Đây là lý do cổ phiếu thủy sản "tím lịm" bất chấp thị trường rơi gần 45 điểm

06/12/2022 16:19 GMT+7
Nhóm cổ phiếu thủy sản trở thành điểm sáng ấn tượng khi loạt cổ phiều như ANV, ACL, VHC, IDI...tăng kịch trần bất chấp thị trường rực lửa.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/12, VN-Index lao dốc giảm 44,98 điểm (- 4,11%) về 1.048,69 điểm.

VN30-Index giảm 56,58 điểm (- 5,12%) xuống 1.054,06 điểm, HNX-Index giảm 7,16 điểm (3,26%) xuống 212,80 điểm, UPCoM-Index giảm 2,22 điểm (3,03%) về 71,02 điểm.

Áp lực bán dâng cao hơn từ đầu phiên chiều khiến VN-Index nới rộng đà giảm. Trong đó lực xả từ nhóm vốn hóa lớn tiếp tục là nhân tố chính khiến thị trường lao dốc.

Nhóm ngành bất động nằm sàn la liệt như: PDR, NVL, DXG, DSX, QCG, VRE, CEO, CRE, DIG, KHG...

Về nhóm ngân hàng, trước động thái NHNN công bố tăng thêm room tín dụng từ 1,5% -2% đã khiến nhà đầu tư tin rằng sẽ là động thái tích cực trên thị trường. Tuy nhiên trái ngược với mong đợi, phiên chiều nay toàn ngành ngân hàng chìm trong sắc đỏ, nhiều mã giảm sàn như MBB, SHB, STB, VIB, VPB.

Các mã khác cũng giảm mạnh, sát giá sàn như TCB, TPB giảm 6,7%, ACB giảm 5,5%, BID giảm 5,2%, EIB giảm 6,6%, VCB giảm 5,9%, VBB giảm 5,8%... Trong tổng số 27 mã ngân hàng trên các sàn, LPB là mã duy nhất giữ được sắc xanh với mức tăng 0,4%.

Ngành bán lẻ cũng giảm khá mạnh, PET, DGW giảm sàn, MWG giảm 6,8%, FRT giảm 2,1%...

Trong báo cáo phân tích thị trường mới gửi, SSI Research dự báo, tăng trưởng GDP trong quý IV/2022 ước tính ở mức 5,5 - 6,0% và đạt 6 - 6,2% vào năm 2023. Khó khăn trong thời gian tới đến từ sự giảm tốc trong lĩnh vực sản xuất và rủi ro trong ngắn hạn tiếp tục là thanh khoản hệ thống, khi lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn cao dần về cuối năm và lãi suất chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngoài ra, ngay trong quý IV, ảnh hưởng từ lạm phát và lãi suất tăng có thể bộc lộ ở kết quả kinh doanh nhiều doanh nghiệp niêm yết.

Nhìn về kỳ vọng về dòng vốn trong thời gian tới, việc các quỹ chủ động và ETFs cùng đồng thuận giải ngân cùng lúc vào thị trường có thể sẽ tiếp tục quán tính vào các tuần đầu của tháng 12. Trên cơ sở đó, thị trường được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì được đà hồi phục sang các tuần đầu tháng 12, trong lúc các chính sách mới để hỗ trợ kinh tế và thị trường tài chính tiếp tục được công bố.

Chỉ số VN-Index hiện đã phục hồi gần 20% từ mức đáy thiết lập trong phiên ngày 16/11, theo đó hệ số định giá P/E dựa trên ước tính lợi nhuận năm 2022 của VN-Index cũng đã tăng lên mức 11,3 lần từ mức 9,7 lần ở thời điểm giữa tháng. Vì vậy, mặc dù vẫn kỳ vọng đà hồi phục thị trường sẽ tiếp diễn nhờ động lực từ khối ngoại, nhưng SSI cũng đánh giá thị trường đang đi vào vùng giá nhạy cảm và dễ phản ứng mạnh với các yếu tố rủi ro.

Về mặt kỹ thuật, chỉ số VN-Index bật lại và duy trì đà tăng cho đến thời điểm hiện tại, sau khi hình thành đáy ngắn hạn quanh vùng 874 điểm trong phiên ngày 16/11 với cây nến mang tính chất wash-out (rũ bỏ). Khác với các đợt hồi phục trước, nhịp hồi phục hiện tại của chỉ số diễn ra nhanh chóng với nhiều cây nến Long White Body (nến trắng thân dài) nối tiếp nhau, nhờ động lực mạnh mẽ từ khối ngoại.

MACD trên đồ thị ngày của VN-Index sau khi hình thành trạng thái phân kỳ dương so với đường giá, hiện đã quay lại trên mức 0. Khối lượng giao dịch trên HOSE cải thiện mạnh mẽ từ nửa sau tháng 11 sau khi VN-Index quay lại với xu hướng tăng ngắn hạn.

Khu vực 1.100 điểm sẽ đóng vai trò xác nhận diễn biến tiếp theo của VN-Index. Nếu chỉ số chinh phục thành công vùng cản 1.100 điểm này, đà hồi phục được kỳ vọng mở rộng lên vùng 1.125 - 1.135 điểm. Trường hợp lực cung gia tăng mạnh từ vùng cản này, VN-Index có thể sẽ điều chỉnh trở lại với vùng hỗ trợ đầu tiên là vùng 1.070 - 1.050 điểm.

Nhóm cổ phiếu thuỷ sản "tím rịm" vì lý do này?

Trong phiên giao dịch hôm nay, cổ phiếu thủy sản trở thành điểm sáng khi loạt cổ phiều tăng hết biên độ như ANV, ACL, VHC, IDI. Một số mã tăng mạnh như: ABT tăng 6,8%, CMX tăng 5,3%, FMC tăng 5,2%, MPC tăng 6,3%...

Các nhà nghiên cứu của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, giá cổ phiếu ngành thủy sản hôm nay đồng loạt tăng tích cực, phần lớn là vì tín hiệu Trung Quốc mở cửa. Việc Trung Quốc mở cửa là một yếu tố giúp hạn chế đà giảm, nhưng không đủ để cổ phiếu ngành thuỷ sản trở lại sóng tăng. 

Hơn nữa, khi Trung Quốc mở cửa, chủ yếu chỉ có doanh nghiệp cá tra có lợi. Các doanh nghiệp tôm có niêm yết đa số không xuất khẩu sang Trung Quốc. 

Được biết, cơ cấu doanh thu từ thị trường Trung Quốc của một số doanh nghiệp: IDI 40-50%, ANV 20-30%, VHC 10-15%. Vì vậy, nếu đơn hàng Trung Quốc tăng nhưng thị trường khác giảm, phần tăng chỉ mang tính bù đắp. 

Trong khi đó, từ doanh nghiệp, việc Trung Quốc mở cửa chỉ đang giúp việc xuất khẩu sang thị trường này không còn bị cản trở, rút ngắn thời gian giao hàng. Còn về việc tăng đơn hàng được hay không vẫn chưa thực sự rõ ràng. Do nhu cầu từ thị trường Trung Quốc hiện vẫn chưa khả quan, vì thu nhập của người dân Trung Quốc bị ảnh hưởng và dư cung cá rô phi nội địa. 

Tình hình đơn hàng ký mới cho thị trường Trung Quốc của doanh nghiệp từ giờ đến Tết âm lịch có cải thiện nhưng không quá nhiều. 

Các nhà phân tích của VDSC cho rằng, việc Trung Quốc mở cửa là chất xúc tác ngắn hạn cho giá cổ phiếu, nhưng bản chất hiện tại vẫn chưa thấy tác động tích cực đủ lớn lên kết quả kinh doanh 2023 cho các doanh nghiệp. Những yếu tố giảm lên kết quả kinh doanh 2023 vẫn đang áp đảo.

An Vũ
Cùng chuyên mục