Đề nghị xem xét thực chất cắt giảm các điều kiện kinh doanh

24/10/2020 14:03 GMT+7
Nghị quyết 35/NQ-CP được coi là một bước đột phá, tạo điều kiện phát triển khu vực tư nhân Việt Nam. Thế nhưng, sau 5 năm kết quả của một số chỉ tiêu quan trọng đã không hoàn thành.
Đề nghị xem xét thực chất cắt giảm các điều kiện kinh doanh - Ảnh 1.

Chính sách tốt

Doanh nghiệp (DN) luôn được xem là yếu tố quan trọng, quyết định đến chuyển dịch các cơ cấu lớn của nền kinh tế quốc dân. Với vai trò đó, trong 5 năm trở lại đây, Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao thông qua việc ban hành nhiều quyết sách quan trọng.

Luật Hỗ trợ DNNVV và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 là hai trong số các chính sách quan trọng về phát triển doanh nghiệp giai đoạn 5 năm 2016-2020.

Nghị quyết số 35/NQ-CP được ban hành ngay từ đầu nhiệm kỳ của Chính phủ giai đoạn 2016-2020, đã phản ánh tinh thần đổi mới mạnh mẽ và hành động quyết liệt của Chính phủ mới, coi doanh nghiệp là động lực của phát triển kinh tế với những nguyên tắc như DN có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm; Nhà nước lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ; Nhà nước có chính sách đặc thù hỗ trợ DNNVV, DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo. Đồng thời, cũng có nguyên tắc mang quan điểm rất mới, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, như không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn này, công tác hỗ trợ DNNVV cũng được chú trọng. Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Hỗ trợ DNNVV (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018). Đây là đạo luật đầu tiên ở nước ta về hỗ trợ DNNVV. Luật được xây dựng và ban hành nhằm thiết lập đồng bộ các chính sách, chương trình hỗ trợ DNNVV trên cơ sở hỗ trợ có chọn lọc; phù hợp mục tiêu, định hướng phát triển, lợi thế cạnh tranh và nguồn lực của đất nước trong từng thời kỳ. Qua đó, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng của DNNVV.

Có thể nói các chính sách về phát triển DN và hỗ trợ DNNVV giai đoạn vừa qua đã được ban hành khá đầy đủ, toàn diện và bước đầu đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Tốc độ tăng doanh nghiệp bình quân giai đoạn 2016-2019 là 14,4%, tăng khoảng 80% so với bình quân giai đoạn 2011-2015; tỉ lệ đóng góp của khu vực kinh tế ngoài nhà nước trong tổng mức đầu tư toàn xã hội liên tục tăng lên từ 36,7% năm 2015 lên 46% năm 2019.

Khâu thực hiện còn quá nhiều rào cản

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì nhiều vấn đề, nhiều mục tiêu vẫn chưa thể hoàn thành. Một trong những mục tiêu của Nghị quyết 35/NQ-CP là đến năm 2020 sẽ có 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có doanh nghiệp quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Đến năm 2020, khu vực tư nhân Việt Nam sẽ đóng góp 48-49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Đề nghị xem xét thực chất cắt giảm các điều kiện kinh doanh - Ảnh 2.

Bên cạnh đó, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp 30-35% GDP; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%; hàng năm có 30-35% doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo.

Trong 6 chỉ tiêu trên, 3 chỉ tiêu về TFP, năng suất lao động và hoạt động đổi mới sáng tạo là đạt và vượt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là những chỉ tiêu quan trọng lại chưa đạt được.

Ước đến tháng 10/2020, cả nước mới chỉ có 795.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Hiện khu vực tư nhân cũng chỉ đóng góp 43% GDP và 46% tổng vốn đầu tư toàn xã hội mà thôi. Do đó, những mục tiêu đề ra ở trên khó có thể hoàn thành khi chỉ còn hơn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2020.

Trước đó, trình bày dự thảo tổng kết 5 năm tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chưa đạt chất lượng, chưa đạt tiến độ, yêu cầu đề ra; thiếu liên thông, chia sẻ kết nối dữ liệu; doanh nghiệp chưa quen với việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến...

Điều này, theo Cục Phát triển doanh nghiệp là do một loạt các nguyên nhân như hệ thống cơ quan, đơn vị đầu mối hỗ trợ DN chưa được hình thành đầy đủ, nhất quán; Hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, hoàn thiện; Chính sách khuyến khích đầu tư còn riêng rẽ manh mún; cơ chế quản lý theo ngành, theo địa bàn với nhiều văn bản khác nhau dẫn đến khó nắm bắt, khó tiếp cận; Chính sách ưu đãi chưa đủ hấp dẫn, chưa quan tâm đúng mức tới nâng cao chất lượng DN (mới thúc đẩy thành lập nhiều DN);

Đáng chú ý là nguyên nhân do DN khu vực tư nhân, DNNVV còn yếu thế trong việc tiếp cận các nguồn lực nhà nước; Nguồn lực dành cho các hoạt động hỗ trợ DN chưa tương xứng với tiềm năng của khu vực này.

Tại báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020, Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhận định, trong thời gian qua, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, thanh tra chuyên ngành được cắt giảm.

Tuy nhiên, theo Ủy ban kinh tế, phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp cho thấy vẫn còn tồn tại khoảng cách giữa chính sách và thực thi, giữa kỳ vọng và yêu cầu thực tiễn.

"Có ý kiến đề nghị xem xét mức độ thực thi của các cấp, các ngành và thực chất của việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; hiệu quả của việc triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tới các doanh nghiệp" - Ủy ban nêu rõ.

Mặt khác, báo cáo cũng nhấn mạnh, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao cho thấy các nỗ lực hỗ trợ của Nhà nước vẫn chưa phát huy hiệu quả cao nhất đối với mọi đối tượng doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp bị tạm dừng hoạt động sẽ khiến số lao động thất nghiệp tăng cao, phát sinh tranh chấp về lợi ích giữa người lao động và doanh nghiệp; nhiều cuộc đình công đã xảy ra, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Không thể phủ nhận, trong năm 2020, năm cuối của giai đoạn 2016-2020, sự xuất hiện của dịch Covid-19 đã khiến không chỉ số lượng doanh nghiệp thành lập mới bị ảnh hưởng, mà số doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, giải thể cũng tăng đột biến. Do dịch, số doanh nghiệp tạm ngừng đăng ký kinh doanh có thời hạn từ đầu năm đến nay tăng gần 82% so với cùng kỳ năm ngoái, gấp 3,7 lần so với mức tăng bình quân của cả giai đoạn 2015-2019.

Mặt khác, với mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động vào năm 2020, thì vào thời điểm năm 2015, cả nước mới có 442.885 doanh nghiệp đang hoạt động, muốn đạt được mục tiêu tốc độ tăng về số doanh nghiệp hoạt động bình quân mỗi năm phải đạt 17,7%. Trong khi thực tế, giai đoạn 2016-2019, tốc độ tăng số doanh nghiệp đang hoạt động chỉ là 14,4%, còn tốc độ tăng số doanh nghiệp thành lập mới chỉ là 10,5% - đều thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng cần đạt được.

Bên cạnh đó, dù Chính phủ đã có những chính sách khuyến khích hộ gia đình chuyển đổi thành doanh nghiệp nhưng số lượng doanh nghiệp đi lên từ hộ gia đình rất khiêm tốn, nguyên nhân được nhiều chủ hộ cho biết là chính sách chưa thực sự hấp dẫn, còn quá nhiều rào cản trên con đường trở thành doanh nghiệp.

Rõ ràng với những rào cản trên, mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 là hoàn toàn không khả thi. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, bao giờ sẽ đạt được mục tiêu này? Những hạn chế, rào cản đã phân tích ở trên, phần lớn đã tồn tại trong nhiều năm qua. Nếu như Chính phủ không tiếp tục rốt ráo thực hiện đồng thời đốc thúc các bộ ngành liên quan, từ trung ương đến địa phương để đẩy mạnh hơn nữa việc gỡ bỏ rào cản, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân phát triển thì không chỉ mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp mà nhiều mục tiêu khác cũng khó hoàn thành.

Đức Minh
Cùng chuyên mục