Đề xuất tăng cao mức xử phạt vi phạm trong giao thông

BBĐ - Vinh Hải (ghi) Thứ sáu, ngày 11/09/2015 08:00 AM (GMT+7)
Dự thảo nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông thay thế cho Nghị định 171, 107 đã tăng nặng mức xử phạt đối với 7 nhóm hành vi vi phạm.
Bình luận 0

Theo đó, các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, nhóm hành vi vi phạm trên đường cao tốc, nhóm hành vi chở khách, chở người vi phạm quy định về vận tải đường bộ, nhóm hành vi vi phạm quy định về vận tải đường bộ (trong đó có hành vi chở quá tải trọng)… đều có những thay đổi đáng kể. Như đối với hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, đối với người đi ô tô tăng từ 7 - 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe (GPLX) 2 tháng lên thành 8 - 12 triệu đồng, tước GPLX từ 4 - 6 tháng đối với người có nồng độ cồn vượt quá 50 - 80mg/100ml máu. Mức phạt cao nhất đối với người đi ô tô là tước GPLX 10 - 12 tháng, phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng thay vì mức 10 - 15 triệu đồng, tước GPLX 2 tháng như trước đây. Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy cũng bị tăng mức phạt gấp đôi hiện nay.

img

Cảnh sát giao thông tỉnh Quảng Ninh kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển ôtô

Hay như hành vi đi xe máy vào đường cao tốc, mức xử phạt tăng gấp 10 lần. Người điều khiển mô tô, xe máy đi vào đường cao tốc sẽ bị xử phạt 2 – 3 triệu đồng thay mức 200.000 – 400.000 đồng đang áp dụng. Hành vi chở quá tải trên 150%, mức phạt tăng từ 7 – 8 triệu đồng, tước GPLX lái xe 3 tháng lên 14 – 16 triệu đồng, tước GPLX 3 – 5 tháng. 

Xe gắn máy, mô tô đi vào đường cao tốc không những vi phạm pháp luật, mà còn tiềm ẩn hiểm họa khó lường. Tuy nhiên theo quy định hiện hành, người điều khiển mô tô, xe gắn máy đi vào đường cao tốc chỉ bị phạt 200.000 - 400.000 đồng là quá nhẹ.

Chế tài này không đủ sức răn đe, thậm chí dẫn đến nhờn. Do đó tăng mức xử phạt gấp 10 lần về hành vi này là cần thiết. Theo tôi, thay vì tước quyền sử dụng GPLX 2 tháng nếu gây tai nạn thì nên tước quyền sử dụng GPLX vô thời hạn ngay cả khi không gây tai nạn.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo (Công ty Luật Đức An, Hà Nội)

Có lần đang lái xe ô tô, tôi bị hai thanh niên đi xe máy đâm vào làm vỡ gương, kính và cánh cửa xe bẹp dúm. Còn hai thanh nhiên văng xa hàng chục mét, bất tỉnh, máu me bê bết, toàn mùi rượu. Uống rượu bia điều khiển phương tiện giao thông không những nguy hiểm cho mình mà còn gây vạ cho người khác.

Bởi vậy việc nâng mức phạt cho người điều khiển ô tô, mô tô, xe máy vi phạm nồng độ cồn và áp dụng hình thức tước GPLX nêu ra trong dự thảo là hợp lý, có tác dụng tốt trong việc ngăn ngừa vi phạm của lái xe.

Nguyễn Văn Tài (Đồn Biên phòng Quất Lâm, Giao Thủy, Nam Định)

Uống rượu bia mà điều khiển phương tiện giao thông sẽ không chỉ không kiểm soát được mình mà còn gây nguy hiểm cho người khác. Đây là nguyên nhân  chiếm tỷ lệ cao trong các vụ tai nạn giao thông. Bởi vậy mức xử phạt như dự thảo nghị định về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông là hợp lý.

Nhưng  theo tôi, người lái xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức 3 mà chỉ tước GPLX 10 - 12 tháng là quá nhẹ, nhất là với lái xe khách, phía sau họ là tính mạng của nhiều người. Do đó trong trường hợp này cần tước hẳn GPLX.

Trần Thiện Phúc (Trảng Bom, Đồng Nai)

Tai nạn giao thông và hiểm họa từ việc vi phạm luật giao thông đang là mối đe dọa khủng khiếp đối với người dân. Theo tôi, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là mức xử phạt còn quá nhẹ. Do đó tăng mức xử phạt sẽ có tác dụng tốt để răn đe, phòng ngừa vi phạm. Đặc biệt cần phải xử lý mạnh tay hơn nữa trường hợp xe khách chở quá số người quy định, có như vậy mới tránh được việc nhồi nhét khách và tai nạn giao thông như vẫn thường xảy ra.

Nguyễn Văn Hải (Hải Dương)

Nâng mức xử phạt đối với người vi phạm Luật Giao thông là rất cần thiết. Nhưng điều cần thiết hơn là làm sao luật đưa ra được thực hiện nghiêm. Chủ nhật vừa qua, tôi đi xe Quất Lâm – Hà Nội, nhà xe nhồi nhét có dễ đến bảy tám chục người, người nọ đè lên người kia đến nghẹt thở. Vậy mà qua mỗi trạm công an, phụ xe trong tay cầm quyển sổ, kẹp tiền vào đó, nhảy xuống gặp cảnh sát chưa đầy một phút là xe lại tiếp tục lăn bánh. Như vậy luật đưa ra phạt nặng mấy cũng bằng không!

Trung Nghĩa (Hoàng Mai, Hà Nội)

Theo tôi, tăng mức xử phạt bằng tiền như trong dự thảo khó có thể nói là đủ hay không. Bởi về vấn đề tài chính còn liên quan đến việc chi trả của người dân, người giàu dễ trả, còn người nghèo rất khó thu. Vì vậy, bên cạnh đó cần những hình thức xử phạt bổ sung. Ví dụ như đối với hành vi chở quá tải, tôi vẫn đề nghị phải hình sự hóa. Đây là hành vi phá hoại tài sản quốc gia. Ở Thái Lan từ 10 – 15 năm trước người ta đã thực hiện như vậy. Bây giờ, ở ta chỉ cần chở quá tải 150% mà có thể xử lý hình sự thì tình hình sẽ ổn định ngay. Quan trọng là cơ quan không nên nghĩ rằng chỉ xử phạt tiền là xong, cần thiết phải có chế tài bổ sung mới ổn định được trật tự.

Ông Nguyễn Văn Thanh –Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem