Đề xuất hướng sửa đổi là đổi tên gọi UBND thành Ủy ban hành chính nhằm thể hiện rõ tính chất hành chính của cơ quan hành chính ở địa phương, đảm bảo nền hành chính thống nhất, thông suốt từ T.Ư tới địa phương.
Ngày 30.7, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho chương “Chính quyền địa phương” trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 theo đề xuất của Chính phủ.
Một trong những đề xuất hướng sửa đổi là đổi tên gọi UBND thành Ủy ban hành chính nhằm thể hiện rõ tính chất hành chính của cơ quan hành chính ở địa phương, đảm bảo nền hành chính thống nhất, thông suốt từ T.Ư tới địa phương.
Việc xác định Ủy ban hành chính thay vì UBND thể hiện rõ hơn tính chất, vai trò, chức năng của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, đề cao chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan này.
Quy định này còn tạo sự đồng bộ, tương thích hơn về chế độ làm việc và chế độ trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước từ Chính phủ đến các cấp chính quyền địa phương. Người đứng đầu cơ quan hành chính (Chủ tịch Ủy ban hành chính) phải do HĐND bầu, ở cấp cơ sở, sát với dân nhất có thể do nhân dân địa phương trực tiếp bầu.
Về HĐND, Điều 119 Hiến pháp quy định HĐND là “cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương”. Theo các ý kiến, chính quy định này đã tạo ra sự nhận thức không thống nhất và chưa chuẩn xác về tính chất, địa vị pháp lý của HĐND. Ở T.Ư và mỗi địa phương, không phải chỉ có các cơ quan đại diện nhân dân mới là cơ quan quyền lực nhà nước, mà các cơ quan hành chính, tư pháp khác đều là cơ quan quyền lực nhà nước.
Các ý kiến tại hội thảo cũng chỉ ra sự bất cập của quy định trên dẫn tới mối quan hệ giữa Chính phủ và HĐND trở nên lỏng lẻo, làm cho nền hành chính quản lý không thông suốt. Trách nhiệm của Chính phủ với chính quyền địa phương không rõ ràng.
Việc sửa đổi được đề xuất theo hướng: Xác định HĐND là cơ quan đại diện của nhân dân địa phương (do nhân dân địa phương bầu), trách nhiệm của cơ quan này trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Về chức năng, HĐND là cơ quan ban hành các biện pháp để bảo đảm thi hành pháp luật trong phạm vi địa phương; Quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, quyết định ngân sách địa phương và giám sát hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước địa phương. Đây là cơ sở đảm bảo cho nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Lương Kết (Lương Kết)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.