Nông dân Hòa Bình giảm chi phí, tăng lợi nhuận khi sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi

Phạm Hoài Thứ sáu, ngày 06/12/2024 05:34 AM (GMT+7)
Mô hình chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng sức đề kháng cho vật nuôi, đồng thời, mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định cho người nông dân.
Bình luận 0

Lót đệm sinh học nuôi gà, doanh thu cả tỷ đồng mỗi năm

Những ngày đầu tháng 12, có mặt tại xã Vĩnh Tiến (huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình), chúng tôi được thăm trang trại chăn nuôi gà an toàn sinh học rộng 1ha của anh Trần Tiến Bốn ở thôn Kim Đức. Nhờ sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, những con gà của anh Bốn không những khỏe mạnh, ít bệnh mà mùi hôi bốc ra từ phân gà đã giảm hẳn, góp phần bảo vệ môi trường.

Qua câu chuyện với anh Bốn chúng tôi được biết, anh bắt đầu sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà từ năm 2018 cho đến nay.

Trước đây, khi chưa sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, phân gà thường bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến những hộ dân sống gần trang trại của anh Bốn. Không những thế đàn gà của anh rất hay bị bệnh và chậm lớn.

Để tìm hướng chăn nuôi sinh học, anh Bốn đã mày mò lên mạng tìm hiểu, nghiên cứu và tham quan, học tập những mô hình chăn nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học ở Ba Vì (Hà Nội). Nhận thấy hiệu quả, anh Bốn đã quyết định áp dụng, đưa đệm lót sinh học vào chăn nuôi gà.

Sử dụng đệm lót sinh học, nông dân Hòa Bình vừa bảo vệ môi trường, lại chăn nuôi lại hiệu quả- Ảnh 1.

Anh Bốn bắt đầu sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà từ năm 2018 cho đến nay. Nhờ vậy, đàn gà của anh khỏe mạnh, ít bệnh mà mùi hôi bốc ra từ phân gà đã giảm hẳn, góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: Phạm Hoài.

Nói về quy trình làm đệm lót sinh học từ trấu, anh Bốn chia sẻ: Trước khi thả gà vào, đầu tiên phải rải trấu lên toàn bộ nền chuồng với chiều dày khoảng 10 cm.

Đối với gà úm, sau tầm 7 ngày, khi dưới nền chuồng có phân gà con thải ra, lúc đó bắt đầu rắc men sinh học rồi đảo đều, việc này sẽ giúp phân, nước tiểu của gà được phân hủy, giảm khí độc và mùi hôi. Còn đối với gà thịt, sau khi rải trấu có thể rắc men sinh học ngay hoặc sau 2 ngày mới tiến hành rắc men sinh học.

Sau đó, khoảng 1 – 2 tháng bổ sung thêm trấu và men vi sinh, điều này sẽ giúp nền chuồng vừa khô và không bị thối. Sau khoảng 4 tháng rưỡi khi gà được xuất bán sẽ bắt đầu dọn chuồng. Các chất lót đệm được thu gom, tận dụng làm phân bón cho các loại cây trồng hoặc được anh bán với giá 1.000 đồng/kg.

Sử dụng đệm lót sinh học, nông dân Hòa Bình vừa bảo vệ môi trường, lại chăn nuôi lại hiệu quả- Ảnh 2.

Theo anh Bốn, trước khi thả gà vào, đầu tiên phải rải trấu lên toàn bộ nền chuồng với chiều dày khoảng 10cm. Đối với gà úm, sau tầm 7 ngày, khi dưới nền chuồng có phân gà con thải ra, lúc đó bắt đầu rắc men sinh học rồi đảo đều, việc này sẽ giúp phân, nước tiểu của gà được phân hủy, giảm khí độc và mùi hôi. Ảnh: Phạm Hoài.

Mô hình này cũng giúp anh Bốn giảm chi phí dọn dẹp thường xuyên do phân gà tự phân hủy, ủ hoai trong lớp đệm sinh học.

“Việc sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà cần phải tránh nước, chuồng không được để ẩm ướt nếu không sẽ làm hỏng các vi sinh vật”, anh Bốn lưu ý.

Theo anh Bốn, hiện trại gà anh đang có khoảng 5.000 con, trong đó có gà đẻ, gà thịt và gà con úm. Anh Bốn đã xuất bán được 10 tấn gà thịt, sau 1 tháng nữa anh sẽ xuất bán thêm 5 tấn gà thịt. Với giá dao động từ 70.000 đồng – 80.000 đồng/kg, năm nay anh thu về trên 1 tỷ đồng.

Sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi - bảo vệ môi trường nông thôn

Theo thông tin từ Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình, trong năm 2024, Trung tâm Môi trường nông thôn, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ xây dựng “Mô hình Hội Nông dân ứng dụng công nghệ sinh học xử lý nước thải, chất thải trong chăn nuôi, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn” tại xã Vân Sơn (huyện Tân Lạc, Hòa Bình). Tham gia mô hình có 47 hộ dân với số lượng 250 con trâu, bò với diện tích 750m2; các hộ dân được hỗ trợ 750kg cám gạo, 2.500 gói chế phẩm sinh học, 12.500kg vỏ trấu để xây dựng đệm lót sinh học trong chăn nuôi trâu, bò…

Sử dụng đệm lót sinh học, nông dân Hòa Bình vừa bảo vệ môi trường, lại chăn nuôi lại hiệu quả- Ảnh 3.

Trong năm 2024, Trung tâm Môi trường nông thôn, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình hỗ trợ xây dựng “Mô hình Hội Nông dân ứng dụng công nghệ sinh học xử lý nước thải, chất thải trong chăn nuôi, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn” tại xã Vân Sơn (huyện Tân Lạc, Hòa Bình) với 47 hộ dân tham gia. Ảnh: Phạm Hoài.

Có mặt tại xã Vân Sơn, chúng tôi được gặp ông Đinh Xuân Bắn, ở xóm Dồ - là một trong những hộ dân được hỗ trợ xây dựng mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi trâu, bò.

Ông Bắn chia sẻ:“Trước đây, chuồng trại của gia đình tôi thường bốc mùi hôi, mặc dù gia đình thường xuyên dọn dẹp vệ sinh. Hơn nữa, nước thải từ việc vệ sinh chuồng trại chảy ra ngoài có thể gây ô nhiễm môi trường.

Sau khi được tập huấn kỹ thuật và tiến hành chăn nuôi trâu, bò sử dụng đệm lót sinh học, chuồng trại gia đình trở nên khô ráo, không còn mùi hôi, nước thải không còn chảy ra ngoài giúp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn”.

Tương tự, ông Hà Văn Hoan, xóm Chiến cho biết: “Mỗi lần dọn vệ sinh chuồng trại, tôi lại phải đeo khẩu trang vì mùi hôi từ phân và nước tiểu của trâu bò; đặc biệt, mỗi lần có gió là mùi hôi có thể bay tận vào nhà. Được Nhà nước tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ cám gạo, chế phẩm sinh học và vỏ trấu để làm đệm lót sinh học, đến nay, chuồng trại của gia đình không còn phát sinh mùi hôi do chất thải được các vi sinh phân hủy hết. Tôi cảm thấy rất hiệu quả.

Bên cạnh việc bảo vệ môi trường, các chất lót đệm sinh học được thu gom trong chăn nuôi sau này có thể tận dụng làm phân bón cho các loại cây trồng của gia đình rất tốt”.

Sử dụng đệm lót sinh học, nông dân Hòa Bình vừa bảo vệ môi trường, lại chăn nuôi lại hiệu quả- Ảnh 4.

Nhờ sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi trâu, bò, chuồng trại của ông Hà Văn Hoan không còn phát sinh mùi hôi, từ đó, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn. Ảnh: Phạm Hoài.

Chị Hà Thị Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vân Sơn cho biết: Mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi trâu, bò vừa mới được triển khai cho 47 hộ dân trên địa bàn 8/17 xóm của xã gồm: Hày Trên, Bục, Lự, Nghẹ, Chiềng, Vược, Chiến, Dồ.

Hội Nông dân xã đã tiếp nhận đầy đủ cám gạo, chế phẩm sinh học và trấu, tiến hành phân phát cho các hộ dân. Khi tham gia mô hình, các hộ dân đều được tập huấn kỹ thuật đầy đủ, sau đó bắt tay vào thực hiện.

Mô hình mới được triển khai trên địa bàn xã nên chưa thể đánh giá được hiệu quả nhưng ban đầu bà con rất phấn khởi và nhận định mô hình sẽ phát huy hiệu quả.

“Vân Sơn là xã vùng cao, 90% người dân làm nông nghiệp. Khi người dân chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học, ngoài giúp bảo vệ môi trường, bà con còn tận dụng được nguồn phân bón sinh học để bón cho cây trồng, giúp tiết kiệm chi phí mua phân bón, hạn chế được việc sử dụng phân bón hóa học”, chị Hồng cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem