Mấy ngày qua, dư luận “sôi sùng sục” ngay sau khi facebook của chị Vũ Thanh Hoa (phường Văn Miếu, Hà Nội) đưa tin về việc gia đình chị đi làm giấy chứng tử cho bố chị nhưng đã bị cán bộ của UBND phường Văn Miếu gây khó dễ khiến gia đình chị không kịp làm thủ tục, phải dời ngày tang lễ đã định.
Mặc dù ban đầu lãnh đạo UBND phường phủ nhận việc gây khó dễ cho gia đình chị Hoa, nhưng rồi, cả Chủ tịch lẫn Phó Chủ tịch UBND phường đều tới xin lỗi gia đình chị Hoa, xin chị Hoa gỡ bài viết trên facebook. Phường điều chuyển ông Nguyễn Lê Hiếu - cán bộ đã nhận hồ sơ của gia đình chị Hoa nhưng đã cố tình không giải quyết.
Ngày 26.7, Chủ tịch UBND quận Đống Đa cũng đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác với bà Nguyễn Thị Thúy Hà - Phó Chủ tịch UBND phường Văn Miếu.
Còn nhớ, cách đây 2 tháng, ở xã Hòa Minh, huyện Châu Thành, Trà Vinh cũng xảy ra vụ việc tương tự. Anh Nguyễn Hoài Thanh, một người khuyết tật đến UBND xã làm giấy khai sinh cho con - một việc đương nhiên được luật quy định, nhưng đã bị bà Trần Thị Cẩm Hồng, cán bộ tư pháp, hộ tịch xã Hòa Minh có thái độ cửa quyền, cố tình gây khó khăn, khiến anh mất cả ngày chờ đợi.
Khi sự việc được báo chí phản ánh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Trà Vinh đã trực tiếp chỉ đạo kiểm tra, xác minh và xử lý vụ việc. Gia đình anh Minh đã được cấp giấy khai sinh cho con, bà Hồng đã bị kỷ luật.
Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh cũng gửi lời cảm ơn báo chí đã kịp thời phản ánh, giúp chấn chỉnh thái độ của cán bộ, công chức của tỉnh này.
Hai câu chuyện chỉ là một phần nổi rất nhỏ của “tảng băng chìm” về thái độ hành xử của các “công bộc” đối với nhân dân.
Khi câu chuyện về phường Văn Miếu “vỡ” ra trên mạng, có vô vàn ý kiến cho thấy, những vụ việc tương tự không phải là hiếm ở nhiều địa phương.
Những câu chuyện buồn này đã phản ánh khá rõ nét văn hóa ứng xử với dân, sự vô cảm, thậm chí hách dịch trong giải quyết công việc của nhiều “đầy tớ”.
Nhiều người khi ngồi vào chiếc ghế chính quyền, đều quên mất rằng mình đang được trả lương bằng tiền thuế của người dân đóng và phải có trách nhiệm giải quyết các vấn đề hành chính cho nhân dân khi cần, mà cứ tự cho mình quyền được hành dân, chắc hẳn không phải để “giải quyết khâu oai” mà là hướng đến hành vi tiêu cực.
Điều khiến cộng động mạng nổi sóng ở cả hai câu chuyện trên là thái độ thiếu tình người của một số cán bộ, đặc biệt là với người khuyết tật và với hoàn cảnh tang gia.
Người Việt vốn có truyền thống “nghĩa tử là nghĩa tận” nên khi gia đình người khác có chuyện buồn, mọi người thường động viên, chia sẻ, vậy mà đằng này, cán bộ phường chẳng những không hỏi han, chia buồn, còn lạnh lùng gây khó khăn.
Trường hợp anh Minh là người khuyết tật và đến chỉ để làm một thủ tục rất bình thường cũng bị hành “tới bến”, thay vì phải ưu tiên, tạo điều kiện cho người khuyết tật như luật đã quy định.
Việc bà Vũ Mai Khanh - Chủ tịch UBND phường Văn Miếu dù ban đầu đã xin lỗi gia đình chị Hoa, nhưng sau đó lại vẫn giải thích với báo chí rằng cán bộ phường đã làm đúng quy trình cấp giấy chứng tử trong một ngày, chỉ là sự ngụy biện cho thói hành dân.
Bởi câu hỏi được đặt ra là vì sao cả Chủ tịch lẫn Phó Chủ tịch UBND phường đều ở nhà mà lại không giải quyết ngay, còn bắt người dân chờ đợi để rồi lỡ việc tang lễ đã định của gia đình? Và vì sao, các lãnh đạo phường có nhà mà vẫn cố lôi quy trình ra để làm khó cho dân?
Thực ra, quy trình nào cũng đều do con người dựng lên. Vấn đề là áp dụng ra sao. Nếu người cán bộ có trái tim, sẽ biết đặt mình vào trường hợp của người khác, để cảm thông, chia sẻ thì quy trình sẽ chỉ là thứ yếu và mọi việc sẽ không phức tạp cho cả hai phía như thế.
Khổng Tử chẳng có câu “Điều mình không muốn chớ gây cho người khác” đó sao! Vì thế, đem 2 chữ “quy trình” ra để “đấu lý” với dân chỉ chứng minh thêm về sự vô cảm của các “công bộc” mà thôi.
Lại nữa, các cán bộ còn “tố” gia đình chị Hoa “ăn nói thiếu văn hóa”, nhưng chúng ta đều hiểu rõ rằng, nếu các cán bộ thực thi hết trách nhiệm và thực sự vì dân, thì người dân chỉ có hàm ơn chứ đâu có chuyện lên tận phường để to tiếng những người mà họ đang phải cầu cạnh? “Bụt không trên tòa, gà nào mổ mắt” phải không ạ?
Cả 2 vụ việc hành dân trên, cũng đều phải chờ khi người có vị trí cao nhất ở địa phương vào cuộc thì sự việc mới được làm đến nơi đến chốn. Nếu không có Bí thư tỉnh ủy Trà Vinh thì bà Cẩm Hồng vẫn còn tiếp tục gây khó cho anh Minh và nếu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội không chỉ đạo, lãnh đạo UBND phường Văn Miếu hẳn vẫn khăng khăng không nhận mình sai…
Dù sao, cuối cùng, dưới sức ép của báo chí và mạng xã hội, đại diện chính quyền cả ở Trà Vinh và phường Văn Miếu đều đã xin lỗi người dân và xử lý nhanh chóng vụ việc, là việc làm đáng hoan nghênh.
Sự cầu thị này ít nhiều sẽ mang lại điều tốt lành cho xã hội, vì đây không chỉ là bài học về cách ứng xử có văn hóa của cán bộ chính quyền, mà còn góp phần điều chỉnh mối quan hệ giữa chính quyền cơ sở với dân một cách đúng đắn, đặc biệt sẽ là những “gương tày liếp” cho các “đầy tớ” khác về việc một chính quyền tử tế không dung túng cho những sai trái.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.