xuất để giúp đỡ những người làm phim khác. Chứ tôi không muốn chiếu phim ở VN để kiếm thật nhiều tiền cho cá nhân mình. Tôi đâu cần lấy tiền. Tôi muốn làm phim, kể câu chuyện của tôi và chiếu cho mọi người xem. Tôi chỉ cần 1 tình yêu để đi tiếp con đường mình đi, từng chặng, từng chặng một mà thôi.

Giờ đây, tôi  thấy cần chững lại để nhìn xem sự nghiệp của mình đang ở đâu, con đường mình đi thế nào để tiếp tục phát triển. Còn nếu cứ dựa vào hào quang của quá khứ thì không đi được xa. Đó chính là lý do trong khoảng thời gian này, tôi luôn cố gắng dành thời gian cho dự án mới. Tôi không muốn "chết" tên với "Ròm"!

Xin cảm ơn anh và chúc anh thành công với bộ phim tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem