Đạo nhạc – không còn là “chuyện trong nhà"

Thứ năm, ngày 18/08/2016 10:20 AM (GMT+7)
Chuyện đạo nhạc không còn nằm ở câu chuyện đạo đức, ý thức tác quyền trong nước mà còn liên quan đến chuyển bản quyền ở mức độ luật pháp quốc tế.
Bình luận 0

Liên tiếp các vụ nghệ sĩ trẻ bị tố đạo nhạc làm ồn ào dư luận trong nước. Đây không còn là chuyện riêng của thị trường âm nhạc Việt nữa, khi nhiều nghệ sĩ ngoại đã lên tiếng cảnh báo về hành vi đạo nhạc này.

Chuyện đạo nhạc không còn nằm ở câu chuyện đạo đức - ý thức tác quyền trong nước mà giờ đây đã liên quan đến chuyển bản quyền ở mức độ luật pháp quốc tế. Với thị trường nhạc trong nước, Sơn Tùng M-TP có lẽ là cái tên mang nhiều scandal về đạo nhạc nhất.

img

Hầu như các bài hát của nam ca sĩ trẻ khi ra mắt khán giả đều bị cho là lấy ý tưởng, nhạc nền, vũ đạo hay hòa âm phối khí của một bài hát ngoại nào đó. Mới đây nhất, ca khúc “Chúng ta không thuộc về nhau” của nam ca sĩ vừa mới ra mắt cũng gây ra một vụ ồn ào liên quan đến nghi án đạo nhạc.

Nhưng, không dừng ở chuyện gây sóng gió ở thị trường nhạc trong nước rồi chìm vào im lặng, lần này, Sơn Tùng đã nhận những phản ứng mạnh mẽ từ phía cộng đồng fan Hàn và nghệ sĩ Mỹ.

Trên trang cá nhân của cộng đồng fan quốc tế Lee Jung Shin - thành viên nhóm CNBLUE đã đăng tải thông tin về Sơn Tùng MTP như sau: “Đây là Sơn Tùng, một ca sĩ Việt Nam. Ở thị trường âm nhạc Việt, anh ta rất nổi tiếng, nhưng với người nghe nhạc quốc tế, anh ta chỉ là một kẻ sao chép… Cộng đồng fan này còn tố Sơn Tùng từng “chôm” nhiều ca khúc của nghệ sĩ Kpop như Namolla Family, As One, Bang Yong Guk B.A.P, Exid…”.

Sự việc chưa dừng lại ở đó, tiếp theo, nhà sản xuất âm nhạc, DJ Mỹ nổi tiếng Heyder Eliyev, chủ nhân ca khúc “We don’t talk anymore”, bài hát được cho là rất giống với “Chúng ta không thuộc về nhau” đã lên tiếng cho rằng ca khúc của Sơn Tùng có rất nhiều điểm giống với bài hát của anh.

Điều này lại một lần nữa khiến fan Việt và cộng đồng fan tại Mỹ dậy sóng. Ở một thế giới phẳng, khi mà internet kết nối mọi thứ thì hầu như mọi sự sao chép, trộm cắp trong âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung đều sớm bị phát giác.

Điều đáng buồn là những vụ bị tố đạo nhạc gây ồn ào ở tầm khu vực và quốc tế gần đây lại thuộc về những ca sĩ thuộc thế hệ trẻ, được kì vọng là có tài, có cá tính, có thể góp phần làm nên diện mạo của âm nhạc Việt hiện đại.

Đây cũng là bài học cảnh báo cho nhiều nghệ sĩ trẻ khác, bởi hậu quả giờ đây không chỉ dừng lại ở sự lên án, tẩy chay của cộng đồng nghe nhạc mà đã liên quan đến pháp luật về bản quyền ở phương diện quốc tế.

Ngọc Mai (Pháp luật Plus)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem