Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, tính đến ngày 12/5/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang xảy ra tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là trên 1,22 triệu con (chiếm khoảng trên 4% tổng đàn lợn của cả nước).
Người dân rắc vôi bột khử trùng tại một ổ dịch ở Bình Phước.
Tuy nhiên, thời gian qua đã có 29 xã thuộc 12 tỉnh, thành phố có dịch bệnh đã qua 30 ngày, sau đó lại phát sinh lợn bệnh ở các hộ chăn nuôi khác trong cùng xã.
Bên cạnh đó, đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế và 55 xã thuộc 36 huyện của 16 tỉnh, thành phố khác đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh.
Do bệnh DTLCP là bệnh rất nguy hiểm, hiện chưa có thuốc điều trị, chưa vắc xin phòng bệnh; vi rút có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường và có sức đề kháng rất cao, đường lây truyền rất đa dạng, khó kiểm soát; dịch bệnh còn diễn biến phức tạp tại nhiều nước, đặc biệt tại các nước có chung đường biên giới với nước ta,trong khi các hoạt động thương mại, du lịch đa dạng, khó kiểm soát, nên việc ngăn chặn dịch bệnh từ các nước vào Việt Nam còn nhiều khó khăn thách thức.
Chăn nuôi hộ gia đình, nhỏ lẻ ở nước ta còn trên 2,5 triệu hộ chăn nuôi lợn, mật độ chăn nuôi rất cao, đan xen trong các khu dân cư, nhất là tại các địa phương thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng, do vậy việc thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, ngăn chặn các yếu tố làm lan truyền bệnh mầm bệnh như chuột, gián và các loại côn trùng khác,.... để cắt đứt các nguồn lây nhiễm là rất khó, đồng thời còn nhiều khó khăn, tồn tại bất cập nêu trên; mặt khác diễn biến thời tiết hiện nay rất phù hợp cho dịch bệnh lây lan ở các vùng miền của cả nước.
Tiêu hủy lợn trôi nổi trên sông tại Bắc Giang.
Do vậy, trong thời gian tới nguy cơ bệnh DTLCP lây lan rất cao, diễn biến rất phức tạp, bệnh có khả năng lây lan sang các địa phương chưa có dịch; tại nhiều địa phương đã qua 30 ngày nhưng dịch bệnh lại tái phát; đặc biệt nguy hiểm hơn là bệnh có khả năng xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, gây hậu quả khó lường.
Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo đã nêu ra một số biện pháp gấp, đối với các địa phương, cần: Huy động các lực lượng của địa phương (kể cả lực lượng công an, quân đội, dân quân,…) để tổ chức tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết kịp thời, triệt để trong vòng 24 giờtheo đúng quy định; thực hiện tốt việc vệ sinh, sát trùng bằng thuốc và vôi bột, nhất là tại các hộ chăn nuôi có lợn bệnh, khu vực xung quanh và trong quá trình xử lý ổ dịch; tránh tình trạng để lâu, vứt xác lợn ra môi trường làm ô nhiễm, lây lan dịch bệnh.
Đối với các địa phương có bệnh DTLCP, xem xét việc thành lập các trạm, chốt kiểm dịch để kiểm soát vận chuyển động vật nội tỉnh, ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Kịp thời hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy, bảo đảm công khai, minh bạch để người dân yên tâm thực hiện các biện pháp chống dịch; bố trí kinh phí trả thù lao phù hợp cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch bệnh.
Củng cố và tăng cường năng lực của hệ thống thú y các cấp để tổ chức triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.
Hướng dẫn, hỗ trợ người chăn nuôi, doanh nghiệp đẩy mạnh xây dựng các vùng chăn nuôi, chuỗi sản xuất thịt lợn an toàn dịch bệnh, áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, an toàn sinh học.
Thành lập các Đoàn công tác do các thành viên của Ban Chỉ đạo quốc gia đến từng tỉnh, thành phố để chỉ đạo tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.