Dạy nghề cho LĐ nông thôn: Năm sắp hết, kế hoạch vẫn...chờ phê duyệt

Thùy Anh Thứ hai, ngày 06/11/2017 06:30 AM (GMT+7)
Đây là câu chuyện của huyện Đông Anh (Hà Nội). Dù “năm hết tết đến”, nhưng kế hoạch dạy nghề 2017 của Đông Anh vẫn chưa được phê duyệt.
Bình luận 0

Thành công nhờ xây dựng mô hình điểm

Thực hiện Quyết định số 1956 về việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến nay huyện Đông Anh đã hoàn thành việc xác định nhu cầu người học với nhu cầu của thị trường lao động trên địa bàn huyện. Song song với đó, huyện xây dựng hiệu quả các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn.

img

Mô hình học nghề trồng rau sạch tại huyện Đông Anh. Ảnh: Thuỳ Anh 

"Mục tiêu từ năm 2017 đến năm 2020 sẽ đào tạo trình độ sơ cấp nghề và dưới 3 tháng cho 8.015 người lao động. Sau đào tạo, phấn đấu tối thiểu 80% số người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn”. 

Phòng lao động huyện
Đông Anh thông tin

Ông Nguyễn Văn Thành – chuyên viên Phòng Lao động huyện Đông Anh cho biết, thực tế khảo sát mô hình phát triển kinh tế địa phương thì thấy một số nghề có khả năng thu hút nhiều lao động như nghề trồng nấm, nghề sửa xe đạp, nghề chăn nuôi thú y. Đây là nghề đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương, sau khi ra trường, lao động có cơ hội tìm kiếm việc làm, sản phẩm có khả năng được tiêu thụ tốt.

Giai đoạn 2011-2016, huyện đã mở được 155 lớp dạy nghề cho 5.289 lao động nông thôn. Trong đó, nghề phi nông nghiệp là 108 lớp với số học viên là 3.705 người, nghề nông nghiệp là 47 lớp với số học viên là 1.584 người. Việc dạy nghề cũng được linh hoạt tại địa phương để người lao động dễ tham gia học tập. Có thể học tại nhà văn hóa thôn, xã, các nghề nông nghiệp thực hành tại ruộng, vườn, trang trại do cơ sở dạy nghề thuê của người lao động hoặc hợp tác xã.

Qua đó, 100% học viên học nghề nông nghiệp đều ký cam kết tự tạo việc làm tại nhà. Hơn 80% lao động nông thôn sau khi học nghề đã có năng suất lao động cao, góp phần tăng thu nhập. Riêng nghề trồng và chế biến nấm ăn, nấm dược liệu đạt 85%, nghề kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cảnh đạt 86%.

Chậm do không được phê duyệt

Ông Nguyễn Văn Hoàn – Trưởng phòng Lao động huyện Đông Anh cho biết, chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn gặp khó khăn từ việc xác định nhu cầu thị trường, tạo việc làm và đặc biệt chậm phê duyệt kế hoạch đào tạo.

Ông Hoàn cho rằng, công tác khảo sát nhu cầu học trên địa bàn ở một số nghề chưa sát với thực tế. Công tác tuyên truyền, tư vấn cho lao động chọn nghề và tham gia học nghề chưa phù hợp, chưa gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

Công tác kiểm tra, giám sát tổ chức lớp học nghề ở các xã chưa thường xuyên, một số xã chưa chủ động trong việc xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện đề án đào tạo nghề hàng năm. Một số ngành nghề lao động nông thôn có nhu cầu theo học cao như các nghề: sửa chữa và lắp ráp điện thoại, lái xe ô tô, sửa chữa ôtô... nhưng không nằm trong nhóm các ngành nghề được UBND TP.Hà Nội hỗ trợ theo Đề án 1956.

“Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, phòng, xưởng để thực hành còn gặp khó khăn và thiếu thốn. Một số cơ sở đào tạo nghề chưa cam kết hỗ trợ việc làm, bao tiêu sản phẩm cho lao động sau đào tạo nên không thu hút được người lao động tham gia học nghề” – ông Hoàn nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem