Dạy nghề ở Thanh Hóa: Thất thoát 3,5 tỷ đồng tiền hỗ trợ

Hồng Đức Thứ hai, ngày 16/06/2014 07:05 AM (GMT+7)
Theo kết luận của Công an tỉnh Thanh Hóa, có 38 đơn vị sai phạm trong việc thực hiện chính sách khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề (giai đoạn 2008-2012), làm thất thoát gần 3,6 tỷ đồng.
Bình luận 0

38 đơn vị có sai phạm

Từ năm 2006 - 2012, UBND tỉnh Thanh Hóa đã duyệt chi hơn 22 tỷ đồng hỗ trợ cho 220 đơn vị thực hiện chính sách khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề. Thế nhưng, sau khi tiến hành kiểm tra, cơ quan công an đã phát hiện, việc thực hiện chính sách trên có nhiều sai phạm.

Cụ thể, có 38/38 đơn vị sai phạm, làm thất thoát 3,589 tỷ đồng của Nhà nước. Trong đó, có 26 đơn vị nhận hỗ trợ 1,721 tỷ đồng, nhưng không mở lớp đào tạo nghề cho người lao động; nội dung báo cáo trong hồ sơ xin kinh phí hỗ trợ không có thật; kê khai số người lao động nhiều hơn thực tế…

Ngoài ra, 12 đơn vị đã nhận hỗ trợ 1,868 tỷ đồng, có mở lớp đào tạo nghề, nhưng không dạy đủ thời gian, không duy trì được nghề và kê khai số người lao động nhiều hơn thực tế… Các đơn vị đều hợp thức hóa hồ sơ để chứng minh tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động sau học nghề.

Trao đổi với NTNN, ông Phạm Văn Cương - Trưởng phòng Công Thương huyện Quan Hóa, cho biết: Ở Quan Hóa, có 2 đơn vị “dính” sai phạm, là: HTX Xuân Dương và HTX Quan Hóa. Hai đơn vị này chủ yếu sản xuất đũa từ cây luồng. Thực chất, họ cũng có đào tạo để công nhân chạy máy, nhưng cơ bản không đáp ứng đúng như một khóa đào tạo, mà chỉ là dạy việc cho người nông dân biết vận hành máy móc làm đũa. “Từ 2010 đến nay, năm nào cũng có thông báo của Sở Công Thương về nhu cầu mở lớp đào tạo nghề.

Nhiều doanh nghiệp (DN) đăng ký với huyện để làm thủ tục. Tuy nhiên, về phía huyện, nhận thấy “có vấn đề” không đảm bảo về mặt thủ tục hành chính, nên huyện không triển khai” - ông Cương cho hay.

Doanh nghiệp “tố” cán bộ Công Thương

Ông Mai Ngọc Toản - Giám đốc DN Toản Đào, ở xóm 7, xã Nga Tiến (Nga Sơn), cho biết: Mỗi học viên được hỗ trợ 400.000 đồng trong thời gian đào tạo 2 tháng. Tuy nhiên, đa số lao động đến học nghề chưa đến 2 tháng đã sản xuất được hàng hóa vì họ đã có tay nghề, và bị kết luận là có sai phạm.

Ông Toản cho biết đã có tờ trình báo cáo sự việc lên Phòng Công Thương huyện và Công an tỉnh. Còn ông Nguyễn Hữu Phúc - Chủ nhiệm HTX Chế biến lâm sản Quan Hóa (bản Chăm, xã Xuân Phú), cho biết: Công an tỉnh điều tra, đánh giá kết quả không khách quan. Việc nhà nước hỗ trợ cho chúng tôi là xứng đáng.

Năm 2000, tôi từ dưới xuôi lên đây mở ngành nghề chế biến lâm sản. Tôi là người đầu tiên đào tạo ngành nghề chế biến luồng ra sản phẩm đũa xuất khẩu. Số tiền 123,6 triệu đồng, thực chất chúng tôi chỉ được lấy 60%, 40% còn lại cán bộ Phòng Công Thương huyện lấy, vì họ làm hồ sơ, thủ tục cho tôi.

“Nếu Nhà nước yêu cầu thu hồi số tiền đã hỗ trợ cho DN, tôi sẵn sàng trả lại. Tuy nhiên, với điều kiện là người của Phòng Công thương huyện cũng phải trả lại cho chúng tôi 40% kia, để DN hoàn trả cho Nhà nước”.
Ông Nguyễn Hữu Phúc
“Việc chúng tôi chỉ được nhận 60% là do không biết đường đi nước bước. Nếu chúng tôi biết cách cũng sẽ nhận được toàn bộ số tiền nêu trên. Còn việc cho rằng DN sai phạm, tôi khẳng định là không sai phạm”- ông Phúc nói.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem