Đề xuất lập "chợ tôm", tìm kế sách chấm dứt Mỹ kiện bán phá giá

Nguyên Vỹ Thứ năm, ngày 14/06/2018 13:00 PM (GMT+7)
Trong tình hình sản xuất, tiêu thụ tôm khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp có thể nghiên cứu mô hình “chợ tôm” của các nước, chọn vị trí, cách thức vận hành… để chủ động hơn trong việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm thủy sản này.
Bình luận 0

Tại Hội nghị toàn thể hội viên 2018 của Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) diễn ra hôm qua, nhiều vấn đề “nhức nhối” của ngành này đã được các đại biểu đề cập.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, cho rằng hiện nay, đang có tình trạng doanh nghiệp kinh doanh thủy sản trong nước tự hạ giá để chào bán sản phẩm. Giá thấp, doanh nghiệp bắt buộc phải hạ chất lượng theo giá dẫn tới ảnh hưởng uy tín chung của cả ngành. Hơn nữa, các thông tin doanh nghiệp trong nước hạ giá bán được doanh nghiệp nước ngoài góp ý, lan truyền trong giới thủy sản.

img

Đang có tình trạng doanh nghiệp trong nước tự hạ giá để chào bán sản phẩm thủy sản?

Để hạn chế tình trạng này, bà Minh đề xuất các doanh nghiệp phải liên kết chặt chẽ hơn nữa trong hoạt động kinh doanh, đặc biệt không để xảy ra tình trạng phá giá, hạ thấp tiêu chuẩn chất lượng.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên tham khảo các mô hình Sàn giao dịch tôm của các nước, hay còn gọi nôm na là chợ tôm, từ đó chọn địa điểm, cách thức vận hành hợp lý để áp dụng vào Việt Nam. Doanh nghiệp cũng cần đẩy nhanh việc tiếp cận các xu hướng công nghệ chế biến sản phẩm thủy sản của thế giới để cải thiện tình hình sản xuất trong nước.  

Về vấn đề thành lập “chợ tôm”, nhiều ý kiến cho rằng, đã từng có mô hình này tại TP.HCM, là Trung tâm Giao dịch Thủy sản Cần Giờ, hay còn gọi là chợ tôm Cần Giờ, được thành lập vào giữa năm 2002. Tuy nhiên, mô hình này sau đó bộc lộ nhiều điểm yếu và không phát triển mạnh cho đến nay.

Nhận định về tình hình tiêu thụ thủy sản Việt Nam năm 2018, VASEP cho rằng đang có nhiều yếu tố tác động không tích cực đến xuất khẩu thủy sản như Chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ, thuế chống bán phá giá cả tôm và cá tra đều tăng, thẻ vàng IUU ở Châu Âu và các vấn đề khác như nguồn nguyên liệu không ổn định, vấn đề tôm tạp chất, kháng sinh…

Riêng đối với mặt hàng tôm, mặc dù thị trường Úc đã nới lỏng lệnh cấm nhập khẩu tôm tuy nhiên các quy định khắt khe về kiểm dịch đã giới hạn lượng tôm xuất khẩu một cách đáng kể vào thị trường này. Hình ảnh tôm tại thị trường châu Âu cũng không được cải thiện bởi thông tin xấu về hình ảnh bơm chích, đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu. Việc Mỹ áp dụng cả chương trình SIMP lên sản phẩm tôm cũng trở thành rào cản đáng lo ngại bên cạnh việc bị áp thuế chống bán phá giá.

img

Năm 2018, sản xuất, xuất khẩu tôm Việt Nam phải đối diện rất nhiều rào cản khó khăn.

Để nâng cao chất lượng và cải thiện hình ảnh sản phẩm tôm Việt Nam trên thị trường thế giới, VASEP đã đề nghị các doanh nghiệp tái cam kết chương trình Doanh nghiệp nói không với tôm tạp chất của Hiệp hội theo chỉ thị của Thủ tướng và chủ trương của Bộ NNPTNT, tổ chức cuộc họp các doanh nghiệp để giới thiệu về chương trình SIMP của Mỹ để các doanh nghiệp nắm rõ thông tin và chủ động hơn trong hoạt động nuôi trồng, xuất khẩu.

Vụ kiện chống bán phá giá tôm và cá tra tại thị trường Mỹ đã đi đến giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13), nhưng các vụ kiện này chưa có dấu hiệu khởi sắc, mà ngày càng có nhiều chi tiết bất ngờ, gây nhiều bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Các doanh nghiệp đang tiếp tục tham gia hệ thống lại thông tin cho kỳ POR13 (giai đoạn 1.2.2017 - 31.1.2018). Bên cạnh đó các doanh nghiệp cũng đã cùng hiệp hội nghiên cứu tìm chiến lược tốt nhất để có thể chấm dứt các vụ kiện liên quan đến con tôm tại Mỹ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem