Đêm chạy lũ của người Việt ở Lào

Thứ bảy, ngày 28/07/2018 00:00 AM (GMT+7)
Bấu víu chồng con, chị Thoa khóc sướt mướt, lần mò lên tầng lầu nhà hàng xóm trốn dòng nước cuồn cuộn không ngừng dâng lên.
Bình luận 0

Ngày 27.7, sau nhiều giờ vượt gần 50 km đường lầy lội, Hội người Việt tại tỉnh Attapeu cùng Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Pakse Đoàn Văn Hiếu đến tiệm tạp hoá ở bản May, huyện Sanamxay, thăm 4 gia đình vừa thoát khỏi trận "đại hồng thủy" do vỡ đập thủy điện Xe Pian - Xe Namnoy.

"Cả đời tôi chưa từng thấy cảnh tượng kinh hoàng như thế", chị Vy Thị Thoa (37 tuổi) cho biết.

Tối 23.7 mưa lớn, nước ngập nền các căn nhà ở bản May, cách đập thủy điện hơn 30 km. Khoảng hơn 20h nhận được điện thoại của bạn thông báo vỡ đê, vợ chồng chị Thoa vội vàng thu dọn cửa hàng tạp hoá mà không để ý mực nước ngày càng dâng cao.

img

Ông Hiếu (bìa phải) thăm hỏi gia đình chị Thoa. Ảnh: Thành Nguyễn

"Chúng tôi không nghĩ sự việc sẽ nghiêm trọng. Chỉ một lúc sau nước đã lên đến đầu gối và bắt đầu cuộn trào, dâng rất nhanh. Vợ chồng tôi quýnh quáng dắt hai con chạy sang căn nhà hai tầng của hàng xóm người Lào cách đó mấy chục mét", chị kể.

Cảnh tượng tại đây rất hỗn loạn, bởi có vài hộ xung quanh cũng chạy lại tá túc vì là nơi cao nhất. Nước tiếp tục cuồn cuộn dâng, trong chốc lát đã nhấn chìm cả bản May. Tất cả hơn chục người cùng chạy lên tầng cao nhất nhưng nước vẫn đuổi theo. Họ phải mò mẫm trong bóng tối, đục cả la phông để leo lên mái nhà.

Nắm tay chồng kéo lên, chị Thoa khóc thét. Nước đã dâng cao khoảng 10 m, cửa hàng tạp hóa của vợ chồng chị và những mái nhà khác xung quanh chìm nghỉm, hoặc ngả nghiêng trong dòng lũ xiết. Cả đêm bám trên nóc nhà, gần chục người chỉ biết cầu nguyện được bình an.

"Đã có lúc tưởng nước sẽ dâng, cuốn luôn chúng tôi rồi. Mãi đến trưa hôm sau mọi người mới được thuyền đến cứu. Thôi như thế cũng còn may, chứ nghe tin mấy chục người ở các bản khác không chạy kịp phải tử vong, mất tích mà xót xa quá", chị Thoa nói.

img

Anh Biền kể lại phút dòng nước ùn ùn cuốn toàn bộ tài sản. Ảnh: Thành Nguyễn

Sống gần đó, toàn bộ tài sản và đồ đạc của gia đình anh Trần Văn Biền (47 tuổi, quê Ninh Bình) tích cóp được bằng nghề sát gạo đã bị cuốn hết trong đêm đập vỡ. Ở đây 4 năm, từng chịu cảnh ngập lụt khi đập xả nước nên anh khá chủ quan với thông báo vỡ đập.

Lúc đó vợ chồng anh và đứa con 5 tuổi đang ăn tối thì dòng lũ ập đến, cuốn nhiều đồ đạc. Anh Biền chỉ kịp hô hoán, dắt tay vợ, ôm con lội sang căn nhà hai tầng mà chị Thoa và nhiều người tá túc.

"Người khoẻ leo lên mái trước rồi kéo người yếu. Thấy vợ con và hàng xóm đều ở bên cạnh tôi cũng yên tâm một phần, còn lại chỉ mong trời đất phù hộ để dòng nước ngừng dâng lên", anh Biền nói.

Ánh mắt bần thần trên gương mặt sạm đen, giọng người đàn ông buồn rượi khi nhắc đến cảnh trắng tay sau cơn lũ. Giống như những hộ khác, gia đình anh Biền đang phải tá túc nhà người quen, chờ nước rút mới về nhà tìm kiếm những gì còn sót lại. Chính quyền huyện Sanamxay bước đầu đã hỗ trợ các gia đình bị nạn ít lương thực, quần áo.

img

Các bản làng ở huyện Sanamxay vẫn ngập trong bùn lầy. Ảnh: Thành Nguyễn

Ông Đoàn Văn Hiếu, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Pakse (phụ trách 4 tỉnh Nam Lào) cho biết, có hơn 100 hộ, với khoảng 1.000 người Việt ở tỉnh Attapeu. Ngoài bản May, người Việt còn sống ở nhiều bản khác nhưng đều an toàn sau cơn lũ. Cơ quan đại diện của người Việt tại Lào đã kêu gọi doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức những đợt quyên góp.

Ông Hiếu cho rằng, việc cần thiết nhất hiện nay là đảm bảo cho người dân về lương thực, thuốc men... Sau đó tùy theo nguyện vọng của mọi người, cơ quan đại diện Việt Nam sẽ để phản ánh với nước bạn Lào, giúp bà con sớm ổn định cuộc sống.

Bùn đất ngập sâu ở nơi cách đập thủy điện vỡ 30 km.

Đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy bị vỡ đêm 23.7. Lượng nước khổng lồ đổ xuống hạ lưu khiến 5 bản bị ảnh hưởng, khoảng 3.000 người rơi vào cảnh mất nhà cửa. Số liệu của Chính phủ Lào cho hay ít nhất 27 người chết và 131 người mất tích.

Công tác cứu hộ ở Attapeu đang kéo dài sang ngày thứ tư giữa thời tiết bất lợi. Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Lào Khammany Inthirath cho biết chính phủ đã thành lập một ủy ban đặc biệt điều tra nguyên nhân vỡ đập và các nhà phát triển dự án này sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân.

Chiều 26.7, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung trao cho Đại sứ Lào tại Việt Nam Thongsavanh Phomvihane 200.000 USD (hơn 4,6 tỷ VNĐ) để hỗ trợ khắc phục sự cố vỡ đập thủy điện. Bộ Quốc phòng cũng cử 1.000 cán bộ, chiến sĩ sang cứu trợ giúp nước bạn.

Quốc Thắng - Thành Nguyễn (từ Attapue, Lào) (VNE)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem