Đến 11/5 đã có hơn 1,12 triệu tỷ đồng dư nợ được miễn, giảm lãi suất

23/05/2020 06:57 GMT+7
Hơn 1,12 triệu tỷ đồng dư nợ được miễn, giảm lãi suất tính đến ngày 11/5. Tuy nhiên, Ngân hàng nhà nước (NHNN) vẫn nhận được một số kiến nghị, phản ánh về việc tiếp cận các chính sách tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp. NHNN sẽ làm việc tại 14 tỉnh, thành để xử lý vướng mắc phát sinh trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã tác động đến mọi mặt kinh tế, xã hội, đời sống của người dân. NHNN dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngay sau khi bắt đầu có dịch, ngành Ngân hàng đã chủ động nắm bắt, dự báo tình hình, triển khai các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Đến 11/5 đã có hơn 1,12 triệu tỷ đồng dư nợ được miễn, giảm lãi suất

Theo đó, NHNN đã kịp thời xây dựng khuôn khổ pháp lý bằng việc ban hành ngay Thông tư 01/2020/TT-NHNN (Thông tư 01) và Chỉ thị 02/CT-NHNN (Chỉ thị 02) vào đầu tháng 3/2020 để các TCTD triển khai việc gia hạn các khoản nợ gốc và lãi đến hạn, miễn giảm lãi, phí và tiếp tục cho vay mới đối với những dự án, doanh nghiệp cần vốn để duy trì và phục hồi trong thời điểm cao trào chống dịch. 

Đồng thời, phát triển mạnh các dịch vụ thanh toán trực tuyến, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ sinh hoạt của người dân trong giai đoạn giãn cách xã hội; miễn, giảm phí thanh toán kể cả của NHNN và TCTD nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trên quy mô lớn, với số tiền trên 1 nghìn tỷ đồng. Cho vay tái cấp vốn 16 nghìn tỷ đồng từ NHNN để NHCSXH có nguồn vốn cho vay đơn vị để trả lương cho người lao động bị ngừng việc với lãi suất 0%, không cần tài sản bảo đảm theo đúng tinh thần Nghị quyết số 42/NQ-CP (Nghị quyết 42) của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg (Quyết định 15) của Thủ tướng Chính phủ.

Kết quả, theo số liệu mới nhất từ Vụ tín dụng các ngành kinh tế NHNN, đến 11/5/2020, các tổ chức tín dụng trong hệ thống đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 215.136 khách hàng với dư nợ 137.937 tỷ đồng, miễn, giảm lãi suất cho 322.189 khách hàng với dư nợ 1.127.800 tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 659.172 tỷ đồng cho 188.677 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 – 2,5% so với trước dịch. Trong đó riêng Ngân hàng chính sách xã hội đã gia hạn nợ 3.652,4 tỷ đồng cho 142.909 khách hàng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ 1.567,6 tỷ đồng cho 75.209 khách hàng, cho vay mới 519.342 khách hàng với dư nợ 21.208,3 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, NHNN cũng triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về thanh toán không dùng tiền mặt, miễn giảm, phí giao dịch thanh toán và phát triển công nghệ, dịch vụ ngân hàng. Đến nay đã có 63% giao dịch thanh toán của khách hàng qua liên ngân hàng 24/7 qua Napas được miễn hoặc giảm phí với tổng số tiền phí TCTD đã miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 là khoảng 1.004 tỷ đồng. Dự kiến đến hết năm 2020, số thu phí dịch vụ thanh toán của NHNN giảm khoảng 285 tỷ đồng để hỗ trợ TCTD tiếp tục giảm phí dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp.

Bà Phạm Thị Hồng Thuỷ - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc ghi nhận, ngành Ngân hàng đã vào cuộc sớm nhất, nhanh nhất, kịp thời và rất trách nhiệm. Hơn hết, ngân hàng thấu hiểu những khó khăn, vướng mắc về vốn tín dụng của doanh nghiệp, vì vậy những giải pháp đưa ra rất phù hợp, đã tháo gỡ được nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Những chính sách của NHNN được cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng, kỳ vọng.

Ông Nguyễn Văn Biện – Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Trường Biện chia sẻ, tình hình khó khăn của dịch Covid ảnh hưởng rất lớn đến công ty. Nguyên vật liệu sản xuất thiếu, nhập khẩu khan hiếm, thiếu chuyên gia…Với bối cảnh đó, ngân hàng đã có những hỗ trợ rất cần thiết, kịp thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp có dòng tiền mới để khôi phục sản xuất.

Đại diện Công ty cổ phần xây dựng Long Quân chia sẻ, Công ty chúng tôi đa ngành nghề, sản xuất vật liệu xây dựng. Do ảnh hưởng của dịch Covid nên cũng rất khó khăn. Chúng tôi được ngân hàng quan tâm, tháo gỡ khó khăn, doanh nghiệp rất phấn khởi. Chúng tôi đã hoạt động được 20 năm, suy thoái kinh tế năm 2008 - 2009 chúng tôi đã trải qua nhưng cũng thấy rất bình thường. Nhưng đợt dịch này ít nhất sẽ ảnh hưởng hết năm nay. Chúng tôi đã làm đơn đến ngân hàng để được tháo gỡ khó khăn, tuy không nhiều nhưng là rất quý.

Tại Hải Phòng, ông Nguyễn Mộng Lân – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vico chia sẻ, Công ty luôn được Vietinbank Chi nhánh Ngô Quyền hỗ trợ rất kịp thời về việc giải ngân vốn vay, hỗ trợ lãi suất cho vay ưu đãi. Cụ thể, Vietinbank đã giảm lãi suất vay đối với các khoản vay VND kỳ hạn đến 5 tháng từ 6,5%/năm xuống còn 6,3%/năm, sau đó tiếp tục giảm còn 6,0%/năm; lãi suất vay đối với các khoản vay USD kỳ hạn đến 5 tháng từ 3,8%/năm xuống còn 3,3%/năm. Quy mô dư nợ ngắn hạn của Công ty tại Vietinbank CN Ngô Quyền là lớn nhất trong các TCTD. Vì thế, việc giảm lãi suất cho vay của NH rất thiết thực, giúp công ty tiết giảm được đáng kể chi phí lãi vay, cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Tại An Giang, bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Du lịch Việt Xanh cho biết, "Trong suốt quá trình hoạt động, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn nhất đối với các công ty du lịch khi dịch bệnh bùng phát, chúng tôi luôn nhận được sự đồng hành, chia sẻ từ phía ngân hàng BIDV chi nhánh An Giang. Ngân hàng đã hỗ trợ giảm lãi suất cho vay và giảm các phí giao dịch trực tuyến. Sự hợp tác, hỗ trợ của ngân hàng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thống đốc NHNN rất kịp thời và phù hợp, đáp ứng mong muốn của doanh nghiệp."

Sẽ làm việc tại 14 tỉnh, thành  xử lý vướng mắc phát sinh trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Đến 11/5 đã có hơn 1,12 triệu tỷ đồng dư nợ được miễn, giảm lãi suất - Ảnh 2.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực, vẫn còn một số người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa hoặc còn chậm trong tiếp cận các chính sách về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, cho vay mới. Do vậy, NHNN đã xây dựng chương trình công tác của Ban lãnh đạo NHNN làm việc tại các địa phương, đợt này sẽ làm tại 14 tỉnh, thành phố để nắm bắt tình hình triển khai các chính sách hỗ trợ của ngành ngân hàng, kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh để các chính sách hỗ trợ khắc phục khó khăn và phục hồi kinh tế sau dịch của ngành ngân hàng phát huy hiệu quả hơn nữa.

Theo ông Nguyễn Thanh Việt - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh An Giang, việc giảm lãi suất cho vay và gia hạn nợ của ngân hàng trên địa bàn thời gian qua còn chậm do các chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) phải xin ý kiến Hội sở. Để chính sách giảm lãi và gia hạn nợ được triển khai kịp thời hỗ trợ DN, ông Việt đề xuất NHNN cần hỗ trợ các NHTM trong việc phân loại DN, khoản vay, ngành nghề đặc thù để các ngân hàng thuận lợi hơn trong từng đối tượng DN bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Ghi nhận các ý kiến đóng góp, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, hoạt động của hệ thống ngân hàng trong giai đoạn hiện nay phải chủ động, tích cực hỗ trợ nền kinh tế với tinh thần "đồng hành - chia sẻ - trách nhiệm", đặc biệt phải xử lý dứt điểm các vướng mắc, khó khăn trong triển khai Thông tư 01.

Phó Thống đốc cho biết thêm, thời gian qua NHNN vẫn nhận được một số kiến nghị, phản ánh về việc tiếp cận các chính sách tháo gỡ khó khăn như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, giữ nguyên nhóm nợ… Trước tình hình đó, NHNN đã tổ chức khảo sát thực tế trên nhiều tỉnh thành phố, làm việc trực tiếp với một số chi nhánh NHTM để nắm bắt tình hình triển khai, các khó khăn vướng mắc để có giải pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn cho các ngân hàng. Đồng thời, NHNN đã chỉ đạo các TCTD, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố thiết lập ngay đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý kịp thời, triệt để từng trường hợp doanh nghiệp gặp vướng mắc; yêu cầu Chủ tịch HĐQT/HHĐTV/TGĐ các TCTD trực tiếp chỉ đạo triển khai nghiêm túc từ Hội sở đến các chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng và xử lý nghiêm các trường hợp thiếu trách nhiệm, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu các chi nhánh, phòng giao dịch của các TCTD cần sát sao hơn trong triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng; Xử lý nghiêm các lãnh đạo và cán bộ nghiệp vụ triển khai chậm, cố tình gây khó khăn, phiền hà, thiếu trách nhiệm; Kịp thời phản ánh với NHNN về các khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị liên quan đến cơ chế chính sách của ngành Ngân hàng trong quá trình triển khai của TCTD.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục