Đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng làm cầu Vĩnh Tuy 2

23/12/2020 18:37 GMT+7
Dự án cầu Vĩnh Tuy 2 có tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố, được xây dựng về phía hạ lưu sông Hồng.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội vừa mới cho biết, dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 dự kiến sẽ được khởi công xây dựng vào đầu tháng 1/2021. Dự án cầu Vĩnh Tuy 2 đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi có thiết kế với hình dáng tương tự cầu giai đoạn 1, gồm 4 làn xe lưu thông.

Theo đó, dự án cầu Vĩnh Tuy có tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố, được xây dựng về phía hạ lưu sông Hồng, tim cầu nằm song song và cách tim cầu Vĩnh Tuy 1 là 21,25m.

Đặc biệt, cầu có tổng chiều dài và đường dẫn hơn 3,4km, mặt cắt ngang 19,25m (4 làn xe), chiều cao tĩnh không 11m. Điểm đầu tại Km0+840 (giao với đường Nguyễn Khoái và đường Minh Khai), điểm cuối tại Km4+312,62 (giao với đường Long Biên - Thạch Bàn, đường Cổ Linh).

Hà Nội: Cầu Vĩnh Tuy 2 với hơn 2.500 tỷ đồng khởi công tháng 1/2021 - Ảnh 1.

Cầu Vĩnh Tuy Hà Nội.

Theo đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội, việc đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 nhằm hoàn thiện cầu Vĩnh Tuy theo đúng thiết kế quy hoạch trước đó và hoàn thiện toàn bộ đường Vành đai 2 của thành phố Hà Nội.

Đồng thời, tăng cường khả năng lưu thông giữa hai bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một tăng nhanh giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc thành phố.

Trước đó, dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 1) được khởi công ngày 2/3/2005, khánh thành ngày 25/9/2009. Đến nay, cầu Vĩnh Tuy 1 đã phát huy hết vai trò, giúp các phương tiện giao thông đi qua sông Hồng dễ dàng và giảm tải áp lực cho cầu Long Biên.

Theo quy hoạch và thiết kế, cầu Vĩnh Tuy rộng 38m, dài 5,8km, trong đó phần vượt sông dài 3,7km, đường dẫn hai đầu 1,68km. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên năm 2009 Hà Nội mới khánh thành giai đoạn 1 với mặt cầu rộng 19m với kinh phí gần 3.600 tỷ đồng. Như vậy, việc xây dựng cầu mới chỉ là hoàn thiện cầu Vĩnh Tuy theo đúng thiết kế quy hoạch trước đó.

Được biết, dự kiến vào tháng 3/2021, Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông Vận tải) sẽ hoàn thành Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án đường Vành đai 4 để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư.

Nếu được thông qua và triển khai sớm, dự án trọng điểm này sẽ chấm dứt tình trạng phải nằm trên giấy của dự án Vành đai 4 trong suốt 9 năm qua.

Tuyến đường Vành đai 4 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 1278/QĐ-TTg ngày 29/7/2011 với quy mô cao tốc 6 làn xe, tiến độ xây dựng trước năm 2020.

Theo định hướng quy hoạch, tuyến Vành đai 4 dài khoảng 98 km đi qua 3 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội (56,5 km, đi qua 7 quận, huyện), Hưng Yên (20,3 km) và Bắc Ninh (21,2 km).

Trong đó, các đoạn tuyến trên địa phận TP Hà Nội do UBND TP Hà Nội lập dự án đầu tư và huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện đầu tư.

Hiện nay, UBND TP Hà Nội đang giao nhà đầu tư lập hồ sơ đề xuất đầu tư đường Vành đai 4 đoạn nối từ cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Pháp Vân - cầu Giẽ theo hình thức PPP (đoạn tuyến từ QL.32 đến cao tốc Pháp Vân - cầu Giẽ thuộc đoạn tuyến này).


Thế Anh
Cùng chuyên mục