Dạy nghề chưa phù hợp
Theo ông Hoàng Xuân Thành – chuyên gia tư vấn của Oxfam, tổ chức này từng tiến hành một nghiên cứu dạy nghề cho đồng bào DTTS tại 7 tỉnh thành trong cả nước. Kết quả cho thấy, rất ít bà con người dân tộc đi học nghề.
“Đa số người DTTS thiếu thông tin và chưa được tư vấn đề học nghề, còn tồn tại định kiến với người DTTS. Định kiến giới trong thông tin tuyên truyền vận động người dân học nghề. Thậm chí, có địa phương còn chọn người Kinh đi học nghề thay vì người dân tộc bởi sợ người dân tộc trình độ hạn chế không tiếp thu được kiến thức, không áp dụng được vào sản xuất” – ông Thành nói.
Các lớp học nghề cần phải được chú ý tới văn hóa bản địa. (Trong ảnh: Lớp học xây dựng cho đồng bào dân tộc Thái ở Hà Giang). Ảnh: Minh Nguyệt
Mặt khác, quá trình dạy nghề cũng phát sinh nhiều bất cập. Có thể thấy, tại nhiều địa phương, nơi có những nghề truyền thống bản địa, có những nghệ nhân giỏi, giàu kinh nghiệm nhưng không được dạy nghề do không có bằng cấp. Bên cạnh đó, theo ông Thành việc có quá nhiều chương trình dạy nghề cũng làm phân tán nguồn lực. Mặc dù tại Quyết định 46/2015/QĐ-TTg đã quy định cần lồng ghép các chương trình đào tạo nghề với các chính sách hỗ trợ sinh kế khác nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa làm được. “Thực tế đi kiểm tra ở một số địa phương, chúng tôi thấy ở thôn xã bị “bão hoà” tập huấn, hội thảo. Cuối năm có xã tổ chức cả chục cuộc tập huấn, tốn kém, nhưng có khi không có người dự” – ông Thành chia sẻ.
"Những vấn đề nổi cộm trong công tác dạy nghề cho người dân tộc là công tác dạy nghề chưa phù hợp. Chương trình dựa vào quy hoạch ngành của địa phương mà chưa cập nhật nhiều yếu tố khác”.
Ông Nguyễn Văn Thắng – chuyên viên Công ty Nghiên cứu tư vấn chuyển giao công nghệ và đầu tư – Công ty hỗ trợ tư vấn chính sách
|
Nghiên cứu trước đó, trong năm 2016 của Oxfam tại 7 tỉnh cũng cho thấy các chương trình dạy nghề cho người dân tộc chưa phù hợp. Nghề nông nghiệp thì dài lê thê, còn đào tạo nghề phi nông nghiệp quá ngắn. Các lớp học hiện trường chưa được chú trọng. Việc đánh thời gian, chất lượng giảng viên tuy được chú trọng, nhưng việc đánh giá hiệu quả sinh kế, tác động của chương trình dạy nghề gần như bị bỏ ngỏ.
Băn khoăn rào cản văn hóa
Hiện tại, chưa có dự án, chương trình dạy nghề nào chú trọng tới vấn đề văn hóa bản địa của người dân tộc. Tại diễn đàn, có chuyên gia cho rằng, một số địa phương có những lao động học nghề xây dựng đã tự xây nhà, thậm chí làm nghề xây dựng cho thu nhập khá.
Tuy nhiên, dưới cái nhìn của anh Khang A Tủa - Trưởng nhóm Bạn trẻ DTTS thay đổi diễn ngôn chưa đúng về người dân tộc ADH, đó có lẽ không phải là hiệu quả tích cực mà là tác động tiêu cực thì đúng hơn. “Thay vì mang lại hiệu quả tích cực là tạo việc làm, mang đến thay đổi, việc dạy nghề, làm nghề xây dựng lại đang mang lại hiệu quả tiêu cực. Ví dụ, sau khi học nghề, người dân dần quên với những ngôi nhà tranh mà xây nhà ngói, nhà ống. Điều này không tốt bởi nó sẽ làm làm mất văn hoá bản địa” – Tủa phân tích.
Góp ý cho chính sách dạy nghề, bà Trần Thu Hằng – Cơ quan Hợp tác Phát triển Italia (AICS) đặt câu hỏi: “Liệu có cần một chương trình dạy nghề hay nên chăng chúng ta nên tạo ra một chương trình liên kết ngang ở địa phương với chính quyền, trường học, doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả dạy nghề?”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.