Đau đáu giữ sức sống 18 thôn vườn trầu, để mất đi là có lỗi...

Đức Trương Thứ bảy, ngày 09/02/2019 06:10 AM (GMT+7)
Đi trên Quốc lộ 1A, hướng từ An Lạc về An Sương, cách trung tâm TP.HCM khoảng 20km về hướng Tây Bắc, chúng ta đến một địa danh nổi tiếng của đất Gia Định xưa: Thập bát phù viên, tức 18 thôn vườn trầu, nay chủ yếu thuộc huyện Hóc Môn và một ít ở quận 12, huyện Củ Chi, TP.HCM.
Bình luận 0

Do đặc điểm thổ nhưỡng tốt, phù hợp với cây trầu, cộng với kinh nghiệm của các di dân thời mở cõi, 18 thôn vườn trầu trở thành nơi chuyên canh và cung cấp trầu cho khắp Nam Kỳ lục tỉnh.

Đến đầu thế kỷ XIX, 18 thôn vườn trầu đã trở thành một vùng dân cư trù mật với những phiên chợ trầu sầm uất. Các vườn trầu nối liên tiếp, màu xanh bất tận.

img

Ông Đào Văn Cấp (xã Bà Điểm) là một trong vài hộ dân ít ỏi còn giữ lại được khu vườn trầu nhà. Ảnh: Nguyên Vỹ

Nơi đây từng ghi dấu cuộc khởi nghĩa nông dân năm 1885, do hai ông Phan Văn Hớn và Nguyễn Văn Quá lãnh đạo, chống thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Khởi nghĩa thất bại, nhưng ngọn lửa yêu nước vẫn âm ỉ nhen nhóm, cho đến những năm 1930 - 1940 thì nơi đây trở thành cơ sở che giấu, nuôi dưỡng cán bộ cách mạng, cất giấu tài liệu của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Nhiều chiến sĩ cách mạng kiệt xuất như: Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Quốc Việt, Lê Duẩn... đã được bảo vệ, nuôi giấu ở đây. Cũng từ đây, lệnh khởi nghĩa Nam Kỳ được phát ra. Ngày 25.8.1945 người Hóc Môn - Bà Điểm nổi dậy giành chính quyền.

Và từ đó, 18 thôn vườn trầu đi suốt cuộc trường chinh 30 năm đánh Pháp đuổi Mỹ, cùng Sài Gòn - Gia Định và cả nước giành thắng lợi ngày 30.4.1975.

Trải qua quá trình đô thị hóa, trở lại vùng Bà Điểm - Hóc Môn bây giờ, người ta khó mà biết nó từng là 18 thôn vườn trầu. Những vườn trầu bạt ngàn xanh đã nhường chỗ cho những con lộ mới mở, nhà cửa san sát...

Ông Đào Văn Cấp (ngụ xã Bà Điểm) là hộ hiếm hoi còn giữ lại được vườn trầu nhà. “Đất nông nghiệp ngày càng hẹp mà đầu ra của lá trầu bấp bênh, hàng loạt nhà vườn bỏ nghề, khắp xã chỉ còn vài ba hộ giữ được như tôi” - ông Cấp nói. Nhưng ông không chắc còn giữ được vườn trầu đến bao lâu.

Cả xã Bà Điểm chỉ còn 3 thôn Tây Lân, Tiền Lân mỗi nơi sót lại vài ba hộ trồng trầu, còn đa số đất trồng trầu chuyển sang cất nhà trọ cho thuê, hoặc để trồng chuối, trồng bưởi.

Trước tình hình mai một nguy cấp của 18 thôn vườn trầu, từ năm 2010, Thành ủy TP.HCM đã chỉ đạo phải gấp rút bảo tồn nét đẹp của 18 thôn vườn trầu xưa. Ngã Ba Giồng được chọn làm nơi tái hiện vườn trầu. Các nghệ nhân trồng trầu cũng được huy động để thiết kế luống trầu, tư vấn mua giống trầu để trồng. Thấy trầu lên xanh tốt nên nơi đây mạnh dạn trồng thêm. Tuy chỉ là vườn trầu tái hiện, nhưng khách tham quan lại rất hào hứng vì có dịp ngỡ như sống lại thuở qua rồi.

Ông Mai Văn Nhơn, 52 tuổi, quê Bà Điểm, hiện đảm nhận việc săn sóc vườn trầu ở đây. Ông Nhơn cho biết, nhà ông trồng trầu từ năm 1980, với cả ngàn gốc trầu. Bây giờ, việc của ông là chăm sóc 6,8 thiên trầu (6.800 gốc), chia làm 18 khu tượng trưng cho 18 thôn vườn trầu. Mỗi giàn trầu cao đến 4m, xanh um...

Ông báo, để mất đi 18 thôn vườn trầu là có lỗi với thế hệ đi trước và cả thế hệ sau này. Gìn giữ sắc thái đặc biệt của vùng đất này luôn là nỗi đau đáu với những người con của Hóc Môn - Bà Điểm, như ông...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem