Theo thông tin từ Sở LĐTBXH Hà Nội, trong 9 tháng đầu năm 2018, toàn thành phố đã tổ chức 393 lớp đào tạo nghề cho gần 14.000 lao động nông thôn (LĐNT), đạt 56,85% so với kế hoạch (24.000 người).
Lớp dạy nghề trồng cây ăn quả ở huyện Phúc Thọ. Ảnh: N.T
Sở NNPTNT và Sở LĐTBXH xây dựng kế hoạch năm 2019, khảo sát, nghiên cứu cơ chế, mô hình đào tạo nghề lao động nông thôn để đưa vào kế hoạch”.
Ông Ngô Văn Quý -
Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội
|
Cụ thể, đối với nghề nông nghiệp, các đơn vị đã tổ chức 257 lớp với 8.946 người tham gia; đối với nghề phi nông nghiệp,136 lớp được tổ chức với 4.697 người tham gia. Theo dự kiến, trong 3 tháng cuối năm 2018, các đơn vị tiếp tục tổ chức đào tạo nghề cho 8.640 LĐNT, nâng kết quả thực hiện đào tạo nghề cho LĐNT dự kiến năm 2018 với tổng số 22.283 người, đạt 92,85% so với kế hoạch.
Báo cáo tại hội nghị giao ban công tác đào tạo nghề cho LĐNT, bà Nguyễn Thanh Nhàn – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội cho biết: “Điểm đặc biệt của việc triển khai đề án dạy nghề cho LĐNT lần này là Sở LĐTBXH phối hợp với các quận, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và triển khai công tác đào tạo nghề cho LĐNT từ đó giúp người lao động hiểu rõ về tác dụng của việc học nghề để lao động tham gia học nghề. Khi thay đổi nhận thức bản thân người dân mới chủ động đi học nghề để chuyển đổi việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống. Kết quả đã làm thay đổi tư duy lao động sản xuất của một số người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ”.
Đại diện Sở NTPTNN cũng cho rằng, thời gian qua, công tác tổ chức đào tạo được các cơ sở dạy nghề, các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ; lấy chất lượng, hiệu quả đào tạo đặt lên hàng đầu...
Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Ngô Văn Quý đã ghi nhận những kết quả đạt được cả về số lượng, chất lượng, cũng như việc kiểm tra, giám sát trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT thời gian qua. Bên cạnh đó, ông Quý cũng đã chỉ ra những hạn chế cần khắc phục ngay như hiện tượng người học chưa chuyên cần, nghỉ học, nhờ người học hộ…
Theo ôn Quý, các đơn vị cần tiếp tục tuyên truyền đến người dân, người lao động về chương trình đào tạo nghề. Trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT không nhất thiết phải chạy theo số lượng để hoàn thành 100% kế hoạch mà cần tập trung vào chất lượng, hiệu quả.
Phó Chủ tịch giao Sở NNPTNT và Sở LĐTBXH nghiên cứu bổ sung ngành nghề, nhất là những ngành có nhu cầu xã hội lớn, chưa có trong danh mục, đồng thời nghiên cứu rút ngắn thời gian đào tạo; đưa ra tiêu chí đảm bảo chất lượng cơ sở đào tạo…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.