ĐBSCL: Rơi nước mắt nhìn gia tài "chôn" theo đàn lợn bị dịch tả

Ngọc Quyên - Chúc Ly Thứ sáu, ngày 26/07/2019 08:30 AM (GMT+7)
Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi ở ĐBSCL, người chăn nuôi lao đao vì cả cơ nghiệp có nguy cơ mất trắng, các địa phương trong vùng đang khẩn trương thực hiện việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân.
Bình luận 0

Cả gia sản chôn theo đàn lợn bệnh

Từ khi dịch tả lợn Châu Phi bùng phát tại ĐBSCL đến nay, số lợn chết vì nhiễm virus vẫn không ngừng tăng lên, khiến nhiều hộ chăn nuôi bị thiệt hại vô cùng lớn, kinh tế gia đình lâm vào cảnh lao đao vì đàn lợn là cả gia sản đối với họ. 

Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Trịnh Xuân Bảy (ngụ xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) cho biết, gia đình đầu tư xây mới chuồng trại, tái nuôi thêm đàn lợn từ đầu năm nay. Khi dịch bệnh xảy ra, ông đang nuôi 49 con lợn. “Khi lợn dương tính với dịch tả lợn Châu Phi buộc phải tiêu hủy, bao nhiêu vốn liếng, hy vọng cũng chôn theo” - ông Bảy ngậm ngùi nói.

img

Tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn Châu Phi tại ấp Đông Bình, thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, Kiên Giang. Ảnh: NQ.

Một số hộ chăn nuôi may mắn hơn khi đàn lợn chưa bị lây nhiễm dịch bệnh, song cũng lâm vào tình trạng khó khăn chật vật vì khó tiêu thụ, giá heo hơi giảm mạnh, chỉ còn khoảng 30.000 đồng/kg.

“Tôi chỉ cầu mong sao dịch tả lợn châu Phi qua nhanh để bán được lứa lợn này, có thêm ít vốn để tiếp tục đầu tư chăn nuôi, ổn định cuộc sống” - chị Trương Kim Hiền (ngụ xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước, Cà Mau) chia sẻ.

Theo thống kê của ngành chức năng Kiên Giang, chỉ trong chưa đầy 2 tháng qua, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 13/15 huyện, thành phố với số lượng lợn đã tiêu hủy khoảng 6.000 con.

Năm 2019, huyện Tân Hiệp có tổng đàn lợn hơn 57.000 con, chiếm 16% đàn lợn toàn tỉnh. Tuy nhiên, dịch tả lợn châu Phi bùng phát và lan rất nhanh trên địa bàn huyện đã khiến cuộc sống nhiều hộ chăn nuôi đảo lộn, lâm vào cảnh khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Sữa - Tổ trưởng Tổ Kinh tế kỹ thuật thị trấn Tân Hiệp, cho biết: “Khoảng 10 ngày trở lại đây, ngày nào thị trấn cũng xuất hiện 1-2 ổ dịch. Toàn thị trấn có 2.800 con lợn, đến nay có hơn 50% lợn bị dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy”. 

Ông Trần Minh Vũ - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hiệp, cho biết: “Khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra, huyện đã lập chốt kiểm soát dịch trên quốc lộ 80 tại khu phố B, thị trấn Tân Hiệp, đồng thời, phân công cán bộ trực chốt kiểm dịch các ngõ ra vào tại các xã, thị trấn có dịch, không để người dân bán tháo bán chạy hoặc vận chuyển lợn sang địa bàn khác”.

Theo ông Nguyễn Văn Hoàng - Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang, tỉnh đang thực hiện thí điểm mô hình phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại thị trấn Giồng Riềng (Giồng Riềng), xã Bình An (Kiên Lương), phường Tô Châu (TP.Hà Tiên) từ ngày 15/7 đến 14/8 để rút kinh nghiệm, nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh.

img

Lực lượng cán bộ thú y tiến hành phun thuốc tiêu độc khử trùng đàn lợn bị dịch tả lợn châu Phi trước khi đi tiêu hủy ở Kiên Giang. Ảnh: NQ.

Tại các mô hình thí điểm, ngoài cấp miễn phí hóa chất cho hộ chăn nuôi vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, nơi công cộng, ngành chăn nuôi và thú y còn hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho đàn lợn gồm: Định kỳ phun tiêu độc, khử trùng đường ngõ, xóm, bến xe, bến tàu 1 lần/ngày liên tục trong 1 tuần, sang tuần thứ 2, 3 thì 2-3 lần/tuần để tiêu diệt mầm bệnh.

