Thói quen sử dụng điện thoại để thanh toán các loại hóa đơn đã theo chị Linh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) được nhiều năm nay. Kể từ khi xuất hiện dịch vụ thanh toán nhanh qua Smart banking, chị không còn phải rút tiền mặt để sử dụng hàng tháng.
Chị tâm sự, trước đây, nếu muốn mua gì, chị đều phải ra cây ATM để rút tiền mặt. Mỗi lần rút tốn từ 1.000 – 3.000 đồng. Giờ đây, chị chỉ rút tiền khi cần phải đổ xăng. Các khoản như tiền nhà, tiền dịch vụ, ăn uống, chị đều chuyển khoản thanh toán. Chị cho rằng "cầm điện thoại sẽ đỡ lo mất hơn cầm tiền".
Đây không phải thói quen của một mình chị Linh. Nhiều người tiêu dùng khác cũng thừa nhận, họ dần lãng quên chiếc thẻ ngân hàng, thay vào đó là sự gắn kết với điện thoại di động ngày một nhiều. Thói quen tiêu xài này xuất hiện từ những năm diễn ra dịch Covid-19, khi mọi người đều đã quen với việc mua hàng online.
Đến nay, cách thức thanh toán này đã đi vào đời sống người dân như một điều rất đỗi quen thuộc. "Tôi ưa chọn những hàng quán có sẵn mã QR để chuyển khoản hơn là các quán bắt trả tiền mặt", chị Nông Thanh (Đống Đa, Hà Nội) khẳng định.
Cách đây không lâu, chị Thanh ghé vào một xe hàng rong bán hàu nướng ven đường. Thấy người bán hàng đã có tuổi, chị liền chuẩn bị sẵn tiền mặt để trả. Đến khi thanh toán, chị bất ngờ khi người bán nói rằng không có tiền lẻ trả lại. "Họ lấy điện thoại rồi giơ ảnh có mã QR ra, bảo tôi quét mã", chị chia sẻ.
Dần dà, chị không còn sử dụng tiền mặt khi ra đường nữa. Đến mua bó rau, túi hành, chị cũng sử dụng điện thoại để trả tiền. Các loại thẻ ATM và ví tiền đều nằm gọn trong tủ. Bây giờ, chị không còn phải đổi tiền lẻ hay chờ người bán thối lại tiền như trước.
Ngày nay, đi đâu cũng thấy số tài khoản, mã QR được dán sẵn. Từ những khu chợ truyền thống nhộn nhịp, đến các quán ăn, nhà hàng, cửa hàng quần áo,…đều áp dụng cách trả tiền "thần tốc" này. Thậm chí, một số cây xăng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã bắt đầu nhận quẹt thẻ hoặc chuyển khoản.
Tại Cầu Giấy, Hà Nội, cây xăng trên đường Xuân Thủy đã bắt đầu sử dụng cách thức thanh toán này. Anh Việt Anh (35 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) đứng trong hàng chờ, móc từ túi quần ra chiếc thẻ ngân hàng. Khi được nhân viên hỏi số tiền xăng muốn đổ, anh nói "đầy bình" và thản nhiên đưa nhân viên chiếc thẻ. Sau một vài thao tác đơn giản, chiếc xe đã được đổ đầy trong chưa tới 3 phút.
"Thời buổi giờ ai mà chẳng có banking"
Bán rau tại chợ Nguyễn Đổng Chi (Nam Từ Liêm, Hà Nội), sạp hàng của ông Đại Văn La luôn được treo một chiếc mã QR phía trước: "Mã QR ở kia, quét mã là được. Thời buổi giờ ai mà chẳng có banking, vừa tiện lại đỡ phải trả lại tiền thừa", ông La nói.
Để đỡ mất công chuyển khoản, các khách hàng thường mua một lần nhiều loại rau củ. Thậm chí, nhiều khách hàng ngỏ ý muốn chuyển khoản dư ra và nhận lại tiền thừa bằng tiền mặt.
Dừng chân cạnh một gánh hàng rong góc đường Xuân Thủy, nhiều người hỏi mua mấy gói bánh cốm xanh. Đến khâu thanh toán, khi hỏi "Bà có nhận chuyển khoản không", người bán hàng lớn tuổi chậm rãi mở thúng, lôi ra một tờ giấy lớn in mã QR, được ép bằng plastic.
"Dạo này tôi thấy khách mua cứ hỏi có nhận chuyển khoản không, tôi mới bảo con tôi in mã quét này để sẵn, khách hỏi mua chỉ việc đưa ra là được", bà Nguyễn Thị Ngà (56 tuổi, Xuân Thủy, Cầu Giấy) chia sẻ.
Bà cho biết, mỗi chiếc bánh chỉ 6.000 đồng/cái, cốm cũng chưa đến 30.000 đồng một lạng. Trước đây, vì không thành thạo công nghệ và thấy số tiền hàng không nhiều nên bà vẫn luôn dùng tiền mặt. Song, người mua bây giờ không thích cầm tiền, chỉ muốn dùng điện thoại, bà đành nhờ con trai đào tạo một lớp "số hóa" để chiều lòng khách.
"Khách hàng là thượng đế", vì vậy tại các khu chợ và gánh hàng rong Hà Nội, gần như hàng nào cũng có mã QR hay số tài khoản treo sẵn.
Các thương lái cho biết, lượng người thanh toán không dùng tiền mặt chiếm đa số, nếu không có phương thức thanh toán chuyển khoản, các khách hàng sẵn sàng rời đi mua hàng khác.
Hiện nay, không chỉ những người trẻ mà các khách hàng, thương lái trung niên cũng đã quen thuộc với việc sử dụng ví điện tử hoặc Smart banking để mua, bán hàng. Xu hướng này sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới, tác động vào thói quen buôn bán của nhiều hộ kinh doanh.
"Bây giờ đi ăn mà quán không cho chuyển khoản thì tôi sẽ đứng dậy đi quán khác. Thiếu gì chỗ!" – Một khách hàng cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.