Theo Dự thảo đề xuất của Chính phủ, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế được nâng từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng và cho người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng thay cho mức 3,6 triệu đồng so với hiện nay. Dự kiến mức giảm trừ mới sẽ được áp dụng luôn cho kỳ tính thuế năm 2020.
Mức giảm trừ quá thấp
Tuy nhiên, một số người dân cho rằng mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) 11 triệu đồng quá thấp, chưa phù hợp với cuộc sống hiện tại. Trao đổi với Dân Việt về vấn đề này anh Trần Văn Hùng, nhân viên của một ngân hàng tỏ ra ngao ngán khi cho rằng, Bộ Tài chính thống kê chỉ số CPI cuối tháng 12/2019 so với 1/7/2013 tăng 23,2%, nhưng mức tăng thực tế trên thị trường lớn hơn nhiều lần.
Anh Hùng lấy ví dụ, trước đây chỉ cần 200.000 đồng tiền chợ/ngày, nhưng nay nếu tiết kiệm phải lên hơn 300.000 đồng. Không chỉ vậy, tiền điện, nước cũng tăng theo. Ngay cả tiền đổ rác trước đây 25.000 đồng/tháng nay cũng vọt lên 50.000 đồng, tức tăng gấp đôi.
Tương tự, chị Đinh Thị Giang (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, mức giảm trừ 4.4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc thật sự có vấn đề. Những người phụ thuộc như con cái, cha mẹ già cả, người mất khả năng lao động thường có chi phí cao hơn người lao động.
"Đối với trẻ em thì tiền học phí, thực phẩm, bỉm sữa... người già sức yếu thường khó trăm bề trong đó rõ nhất là dịch vụ y tế đã tăng chóng mặt, chỉ cần 1 lần đi viện là đi tong cả vài tháng lương của các con", chị Giang cho hay. Chị Giang đề nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân là 15 triệu đồng/tháng và giảm trừ người phụ thuộc là 6 triệu/người mới phù hợp với thực tế hiện tại.
Chị Tạ Thị Hòa (nhân viên ngân hàng ở Hà Nội) cho biết, bản thân chị ủng hộ đề xuất cần nâng mức GTGC cho người nộp thuế lên cao hơn 11 triệu đồng/tháng. Chị Hòa cho rằng, Chính phủ nên tăng mức GTGC cho người phụ thuộc lên 6 triệu đồng/tháng. Theo chị, mức GTGC cho người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng như Bộ Tài chính đề xuất không đủ chi phí ăn học cho một đứa trẻ.
"Chỉ riêng tiền học tiếng Anh, học phụ đạo ở trường cho con gái 14 tuổi của tôi cũng đã tốn hơn 2 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền ăn và các chi phí khác 3,5 - 4 triệu đồng/tháng. Do đó, mức GTGC cho người phụ thuộc chỉ có 4,4 triệu đồng/tháng đã trở nên lỗi thời với thực tế hiện nay. Còn nếu Bộ Tài chính không thể tăng thêm thì nên kiểm soát giá cả như điện, nước, thực phẩm và học phí gắt gao hơn", chị Hòa nói.
Không nên cào bằng trên toàn quốc
Trong khi đó anh Trần Ngọc Cảnh (Cầu Giấy, Hà Nội) thì cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh không nên cào bằng trên toàn quốc. Bởi chi phí để đảm bảo đời sống giữa người ở các thành phố trực thuộc Trung ương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… luôn cao hơn khu vực nông thôn và miền núi. Lấy ví dụ như ở Hà Nội, mọi dịch vụ hầu như có giá cao hơn các khu vực lân cận. Vì vậy, theo anh Cảnh, Bộ Tài chính cần đưa ra nhiều mức giảm trừ gia cảnh khác nhau, ít ra cũng phải phân theo khu vực nông thôn, thành thị.
Bà Phan Tường Vân (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng bày tỏ quan điểm, mức giảm trừ gia cảnh theo dự thảo là chưa phù hợp. Theo bà, thay vì quy định cứng mức giảm trừ gia cảnh như hiện nay thì nên quy định hệ số nhân mức lương cơ sở để khi lương cơ sở điều chỉnh tăng, mức giảm trừ gia cảnh cũng tăng theo. Bà Vân đề xuất, mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế nên bằng 10 lần lương cơ sở, còn mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 4 đến 5 lần lương cơ sở...
Nên miễn thuế TNCN 6 tháng
Anh Nguyễn Quốc Triều, nhân viên một công ty tư nhân tại TP. Hà Nội cho biết, dù thâm niên tăng nhưng mức lương của anh so với năm 2013 không tăng, thậm chí còn giảm trong khi giá cả cứ tăng vù vù. Đặc biệt là sau đợt dịch này, thu nhập giảm, mỗi tháng nhìn bảng lương anh lại đau đầu vì lương đã ít lại hao hụt vì bị trừ thuế thu nhập cá nhân.
"Mang tiếng bị trừ thuế, mọi người nghĩ là thu nhập cao nhưng thực tế chỉ đủ sống. Dịch Covid-19 đang ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống. Chính phủ cũng đang yêu cầu các bộ ngành kiến nghị các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Nhưng những người lao động như chúng tôi cũng rất cần được "giải cứu". "Tôi cho rằng để tạo điều kiện cho người lao động ổn định cuộc sống, pháp luật cần quy định chính sách miễn thuế TNCN cho người lao động với thời gian ít nhất 6 tháng năm 2020"
Tương tự, trao đổi với báo chí, anh Trung Nhân (Q.7, TP.HCM) cho biết: "Năm trước kinh tế còn tốt, chưa xảy ra dịch bệnh, còn năm nay tôi đã bị giảm thu nhập, khó khăn hơn trước nhưng hằng tháng đều bị giữ lại một khoản thu nhập. Tất nhiên cuối năm khi tổng hợp để quyết toán có thể tôi sẽ được hoàn thuế nhưng như vậy cũng có nghĩa thu nhập của tôi bị "chiếm dụng" trong suốt một năm. Lúc này chúng tôi lại đang rất khó khăn" - anh Trung Nhân nói.
Do đó, theo anh Trung Nhân, Nhà nước nên có chính sách miễn thuế TNCN 6 tháng đầu năm 2020 - cũng là thời điểm xảy ra dịch Covid-19, để hỗ trợ người làm công ăn lương. "Đó cũng chính là cách nuôi dưỡng nguồn thu" - anh Trung Nhân kiến nghị.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.