Đầu tư cho chăn nuôi chưa tương xứng

Thứ tư, ngày 10/10/2012 10:28 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong những năm qua, vốn đầu tư vào ngành chăn nuôi của nước ta chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với các ngành khác, trong khi ngành này đóng góp trên 24%/năm trong tổng GDP của cả nước.
Bình luận 0

Nhỏ giọt

Theo số liệu của 27 Sở NNPTNT có dự án đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực chăn nuôi trên cả nước, trong 10 năm qua, vốn đầu tư FDI bình quân cho ngành chăn nuôi chỉ đạt 4,1 triệu USD/dự án, bằng 62,8% tổng đầu tư trung bình của các dự án FDI trong ngành nông lâm thủy sản khác và chỉ bằng 26% tổng đầu tư trung bình của các dự án FDI trong cả nước.

img
Ngành chăn nuôi vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.

Thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cũng cho biết, trong năm 2011 có 919 dự án FDI đầu tư vào Việt Nam được cấp phép với tổng số vốn đăng ký hơn 9.900 triệu USD. Trong đó, chỉ có 16 dự án đăng ký đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với tổng số vốn khoảng 98 triệu USD, chiếm khoảng 4% về tổng số dự án và gần 1,6% tổng vốn đầu tư của cả nước.

Ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi tập trung chủ yếu vào khâu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Các ngành còn lại như con giống, chăn nuôi, chế biến giết mổ và xử lý môi trường có lợi nhuận thấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro nên chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư.

“Không chỉ vốn FDI mà ngân sách trung ương và địa phương đầu tư cho ngành chăn nuôi thời gian qua cũng rất hạn hẹp, chỉ khoảng 428 triệu USD trong vòng 10 năm qua, bình quân 3,4 triệu USD/dự án” - ông Chinh cho biết.

Theo ý kiến nhiều chuyên gia, những bất cập trong thủ tục hành chính, quỹ đất dành cho chăn nuôi còn hạn chế… khiến ngành chăn nuôi yếu thế hơn so với các lĩnh vực khác trong việc thu hút vốn đầu tư.

Vẫn còn nhiều “miếng ngon”

Theo PGS.TS Nguyễn Đăng Vang – Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, đầu tư vào ngành chăn nuôi Việt Nam xưa nay thường dàn trải dẫn tới không hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ hội để doanh nghiệp đầu tư phát triển ở Việt Nam.

Ông Vang cho biết, cả nước hiện có hơn 230 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, trong đó có 58 nhà máy thuộc các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, các cơ sở còn lại nhỏ, lẻ, công nghệ sản xuất lạc hậu nên năng suất không cao, lợi nhuận thấp. Ngoài ra, mỗi năm cả nước có từ 30 – 40 cơ sở chế biến thức ăn “sập tiệm”, phải đóng cửa do hoạt động không hiệu quả.

“Sắp tới Cục Chăn nuôi cũng sẽ thành lập Hiệp hội Công nghệ cao trong nông nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư hiệu quả hơn”.

Cũng theo ông Vang, con giống và chế biến thịt cũng là lĩnh vực còn trống của ngành chăn nuôi Việt Nam. Tình trạng nhà nhà sản xuất con giống, người người tự làm giống cho sản xuất như hiện nay dẫn tới việc con giống kém chất lượng, dễ mắc dịch bệnh, năng suất chăn nuôi thấp… Do đó, việc đầu tư con giống chất lượng cao là điều rất cần thiết cho việc phát triển chăn nuôi bền vững.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, thay vì ưu tiên đầu tư cho gia súc như trước đây, ngành sẽ đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia cầm trong thời gian tới. Những ưu thế như thời gian sinh trưởng ngắn, vốn đầu tư ít, năng suất cao… của gia cầm giúp đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong nước nhanh chóng hơn các sản phẩm gia súc như lợn, bò.

“Ngành chăn nuôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi ở các lĩnh vực như giống, đầu tư giết mổ, vệ sinh môi trường trong chăn nuôi…” - ông Hoàng Kim Giao – Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem