Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Đập tan dư luận xấu về cuộc đấu tranh chống "giặc nội xâm" (Kỳ cuối): Phải có "nhạc trưởng" để đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch
Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác với các luận điệu, quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ chính trị, các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương phải phối kết hợp có hệ thống, tạo thành một "dàn nhạc" và phải có "nhạc trưởng" để xử lý những vấn đề này.
Trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này, PGS.TS Lê Quốc Lý, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: Trong quá trình chống "giặc nội xâm", bài trừ tham nhũng, quan liêu, tiêu cực, lãng phí, cũng như trong suốt quá trình đi lên Chủ nghĩa xã hội, đất nước ta không tránh khỏi những luận điệu chống phá, quan điểm thù địch của các thế lực phản động, cơ hội chính trị. Tuy nhiên, "chính những điều này càng tôi luyện cho Đảng thêm bản lĩnh vững vàng hơn, uy tín của Đảng lên cao hơn".
"Quá trình phát triển của Đảng, cũng như của các nhà nước là một quá trình đấu tranh. Đấu tranh với chính mình để loại bỏ những tật xấu, sự tha hóa, sự quan liêu bảo thủ từ bên trong. Đấu tranh với sự chuyên quyền, độc đoán, cho mình là giỏi nhất, giỏi hết… Đặc biệt là đấu tranh với các thế lực thù địch bên ngoài là quá trình liên tục không bao giờ dừng được" – PGS.TS Lê Quốc Lý nhấn mạnh.
Nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhìn nhận, thời gian qua, cuộc chiến chống "giặc nội xâm" của Đảng ta đạt được những bước tiến dài vững chắc, không chỉ được quần chúng tin tưởng, ghi nhận mà còn được bạn bè trên thế giới và tổ chức quốc tế đánh giá cao. Do đó, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị không mong muốn điều đó, luôn tìm cách chống phá, phủ nhận những thành quả. "Vì vậy, các nhà khoa học, nhà chính trị cần phải nghiên cứu các quan điểm thù địch chống phá để đấu tranh, phản bác lại; đồng thời tuyên truyền cho các thế lực thù địch hiểu biết hơn về Đảng Cộng sản Việt Nam, ủng hộ Đảng khi họ hiểu được Đảng ta là Đảng của dân, do dân, dựa vào dân và vì dân", PGS.TS Lê Quốc Lý lưu ý.
Cho rằng, quá trình đấu tranh với các thế lực thù địch, luận điệu sai trái bên ngoài cũng giúp Đảng tự hoàn thiện mình hơn, PGS.TS Lê Quốc Lý nhấn mạnh: "Cây xanh muốn trở thành đại thụ phải có quá trình, chịu đựng, vượt qua được mọi giông bão. Đảng cũng vậy, muốn trường tồn phải hoàn thiện mình, đấu tranh được với các thế lực thù địch bên ngoài. Đây là con đường tất yếu! Không sợ kẻ xấu! Không sợ kẻ phá hoại! Không sợ các thế lực thù địch! Cây chỉ đổ khi có mối mọt bên trong, nhà chỉ đổ khi móng không chắc... khi Đảng vững mạnh sẽ chiến thắng mọi kẻ thù".
"Đất nước ta vẫn đang trong tiến trình hội nhập và phát triển, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn luôn là vấn đề được Đảng quan tâm hàng đầu, các thế lực thù địch vẫn sẽ luôn bấu víu vào công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng ta để đưa ra các luận điệu mị dân, phủ nhận những thành quả mà ta đã đạt được. Do vậy, việc đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng vẫn sẽ luôn là công tác thường xuyên, liên tục của Đảng để từ đó tiến tới xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là đảng cầm quyền", PGS.TS Lê Quốc Lý nhấn mạnh thêm.
Cũng trao đổi vấn đề này, Tiến sĩ (TS) Bùi Đức Thụ - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, nguyên Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ rõ, thời gian qua, đặc biệt là những năm gần đây, các thế lực thù địch, chống phá sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước muốn phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ngày càng bộc lộ nhiều hơn.
Nhất là trong thời đại "cách mạng 4.0", khi mạng xã hội ra đời và phát triển ngày càng lớn mạnh, các thế lực đù địch đã lợi dụng điều kiện này để tuyên truyền, chống phá Đảng và Nhà nước dưới nhiều hình thức như xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Đặc biệt, trong quá trình chúng ta thực hiện phòng chống tham nhũng, tiêu cực một cách bài bản, quyết liệt, không có vùng cấm, không ngừng nghỉ, các phần tử chống đối Đảng và Nhà nước trong và ngoài nước đã không từ một thủ đoạn, hình thức nào để kích động, chống phá, quấy rối, xuyên tạc đường lối của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc đẩy lùi "giặc ngoại xâm" này, và làm ảnh hưởng mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và Nhân dân; giữa Đảng và Tổ quốc.
Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội, chúng ta cần tập trung thực hiện một số giải pháp như: Sử dụng sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và tổ chức xã hội; nâng cao trách nhiệm các cơ quan trong hệ thống chính trị và các tổ chức xã hội; tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội...
Trong đó, đầu tiên, chúng ta phải tuyên truyền cho người dân biết rõ được đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Khi người dân nắm rõ được đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước, họ sẽ có niềm tin, cho dù các đối tượng thù địch, chống phá dù có bằng cách nào, hình thức nào cũng không có tác dụng đối với nhân dân.
Thứ hai, các cơ quan tuyên truyền, báo chí, truyền thông phải có những bài viết tuyên truyền, đấu tranh, vạch rõ những âm mưu, thủ đoạn, nội dung xuyên tạc trước công chúng để nó tạo thành dòng lý luận, dòng tư tưởng chính thống. Cùng đó, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quan điểm của Đảng, Nhà nước về công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng.
Thứ ba, phải khẳng định rằng, trong điều kiện hiện nay, mạng thông tin cần mở rộng chứ không ngăn cấm hoặc thu hẹp. Việc này trong Luật cũng đã khẳng định rõ. Theo đó, cần tăng cường quản lý mạng, sàng lọc những thông tin sai sự thật, vu khống đối với lãnh đạo Đảng và Nhà nước, khi phát hiện không chỉ ngăn chặn, gỡ những bản tin mà chúng ta có thể căn cứ vào đó, tùy vào mức độ sai phạm nặng, nhẹ có thể xử lý kỷ luật, xử lý hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.
"Chúng ta phải coi đây là nhiệm vụ chính trị và các tổ chức chính trị, xã hội, các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương phải phối kết hợp có hệ thống, tạo thành một "dàn nhạc" có "nhạc trưởng" để xử lý những vấn đề này. Khi chúng ta làm đồng bộ, nghiêm và minh bạch tự khắc người dân sẽ hiểu, điều đó tất yếu trở thành miễn dịch trong xã hội, trong đời sống của người dân về việc tiếp nhận những thông tin sai trái, bịa đặt, xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước", TS Bùi Đức Thụ nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, Việt Nam đang trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế mạnh mẽ, đây cũng là tiền đề, điều kiện để các thế lực thù địch, các phần tử phản động tăng cường tuyên truyền, xuyên tạc, đưa ra những quan điểm sai trái, thù địch để chống phá Đảng, Nhà nước ta, đặc biệt chúng triệt để tấn công vào công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam trong xuyên suốt thời gian vừa qua. Do đó, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta cần tập trung đầu tư vào chương trình đào tạo và bồi dưỡng chuyên sâu về công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng cho cán bộ trực tiếp đấu tranh, phản bác; chú trọng hướng dẫn kỹ năng diễn đạt, viết bài phản bác. Đồng thời, cần thiết lập các chương trình đào tạo liên ngành để tăng cường sự hiểu biết và tư duy toàn diện về những luận điệu của các thế lực thù địch.
Ngoài ra, cần huy động quần chúng nhân dân tham gia vào đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng. Đây là lực lượng đông đảo, góp phần thực hiện thắng lợi trên mọi mặt trận, do đó cần phải triệt để phát huy vai trò của quần chúng nhân dân vào công cuộc đấu tranh này. Mỗi quần chúng sẽ là một "chiến sĩ", với việc được trang bị đầy đủ kiến thức, nhận diện một cách đầy đủ, chính xác về các luận điệu "mị dân" của thế lực thù địch thì quần chúng nhân dân hoàn toàn có thể đấu tranh, phản bác lại các quan điểm sai trái, thù địch này.
Trong cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Tham nhũng là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Thời đại nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có, không thể xóa ngay tận gốc tham nhũng trong một thời gian ngắn.
Do vậy, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn và phương pháp đúng; không thể chủ quan, nóng vội; không được né tránh, cầm chừng, thỏa mãn; trái lại, phải rất kiên trì, "không nghỉ", "không ngừng"; vừa phải kiên quyết phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, vừa phải kiên trì giáo dục, quản lý, ngăn ngừa, răn đe, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, vừa phải cảnh giác, đấu tranh với những âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để kích động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.