Đề xuất chia cổ tức và tăng vốn cho ACV

28/12/2022 12:58 GMT+7
Bộ Tài chính đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc chia cổ tức của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Nhu cầu vốn của ACV rất lớn

Qua đó, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận đề xuất của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) và thông qua Nghị quyết của Chính phủ cho phép ACV được chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận sau thuế các năm tài chính từ năm 2019 đến năm 2022.

Nếu đề xuất trên được thông qua, CMSC - cơ quan được giao nắm 95,396% vốn điều lệ tại ACV sẽ tiến hành các thủ tục đầu tư bổ sung vốn nhà nước vào doanh nghiệp đối với cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước tại ACV theo quy định về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Đề xuất chia cổ tức và tăng vốn cho ACV - Ảnh 1.

Dự án sân bay Long Thành đang được triển khai thi công. Ảnh: Thế Anh

Theo đó, vốn điều lệ của ACV sẽ tăng lên tương ứng phần lợi nhuận sau thuế còn lại (khoảng 7.845 tỷ đồng), cổ đông Nhà nước vẫn duy trì tỷ lệ sở hữu tại ACV (Nhà nước không phải đầu tư trực tiếp từ ngân sách nhà nước).

Đồng thời, CMSC chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn nhà nước đầu tư bổ sung vào ACV theo đúng mục đích của phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã đề xuất, đảm bảo hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Trước đó, đầu tháng 4/2022, CMSC có văn bản gửi Thủ tướng trình bày, nhu cầu vốn đầu tư cảng hàng không, sân bay giai đoạn 2021 - 2025 mà ACV cần cân đối để thực hiện là 154.596 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư này được ACV dự kiến bảo đảm từ nguồn vốn tự tích lũy của ACV và nguồn vốn huy động từ bên ngoài.

Kể từ đầu năm 2020, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, kết quả sản xuất - kinh doanh của ACV bị sụt giảm mạnh so với các năm trước. Từ đó, ACV khó đảm bảo tích lũy được nguồn vốn để cân đối thực hiện các dự án đầu tư theo chủ trương, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, dù nhu cầu vốn đầu tư sau khi thực hiện rà soát cắt giảm chỉ còn 113.499 tỷ đồng.

Thế khó của ACV là nếu huy động vốn vay với quy mô lớn, sẽ làm giảm hiệu quả của dự án đầu tư, tăng gánh nặng tài chính tới hoạt động sản xuất - kinh doanh (tăng chi phí tài chính), tác động lớn đến khả năng thanh toán của doanh nghiệp.

Đề xuất chia cổ tức và tăng vốn cho ACV - Ảnh 2.

Sân bay Nội Bài đang hoạt động ổn định. Ảnh: Thế Anh


Việc tăng vốn điều lệ cho ACV là cấp thiết 

Theo ông Lại Xuân Thanh Chủ tịch HĐQT ACV, thời gian tới, khó có thể huy động vốn với mức lãi suất thấp cho việc đầu tư các dự án hạ tầng hàng không như dự kiến trước đây.

"Việc tích lũy tiền mặt là tối quan trọng và là giá trị để huy động vốn, vay vốn ở mức thấp, giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp và năng cao hiệu quả của dự án", ông Thanh nêu.

Phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu của ACV cần phải được sự chấp thuận của Chính phủ là bởi dù đã là công ty đại chúng, nhưng Nhà nước vẫn nắm cổ phần tuyệt đối tại doanh nghiệp này.

Cụ thể, khoản 17, Điều 2 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP quy định về phân phối lợi nhuận đối với doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, sau khi trích lập các quỹ, doanh nghiệp phải thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt.

Để thực hiện đầu tư bổ sung vốn nhà nước vào ACV (bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước hay ACV nộp cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước vào ngân sách. Sau đó thực hiện đầu tư bổ sung vốn cho ACV), thì cần bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm được Quốc hội phê duyệt và thực hiện cấp vốn cho ACV theo trình tự, thủ tục, quy định pháp luật về ngân sách nhà nước.

Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch CMSC cho biết, nếu thực hiện theo quy trình đầu tư bổ sung vốn nhà nước từ ngân sách nhà nước, thì sẽ mất nhiều thời gian.

Trong khi đó, việc tăng vốn điều lệ là cấp thiết để đáp ứng nhu cầu vốn còn thiếu, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ đầu tư, xây dựng các dự án, đặc biệt là dự án trọng điểm quốc gia như Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I, Nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Dự án mở rộng Nhà ga hành khách T2 Cảng hàng không quốc Nội Bài.

Mặc dù đã loại khỏi danh mục khá nhiều dự án, nhưng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2021 - 2023 của ACV vẫn lên tới 66.350 tỷ đồng. Trong bối cảnh nguồn vốn tự tích lũy tối đa chỉ là 42.508 tỷ đồng, ACV dự kiến thiếu hụt khoảng 23.842 tỷ đồng cho riêng giai đoạn 2021 - 2023.


Thế Anh
Cùng chuyên mục