dd/mm/yyyy

“Đầu tàu” ở bản Nghĩa Hưng

Đó là anh Nguyễn Văn Cường, sinh năm 1973, bản Nghĩa Hưng (xã Mường Cơi, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La). Anh là tấm gương điển hình trong thực hiện phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Khởi nghiệp từ 2 con lợn nái

Được lãnh đạo xã Mường Cơi giới thiệu, chúng tôi đến thăm trang trại kinh tế của anh Nguyễn Văn Cường ở bản Nghĩa Hưng. Nhìn thấy chúng tôi, anh Cường tay bắt mặt mừng như người thân lâu ngày mới gặp. Anh Cường niềm nở rót ly nước mời chúng tôi. Chưa kịp ngồi ấm chỗ, anh chàng nông dân này đã thao thao kể cho chúng tôi nghe về quá trình đặt những viên gạch đầu tiên xây nên trang trại kinh tế tiền tỷ của mình.

“Đầu tàu” ở bản Nghĩa Hưng - Ảnh 1.

Hệ thống chuồng trại nuôi lợn được anh Cường đầu tư bài bản.

Anh Cường kể: Năm 1964, nghe theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước, bố mẹ tôi cùng với nhiều hộ dân khác ở xã Liên Nghĩa, huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) lên bản Nghĩa Hưng, khai hoang vùng kinh tế mới.

Là người con sinh ra và lớn lên ở bản Nghĩa Hưng, anh Cường thấu hiểu được những khó khăn, vất vả của người dân nơi đây. "Cách đây hơn chục năm trở về trước, bà con vẫn quen với phương thức sản xuất nông nghiệp lạc hậu. Đó là trồng cây lương thực ngắn ngày kém hiệu quả trên đất dốc. Năm này qua năm khác, đất canh tác bạc màu, năng suất càng ngày càng giảm nên đời sống vẫn cứ nghèo khó", anh Cường nhớ lại.

“Đầu tàu” ở bản Nghĩa Hưng - Ảnh 2.

Nhờ làm tốt công tác chăm sóc, đàn lợn thịt nhà anh Cường luôn sinh trưởng và phát triển tốt.

Năm 1996, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, sau khi lập gia đình, vợ chồng anh Cường tách ra ở riêng. Đêm nào anh Cường cũng trăn trở khi đất đai vùng này rộng lớn, người nông dân cần cù, chịu khó, làm lụng vất vả quanh năm, tại sao cuộc sống vẫn cứ nghèo?

Là thanh niên sức dài vai rộng, không chịu khuất phục trước khó khăn, anh Cường quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất mình sinh ra. Nói là làm, anh Cường xách ba lô đi khắp nơi học hỏi cách làm giàu. Cứ nghe tin ở địa phương nào có trang trại hay mô hình kinh tế điển hình, anh Cường đều tìm đến tận nơi để học hỏi kinh nghiệm.

“Đầu tàu” ở bản Nghĩa Hưng - Ảnh 3.

Hết năm 2020, anh Cường dự kiến tăng đàn lợn nái từ 25 con lên 40 con.

Trải qua quá trình tìm hiểu, năm 2001, anh Cường quyết định tập trung vào chăn nuôi lợn thịt để phát triển kinh tế gia đình. Ban đầu, do chưa có vốn nên anh Cường chỉ nuôi 2 con lợn nái. Sau đó, mới tăng đàn dần và mở rộng chuồng trại. Nhờ được chăm bẵm tốt, đều đặn mỗi năm đàn lợn nái của anh Cường đẻ 2,5 lứa. Mỗi lứa đẻ từ 10 con – 13 con. Thời gian trôi đi, đàn lợn ngày một tăng lên, anh Cường dần dần tích cóp được vốn.

Từ số vốn liếng có được cộng thêm vay mượn từ bạn bè, anh Cường quyết định mở rộng chăn nuôi theo hướng bài bản. Từ chuồng sàn cho heo đẻ, chuồng lợn hậu bị, lợn thịt thương phẩm đến hệ thống cho ăn, uống nước tự động, hệ thống biogas xử lý chất thải, hệ thống bơm nước làm mát đều được đầu tư một cách đồng bộ.

