Dạy song ngữ giúp trẻ em không còn bỏ học

Ngọc Thọ Thứ ba, ngày 13/12/2016 06:15 AM (GMT+7)
Dự án “Nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số và khó khăn tại Lai Châu, Việt Nam” với tổng ngân sách khoảng 13 tỷ đồng giúp trẻ em dân tộc thiểu số tại huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu học tập bằng cả tiếng Việt và tiếng mẹ đẻ để qua đây hạn chế tình trạng bỏ học.
Bình luận 0

Vừa qua, tại Lai Châu, Tổ chức Aide et Action Việt Nam (AEA) cùng đối tác Viện Tư vấn phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi (CISDOMA) đã cho ra mắt bộ tài liệu giáo dục bổ trợ song ngữ cho học sinh dân tộc thiểu số (5 - 8 tuổi). Việc ra mắt bộ tài liệu được các tổ chức quốc tế, chuyên gia trong nước đánh giá cao.

Bộ tài liệu bao gồm 5 chủ đề: Bình đẳng giới, kỹ năng sống, phòng chống thiên tai, quyền trẻ em, văn hóa và phong tục địa phương sẽ được lồng ghép vào các hoạt động giáo dục bổ trợ ngoại khóa trong nhà trường.

img

Trẻ em dân tộc thiểu số ở huyện Tam Đường, Lai Châu sẽ học bằng cả tiếng Việt và tiếng mẹ đẻ. I.T

Theo bà Tẩn Mý Khé - Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Lai Châu, trong bối cảnh trên 90% học sinh địa phương là người dân tộc thiểu số, trong đó đa phần là người dân tộc Mông, việc xây dựng bộ tài liệu giáo dục bổ trợ song ngữ cho các em học sinh trong độ tuổi này là hoạt động có ý nghĩa. “Bộ tài liệu không chỉ giúp các em nâng cao khả năng sử dụng tiếng Việt mà còn cải thiện các kiến thức và kỹ năng sống khác. Bên cạnh đó, bộ tài liệu này cũng sẽ góp phần giúp các em vun đắp, giữ gìn và phát huy các bản sắc văn hóa và chữ viết của dân tộc mình” - bà Khé cho hay.

Trao đổi với NTNN, ông Eric Ouannes - Tổng Giám đốc Aide et Action Quốc tế cho hay, việc sản xuất các tài liệu chất lượng để minh họa và phản ánh văn hóa bản địa cần rất nhiều thời gian. 5 bộ tài liệu bằng cả hai thứ tiếng Mông và tiếng Việt này đã được hoàn thành với chất lượng cao để lồng ghép vào các chương trình giảng dạy chính thức.

“Phương pháp giáo dục song ngữ này được biết đến rộng rãi như một phương pháp làm tăng cường khả năng tiếp cận bình đẳng về giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số nhất là với những trẻ không được tới trường hoặc phải bỏ học. Thúc đẩy giáo dục song ngữ sẽ giúp cải thiện khả năng hội nhập xã hội của các dân tộc thiểu số cũng như bảo tồn và duy trì văn hóa và bản sắc truyền thống của thế hệ trẻ đồng bào dân tộc thiểu số" - Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Bruno Angelet đánh giá. 

img

Phụ huynh và các thầy cô vui mừng đón nhận bộ tài liệu. ảnh:  AEA

Tập tài liệu này gồm 55 câu chuyện ngắn đã được giáo viên địa phương của các trường mầm non và trường tiểu học ở huyện Tam Đường sáng tác và biên soạn, sau đó được dịch sang ngôn ngữ Mông bởi chuyên gia địa phương. Những câu chuyện thực sự phản ánh được cuộc sống hàng ngày của trẻ em Mông và cộng đồng người Mông tại Lai Châu.

Được biết, dự án “Nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số và khó khăn tại Lai Châu” tập trung vào ba xã Tả Lèng, Nùng Nàng, Khun Há của huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Dự án do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ với tổng ngân sách khoảng 13 tỷ đồng và do Aide et Action (AEA Việt Nam) cùng Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA) phối hợp thực hiện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem