ĐBQH Nguyễn Quốc Hận: Chúng ta không sợ người dám làm, dám chịu trách nhiệm mà không được tín nhiệm
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận: Chúng ta không sợ người dám làm, dám chịu trách nhiệm mà không được tín nhiệm
Quỳnh Nguyễn
Thứ ba, ngày 30/05/2023 17:06 PM (GMT+7)
ĐBQH Nguyễn Quốc Hận cho biết, không có điều gì qua mắt được người dân, dân biết ai làm tốt, ai làm không tốt, không dám làm, ai vì mục đích chung, ai vụ lợi. Vì vậy, không sợ người dám làm, dám chịu trách nhiệm mà không được tín nhiệm.
Chiều 30/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo nghị quyết việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Phải bàn cho kỹ nếu không lại trở thành hình thức
Phát biểu thảo luận, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) bày tỏ băn khoăn việc dùng từ "lấy phiếu tín nhiệm" hay "bỏ phiếu tín nhiệm". Đại biểu cho rằng cần bàn kỹ vấn đề này để dùng từ cho phù hợp.
Về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm là các chức danh lãnh đạo quản lý trong bộ máy nhà nước nhưng riêng Quốc hội không có chức danh lãnh đạo quản lý, các chức danh ở Quốc hội mang tính chất điều phối, chủ trì, điều hoà hoạt động. Phải bàn cho kỹ nếu không lại trở thành hình thức.
Vẫn theo ĐB Vân, căn cứ lấy phiếu tín nhiệm, vấn đề này trên thực tiễn rất khó. Các ĐBQH rất băn khoăn mỗi lần lấy phiếu tín nhiệm. Căn cứ để lấy phiếu là gì, nếu chỉ theo dõi thông tin trên báo chí thì không đủ, căn cứ vào báo cáo của từng chức danh thì không có vì luật và nghị quyết này cũng không quy định, trước mỗi kỳ lấy phiếu tín nhiệm cũng không có báo cáo của các chức danh. Vậy căn cứ vào đâu để chúng ta lấy phiếu tín nhiệm.
Vị đại biểu Đoàn Cà Mau này đặt vấn đề, giả sử trước khi được bầu hoặc phê chuẩn mà các chức danh do Quốc hội, HĐND bầu và phê chuẩn có chương trình hành động, thì đấy được coi như khế ước thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, thì khi đó các ĐBQH sẽ có căn cứ, soi vào đó để xem xét, kiểm đếm việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của chức danh đó. Nếu không có khế ước gì các ĐBQH khó có căn cứ gì để đong đếm, lường định được đâu là người làm được việc, đâu là người không làm được việc.
Theo ông Vân, trong dự thảo Nghị quyết cần có quy định yêu cầu phải có báo cáo công tác, báo cáo kết quả hoạt động của các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm, để làm căn cứ cho ĐBQH, ĐB HĐND khi bỏ phiếu.
Về hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Vân cho rằng phải có điều hoặc khoản nào đó trong dự thảo Nghị quyết ghi rõ vấn đề này. Ví dụ sau khi Ban kiểm phiếu có kết quả, nếu ai có phiếu tín nhiệm thấp từ 50% trở lên thì trình luôn, triển khai thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm, như vậy thì mới khẳng định được bản chất và ý nghĩa của việc lấy phiếu tín nhiệm.
"Không có gì qua mắt được dân"
Phát biểu tại tổ, ĐBQH Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cho rằng: "Kinh nghiệm cho thấy không có gì qua mắt được người dân. Dù có thể nói ra hoặc không nói ra nhưng tôi nghĩ dân đều biết ai làm tốt, ai làm không tốt, ai không dám làm, ai vì mục đích chung, ai vụ lợi. Cho nên chúng ta không sợ người dám làm, dám chịu trách nhiệm mà không được tín nhiệm".
Theo quan điểm của vị ĐBQH này, "đã làm thì làm đến nơi đến chốn", vì vậy dù biết "kiến nghị này khó tiếp thu" ông vẫn đề xuất trong 5 năm cần lấy phiếu tín nhiệm 2 lần.
Theo ông Hận, lần đầu lấy phiếu tín nhiệm là sau 2 năm người đó được bầu hoặc bổ nhiệm vào chức vụ, đây là một kênh để rà soát, xem xét lại năng lực của cán bộ đó ở vị trí đã được bầu, được bổ nhiệm. Theo ông, cán bộ không thể làm tất cả các vị trí. Một cán bộ có thể làm tốt ở chức vụ này, nhưng chưa chắc làm tốt khi bổ nhiệm vào một chức vụ khác.
Lần lấy phiếu tín nhiệm thứ hai, theo ông Hận, là 4 năm sau khi cán bộ giữ chức vụ, lần này là tiếp tục lấy phiếu tín nhiệm để xem xét lần cuối cho nhiệm kỳ mới.
"Sau 4 năm cán bộ nào làm tốt thì chúng ta đều biết cả. Đây cũng là một kênh để chúng ta rà soát, bổ sung, quy hoạch và loại bỏ quy hoạch những cán bộ không được tín nhiệm", theo ông Hận.
Về phiếu tín nhiệm, đại biểu Hận đề xuất chỉ có 2 mức là "tín nhiệm cao" và "tín nhiệm thấp". Khi lấy phiếu tín nhiệm, đối với những người có số phiếu "tín nhiệm thấp" trên 50% thì sẽ xem xét bỏ phiếu tín nhiệm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.