“Đầu tàu” ở bản Nghĩa Hưng - Ảnh 4.

Hiện, anh Cường có 25 con lợn nái và 200 con lợn thịt.

Thu tiền tỷ nhờ vượt qua dịch tả lợn châu Phi

Anh Cường chia sẻ: Nuôi lợn gần chục năm nay, tôi lo nhất vẫn là dịch tả lợn Châu Phi năm 2019. Bởi, lợn một khi đã nhiễm virus này thì tỷ lệ tử vong là 100%. Lúc đó, gia đình tôi như ngồi trên đống lửa. Lúc đó, gia đình cũng tính đến phương án bán tháo đi nhưng toàn lợn con không bán đi đâu được nên chúng tôi giữ lại để nuôi. Do vậy, ngay từ khi dịch bùng phát trên địa bàn, gia đình làm theo các khuyến cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện. Ngoài ra, gia đình luôn kiểm soát chặt theo phương án "nội bất xuất, ngoại bất nhập".

“Đầu tàu” ở bản Nghĩa Hưng - Ảnh 5.

Để đàn lợn phát triển tốt, anh Cường chú trọng làm tốt khâu phòng, chống dịch bệnh.

Theo đó, anh Cường áp dụng các biện pháp sinh học trong phòng dịch, như: Thường xuyên phun khử trùng, rắc vôi quanh khu vực chuồng trại; phun sát trùng trong chuồng 5 ngày/lần, xung quanh khu vực chuồng trại từ 3 ngày – 4 ngày phun một lần; hạn chế người lạ vào chuồng; treo biển báo, làm hàng rào trước cửa; không cho chó, gà vào gần khu vực trại lợn.

"Chó, gà là những con vật trung gian mang mầm bệnh vào cho lợn. Gia đình có con chó trong nhà hay đi ra ngoài, do sợ lây bệnh nên tôi cũng bán đi. Sau khi bán, con trai tôi không đồng ý nên khóc cả tháng trời", anh Cường dí dỏm.

“Đầu tàu” ở bản Nghĩa Hưng - Ảnh 6.

Anh cường lắp đặt hệ thống làm mát cho đàn lợn vào mùa hè.

Nhờ làm tốt công tác phòng, chống, đàn lợn của anh Cường đã thoát được dịch tả lợn Châu Phi. Sau đó, giá lợn hơi trên cả nước tăng lên do nguồn cung lợn trên thị trường khan hiếm. Thời điểm đó, đàn lợn con ngày nào của gia đình anh Cường cũng đã đến lúc xuất chuồng.

Cuối năm 2019, khi giá lợn tăng từ 59.000 đồng/kg lên 70.000 đồng/kg, anh Cường xuất bán một loạt hơn 200 con lợn thịt (khoảng 40 tấn) ra thị trường và thu được gần 3 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, anh Cường nhẹ nhàng "bỏ túi" hàng trăm triệu đồng.

"Bắt" đất cằn nở hoa

Xong câu chuyện về nuôi lợn, anh Cường dẫn chúng tôi thăm 2ha cây ăn quả của gia đình. Trên đường đi, anh Cường bảo: Trước đây, toàn bộ diện tích này được gia đình tôi trồng cây ngô, đậu tương. Nhưng đây là vùng đất dốc khô cằn, sỏi đá nên năng suất không cao. Sau khoảng thời gian tôi đi tìm đến các mô hình trồng cây ăn quả có múi ở Yên Bái, Hoà Bình học tập kinh nghiệm, từ năm 2011 đến nay, gia đình chuyển đổi sang trồng cây ăn quả.

“Đầu tàu” ở bản Nghĩa Hưng - Ảnh 7.

Nhờ trồng cây ăn quả theo hướng VietGAP, sản phẩm quả của anh Cường và HTX cây ăn quả Nghĩa Hưng luôn được khách hàng tin dùng và đánh giá cao.

Theo anh Cường, do đây là vùng đất cằn, sỏi đá nên khi gia đình bắt tay vào trồng cây ăn quả, nhiều người dân trong bản mắt tròn mắt dẹt bảo dại mới đi trồng cây ăn quả ở cái đất này.

Mặc kệ những lời xì xào bàn tán của mọi người, anh Cường vẫn đánh liều "móc hầu bao" ra thuê máy móc, nhân công cải tạo đất, đầu tư xây dựng hệ thống tưới ẩm lên tận đồi. Mặt khác, anh Cường chú trọng việc ứng dụng khoa học kỹ thuật thông qua các lợp tập huấn do huyện, xã tổ chức cộng với kinh nghiệm thực tế học hỏi được vào trồng cây bưởi da xanh, bưởi Diễn, cam Vinh, cam đường canh.

“Đầu tàu” ở bản Nghĩa Hưng - Ảnh 9.

Vườn bưởi da xanh sai trĩu quả của anh Cường.

Sau nhiều năm cần mẫn chăm sóc, vườn cây ăn quả có múi của anh Cường đã cho thu hoạch vụ đầu tiên với hơn 6 tấn quả. "Mặc dù là vùng đất đồi sỏi đá nhưng chẳng ai ngờ được cây ăn quả trồng ở đây lại cho chất lượng ngon không nơi nào sánh bằng. Năm 2019, gia đình xuất bán ra thị trường 11 tấn bưởi, cam và thu về hơn 400 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, lãi trên 200 triệu đồng. Mùa vụ năm nay, gia đình dự kiến thu được trên 20 tấn quả", anh Cường hào hứng nói.

“Đầu tàu” ở bản Nghĩa Hưng - Ảnh 10.

Bên cạnh trồng cây ăn quả và chăn nuôi lợn, anh Cường còn trồng thêm 3ha cây mỡ, xoan. Khoảng 6 năm nữa, số diện tích rừng này sẽ cho thu hoạch.

Chỉ tay vào vườn bưởi da xanh quả sai trĩu trịt, anh Cường phấn khởi: Bưởi da xanh trồng ở bản Nghĩa Hưng này cho quả ăn rất ngon. Vì vậy, năm nào bưởi nhà tôi cũng không đủ cung ứng cho khách. Riêng lô bưởi da xanh năm 2019, tôi thu được hơn 300 triệu đồng.

“Đầu tàu” ở bản Nghĩa Hưng - Ảnh 11.

Anh Cường sử dụng phân chuồng ủ hoai mục bón cho diện tích cây ăn quả của gia đình.

Tâm sự thêm với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Duyên (vợ anh Cường) bảo: Sáng nay, các chú điện thoại hẹn trước nên hôm nay anh mới ở nhà đợi. Những ngày bình thường, anh dậy sớm từ lúc 4 giờ sáng. Sau khi xem đàn lợn xong, anh xỏ ủng lên vườn cả ngày chứ ít ở nhà lắm. Anh quan tâm cây bưởi, cam, con lợn như những người con của mình vậy.

Người Bí thư Chi bộ hết lòng vì dân

Bằng sự quyết tâm, cố gắng, nỗ lực không biết mệt mỏi trong thực hiện phong trào thi đua phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, từ năm 2012 đến nay, anh Cường đã được bà con bản Nghĩa Hưng tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ.

“Đầu tàu” ở bản Nghĩa Hưng - Ảnh 12.

Gia đình anh Cường đứng ra làm đại lý cấp 1 để phân phối thức ăn chăn nuôi cho bà con theo phương thức trả chậm.

Trao đổi với phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt/Trang Trại Việt, ông Hà Văn Phương, Bí thư Đảng uỷ xã Mường Cơi, chia sẻ: Anh Cường là điển hình về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ. Những năm qua, anh luôn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động gia đình và quần chúng thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, anh Cường là một Bí thư Chi bộ gương mẫu, trách nhiệm, tận tuỵ trong công việc; sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ các hộ khó khăn trong bản phát triển kinh tế.

“Đầu tàu” ở bản Nghĩa Hưng - Ảnh 13.

Từ trang trại kinh tế tổng hợp, mỗi năm, gia đình anh Cường có thu nhập cả tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, lãi khoảng nửa tỷ đồng. Ngoài ra, anh Cường tạo việc làm ổn định cho 5 lao động thường xuyên với mức công 6 triệu đồng/ người/ tháng.

Từ lúc giữ cương vị Bí thư Chi bộ đến nay, anh Cường luôn đi đầu trong việc thực hiện các phong trào thi đua phát triển kinh tế, vận động người dân chuyển đổi diện tích trồng cây ngô kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có múi cho năng suất và thu nhập cao.

Ngoài ra, anh Cường cùng với 10 hộ gia đình khác trong bản tự nguyện thành lập hợp tác xã (HTX) trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng. Đến nay, từ sự hỗ trợ của các cấp, các ngành từ tỉnh đến huyện, sản phẩm cây ăn quả có múi của hợp tác xã được cấp giấy chứng nhận VietGAP.

“Đầu tàu” ở bản Nghĩa Hưng - Ảnh 14.

Học theo anh Cường, diện tích đất dốc được người dân bản Nghĩa Hưng chuyển đổi sang trồng cây ăn quả.

Anh Cường cho biết: Hiện, HTX có gần 30ha cây ăn quả các loại. Mỗi năm, HTX xuất bán ra thị trường hàng trăm tấn quả, doanh thu gần 4 tỷ đồng mỗi năm. Thời gian qua, các thành viên trong HTX đã được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Yên tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hái cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, sản phẩm quả của HTX ngày càng khẳng định được thương hiệu trên thị trường.

Không những vậy, anh Cường còn mở dịch vụ chế biến say sát lúa gạo, dịch vụ sửa chữa máy nông nghiệp, xe máy và đại lí cấp 1 thức ăn chăn nuôi. Hằng năm, anh Cường cung ứng hơn 1.000 tấn thức ăn chăn nuôi cho người dân trong bản. Trong đó, 80% cung ứng theo phương thức trả chậm để giúp các hộ gia đình thiếu vốn có thêm điều kiện mở rộng quy mô sản xuất.

“Đầu tàu” ở bản Nghĩa Hưng - Ảnh 15.

Diện mạo nông thôn bản Nghĩa Hưng đang từng ngày khởi sắc.

Trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, anh Cường đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân đóng góp ngày công làm được 550m đường giao thông nông thôn. Tổ chức trồng hoa dọc hai bên đường với chiều dài 2000m. Vào ngày 28 hàng tháng, tổ chức quét dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm; thu gom rác thải tại 18 điểm, tạo điều kiện thuận lợi cho xe Công ty Môi trường đưa đi xử lý. Tổ chức lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng đường vào ban đêm nhằm đảm bảo công tác an ninh trật tự và làm đẹp cảnh quan môi trường của bản.

“Đầu tàu” ở bản Nghĩa Hưng - Ảnh 16.

Với những đóng góp cho bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi trong việc phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, anh Cường được tỉnh Sơn La, huyện Phù Yên tặng nhiều Bằng khen và Giấy khen.

"Năm nay, bản Nghĩa Hưng phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Mường Cơi đã trực tiếp cùng với Ban quản lý bản tổ chức cuộc họp với bà con. Người dân bản Nghĩa Hưng đồng tình, ủng hộ rất cao. Trong tháng 9 vừa rồi, bản đã ra quân tu sửa hệ thống cống rãnh, vệ sinh môi trường xung quanh các tuyến đường. Hiện, bản đã đạt 10/12 tiêu chí trong bộ tiêu chí bản nông thôn mới kiểu mẫu theo quy định của UBND tỉnh Sơn La. Từ nay đến cuối năm, với sự quyết tâm cao của người dân, chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành những chỉ tiêu còn lại để cán đích bản nông thôn mới kiểu mẫu", anh Cường tin tưởng.

Dưới sự "dẫn đường" của Bí thư Chi bộ bản Nghĩa Hưng Nguyễn Văn Cường cùng với Ban quản lý bản, đến nay, thu nhập bình quân đầu người của dân trong bản đạt 35 triệu đồng/người/năm. Bản Nghĩa Hưng có 124 hộ dân thì tỷ lệ hộ nghèo là 0%. Trong đó hộ khá, giàu chiếm 60%, mức thu nhập bình quân các hộ này đạt trên 50 triệu đồng/người/năm.

Tuệ Linh