Bên cạnh đó, tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện những biện pháp ngăn ngừa mầm bệnh xâm nhập vào chuồng trại như làm rào chắn quanh chuồng trại, không để người lạ hoặc động vật khác xâm nhập vào chuồng; sử dụng mùng che, thay quần áo, giày dép sạch, rửa tay nhằm hạn chế bụi mang virus vào chuồng trại…

Trong khi đó, Ban chỉ đạo phòng chống dịch tả lợn Châu Phi tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo các huyện, thị, thành phố siết chặt việc kiểm soát mua bán, vận chuyển lợn trong thời điểm có dịch. Tăng cường kiểm dịch việc giết mổ lợn tại các lò giết mổ tập trung. Tiến hành test nhanh lợn trong vùng dịch đưa vào giết mổ và tiêu thụ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm….

Hỗ trợ nhanh cho người chăn nuôi

Mới đây, ông Phạm Anh Tuấn (ngụ thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) đã phải ngậm ngùi cùng lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy đàn lợn 31 con của gia đình bị dịch tả lợn Châu Phi.

Ông Tuấn cho biết: “Mấy hôm trước thương lái đến mua lợn hơi giá 30.000 đồng/kg, nhưng tôi sợ họ mang mầm bệnh từ nơi khác vào chuồng nên không bán. Thấy một con lợn nái bị bệnh, tôi cố gắng mua thuốc điều trị, hết hơn 2 triệu đồng mà vẫn không qua khỏi. May nhờ Nhà nước có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi, nếu không thì trắng tay rồi”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Trung (ngụ xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau), cho biết: “Sau khi lợn bị bệnh, cán bộ thú y và địa phương đã đến thống kê, kiểm đếm lợn chết rồi tiến hành tiêu hủy. Gia đình cũng nắm được thông tin về chính sách hỗ trợ nên cũng thấy an tâm phần nào. Bây giờ chúng tôi chỉ mong sớm nhận được nguồn tiền này để trang trải cuộc sống, đồng thời có vốn để tái sản xuất”.   

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã xuất hiện 24 ổ dịch tả lợn Châu Phi tại 7 huyện. Tổng số lợn bệnh, chết do dịch buộc phải tiêu hủy hơn 40 tấn.

img

Cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tân Hiệp tiêu độc khử trùng xe vận chuyển heo qua chốt kiểm dịch trên quốc lộ 80 thuộc địa bàn khu phố Kinh B, thị trấn Tân Hiệp. Ảnh: NQ.

Theo ông Nguyễn Thành Huy - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau, thời gian qua ngành chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân biết cách phòng bệnh. Bên cạnh đó, vấn đề cấp bách hiện nay là kinh phí hỗ trợ, làm thế nào để đảm bảo công bằng, hợp lý và giảm thiểu khó khăn cho người dân.

Tín hiệu vui đối với chăn nuôi là vào ngày 27/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 793/QĐ-TTg, về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.

Theo đó, các hộ có lợn bị bệnh và tiêu huỷ trước ngày 27/6 thì được hỗ trợ theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 và Nghị quyết số 16 phiên họp thường kỳ tháng 2/2019 của Chính phủ hỗ trợ 80% giá thị trường ở thời điểm đó. Còn các hộ dân có lợn bị bệnh và tiêu huỷ sau ngày 27/6 được hỗ trợ 25.000 đồng/kg lợn hơi và 30.000 đồng/kg đối với lợn giống.

“Đây là hỗ trợ của Nhà nước nhằm khắc phục một phần khó khăn về kinh tế, chứ không phải hỗ trợ để người dân khôi phục sản xuất. Chính vì vậy, khi nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước, bà con không nên vội tái đàn khi chúng ta chưa kiểm soát được dịch bệnh” - ông Huy lưu ý.

Cà Mau chi 15 tỉ đồng hỗ trợ tiêu thụ lợn thịt 

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa phê duyệt kế hoạch giảm tổng đàn lợn thịt và bảo vệ đàn lợn giống để phục vụ tái đàn sau khi kiểm soát được dịch bệnh.

Theo đó, tỉnh Cà Mau sẽ hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thu mua và vận chuyển lợn giết thịt trong tỉnh và hỗ trợ các cơ sở, hộ chăn nuôi xuất bán lợn thịt 100.000 đồng/con (loại từ 75kg/con trở lên). Tổng dự toán kinh phí thực hiện kế hoạch gần 15 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ ngày 5/7/2019 đến khi kết thúc việc giảm đàn.

Về công tác bảo vệ đàn lợn giống, tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí nuôi giữ giống lợn nái 500.000 đồng/con, để nâng cao các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tiêu độc khử trùng mầm bệnh, đảm bảo duy trì đàn lợn giống phục vụ tái đàn khi kiểm soát được dịch bệnh. Ngoài ra, hỗ trợ tinh lợn phối giống 4 liều/nái/năm (sau khi kiểm soát được dịch bệnh).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem