Trong phiên thảo luận chiều nay, ngày 17.10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự án xây dựng 1.372 km cao tốc Bắc – Nam.
80.000 tỷ đồng là số tiền quá lớn
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc nghiên cứu phương án xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT sớm hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để trình Hội đồng thẩm định Nhà nước, Thủ tướng thông qua trong năm 2017. Dự án cũng được xem xét, trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến và trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư vào năm 2018.
Đề nghị Quốc hội nghiên cứu có gói riêng để có thể đầu tư trước một số đoạn, từ nay đến 2022 hoàn thành gần 1.400km đường cao tốc Bắc – Nam
Về dự án này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng, đây là dự án có quy mô rất lớn, tác động đến nhiều vùng, miền. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến thẩm tra cho rằng, trong bối cảnh nguồn vốn hạn hẹp, việc đầu tư tuyến đường này cần tính toán trên cơ sở nguồn lực thực tế.
"Với dự án lớn như đường cao tốc Bắc Nam, Chính phủ cần trình Quốc hội xem xét quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư", Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng với kế hoạch sử dụng 80.000 tỷ đồng từ ngân sách để xây dựng hơn 1.300 km cao tốc Bắc – Nam theo đề xuất của Chính phủ trong kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư trung hạn 2016 – 2020 là số tiền lớn.
Từ kinh nghiệm việc thực hiện xây dựng cao tốc Quốc lộ 1 và 14 đạt hiệu quả rất cao khi đã có chủ trương của Quốc hội, ông Hiển nhấn mạnh, đề án này cần đưa ra trình Quốc hội xem xét, quyết định để tập trung nguồn lực.
Xin “gói riêng” cho dự án
Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường giải thích giai đoạn từ nay đến 2020 và sau 2020, yêu cầu phát triển giao thông là rất lớn, đặc biệt về đường bộ.
Theo ông Trường, nếu không đầu tư đường cao tốc Bắc – Nam từ bây giờ thì sẽ khó khăn cho 5 năm sau, bởi vì QL1 với tốc độ khai thác như hiện nay sẽ hư hỏng bởi lưu lượng quá cao, lưu lượng xe quá tải lớn. Vì vậy, xây dựng kế hoạch trung hạn cho phát triển giao thông vận tải là hết sức cần thiết.
“Để đạt được tốc độ vận chuyển bình quân, giao thông từ nay đến 2020 cần đến 950.000 tỷ đồng cho đầu tư giao thông. Tuy nhiên qua báo cáo, chỉ cân đối được trên 200.000 tỷ đồng, chỉ được ¼ số vốn… Chúng tôi cho rằng nếu có tiền đầu tư vào chỗ nào cũng đúng cả, không thể nói dàn trải vì chỗ nào cũng rất cần đường giao thông”, ông Trường phân tích.
Ông Trường cho biết thêm trong đầu tư sắp tới, tập trung vốn ngân sách Nhà nước, khả năng cân đối cho ODA bên ngoài cần khoảng 72.000 tỷ đồng, nếu không có nguồn vốn đối ứng này, chúng ta sẽ thiếu hụt nguồn vốn rất lớn.
“Vì ngân sách khó khăn, nếu lấy vốn trung hạn ra khoảng 70.000 tỷ đồng làm đường cao tốc, khiến các công trình khác sẽ phải hoãn thì rất khó khăn. Đề nghị Quốc hội nghiên cứu đối với đường cao tốc thì có gói riêng để có thể đầu tư trước một số đoạn, từ nay đến 2022 hoàn thành gần 1.400km đường cao tốc Bắc – Nam. Chúng ta cố gắng hoàn thành trong 5-7 năm cũng là 1 kỳ tích, vì công suất của đường cao tốc rất lớn, gấp 4-5 lần công suất đầu tư của tuyến đường bình thường”. ông Trường đề xuất.
Tuy nhiên, đề xuất này đã không nhận được sự đồng thuận của thành viên của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Bà Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội, cho rằng qua nhiều kỳ Quốc hội, hầu hết các đại biểu Quốc hội đều cho rằng những dự án mang tầm quốc gia thì phải Quốc hội thông qua, không để chia nhỏ dự án, khó quản lý.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.