Đi lao động Đài Loan về, anh nông dân Hải Dương đổi đời, thu tiền tỷ nhờ nghề trồng nấm rơm
Đi lao động Đài Loan về, anh Hải Dương học được "bí truyền" trồng thứ nấm gì mà đổi đời?
Thứ tư, ngày 05/04/2023 05:11 AM (GMT+7)
Những năm lao động ở Đài Loan, anh Nguyễn Văn Chăm, thôn Quảng Tân, xã Nam Tân, huyện Nam Sách (tỉnh Hải Dương) đã học được nghề trồng cây "mọc sau mưa". Về nước, anh khởi nghiệp với nghề này, ai ngờ cây nấm rơm, nấm mỡ Đài Loan đã giúp anh đổi đời với doanh thu tiền tỷ.
Trang trại trồng nấm rơm, nấm mỡ "xương xương" thu vài tỷ mỗi năm
Cuộc trò chuyện với anh Nguyễn Văn Chăm (45 tuổi), chủ trang trại trồng nấm rơm, nấm mỡ ở thôn Quảng Tân, xã Nam Tân bị ngắt quãng bởi công nhân ra thông báo đã đến giờ tưới nước cho các giàn nấm.
Chúng tôi khá ngạc nhiên, vì tưới nước cho nấm rơm, nấm mỡ là công việc đơn giản nhất, ai cũng có thể làm được, trong khi đó trang trại có nhiều công nhân tại sao họ không tưới nước cho giàn nấm mà phải để "ông chủ" làm?
Anh Chăm xin phép khách để ra làm việc. Anh vừa tưới nước cho các giàn nấm vừa trò chuyện, giải đáp những thắc mắc của chúng tôi về công việc trồng nấm. Anh cũng giải đáp những thắc mắc đơn giản như việc tưới nước cho giàn nấm tại sao anh phải trực tiếp làm mà không phải công nhân trang trại làm?
Hóa ra, trong trồng nấm rơm, nấm mỡ việc tưới nước lại không hề đơn giản, phải đủ độ ẩm cây nấm mới sinh trưởng và phát triển tốt, nếu thừa hoặc không đủ độ ẩm cây nấm sẽ phát triển không như ý muốn. Công nhân không biết tưới nước đến lúc nào thì đạt độ ẩm thích hợp, anh Chăm sợ công nhân tưới nước nhiều quá hoặc ít quá không đủ độ ẩm sẽ ảnh hưởng đến cây nấm.
Vì vậy, sau khi công nhân đưa giá thể lên các giàn xong sẽ đến phần việc của anh là tưới nước cho các giàn nấm. Anh Chăm tưới xong, công nhân sẽ vào vỗ, đập để cho giá thể nấm chặt lại để giữ độ ẩm.
Anh Chăm làm việc hăng hái, trèo lên tầng cao tưới nước, rồi lại thoăn thoắt trèo xuống tưới tầng nấm bên dưới, nước văng khắp người anh cũng không nề hà. Nhìn anh làm mau mắn, thạo việc chẳng ai nghĩ anh là ông chủ trại nấm. Tên anh đúng như đức tính, bản chất cần cù chăm chỉ, chịu thương chịu khó của anh.
Anh Chăm cho biết, đây là những phần việc đầu tiên cho một vụ nấm mới. Một vụ nấm kéo dài từ 35 – 45 ngày, tùy theo mùa, theo thời tiết. Vào mùa hè, vụ nấm diễn ra trong 35 ngày, vào mùa đông vụ nấm kéo dài 45 ngày. Trừ thời gian nghỉ để xử lý vệ sinh, tiêu độc khử trùng, một nhà nấm có thể trồng được 6 lứa/năm.
Cũng theo anh Chăm, một nhà nấm có thể thu được 1,2 tấn nấm thành phẩm/năm. Hiện 1 kg nấm thành phẩm có giá 100 nghìn đồng. Như vậy, một nhà nấm của anh Chăm cho doanh thu 120 triệu đồng/năm. Trong khi đó, trang trại của anh có 28 nhà nấm sẽ cho doanh thu 3 tỷ 360 triệu đồng, trừ chi phí mỗi năm trang trại nấm của anh Chăm lãi 700 – 800 triệu đồng.
Đi lao động Đài Loan học thêm được nghề tiền tỷ
Trò chuyện với anh được biết, anh Chăm đã trải qua rất nhiều các công việc và bôn ba khắp nơi, mới đến với nghề trồng nấm như hiện nay.
Anh Chăm chia sẻ, 15 năm trước, năm 2008, anh đi lao động xuất khẩu tại Đài Loan với công việc sửa chữa chế tạo máy. Những lúc rảnh rỗi, anh còn đến các trại nấm rơm, nấm mỡ của người dân địa phương làm thêm để có thêm thu nhập gửi về cho vợ con. Trong thời gian làm thêm ở trang trại trồng nấm, anh đã học được kỹ thuật công nghệ trồng nấm Đài Loan.
Mặc dù được chủ thuê anh làm sửa chữa chế tạo máy yêu mến, thực hiện nhiều chế độ đãi ngộ cùng lương bổng cao như chuyên gia để mong anh ở lại làm việc nhưng anh vẫn từ chối để về nước, thực hiện khởi nghiệp nghề mới học được. Năm 2017 anh về nước và năm 2018 anh bắt tay vào nghề trồng nấm.
Với 5 năm kinh nghiệm trồng nấm rơm, nấm mỡ ở Đài Loan, anh Chăm tự tin đầu tư thuê 7000 m2 đất để làm trang trại nấm. Anh đầu tư gần 600 triệu đồng để làm 3 nhà trồng nấm, mỗi nhà rộng 60 m2. Chi phí làm nhà nấm cao hơn rất nhiều so với nhà nấm của người khác khác bởi một số nguyên liệu anh mua hàng nhập từ nước ngoài như màng lưới được sản xuất ở Thái Lan, màng ni lông được sản xuất ở Israel. Tuy đắt nhưng các nguyên liệu này sẽ bền, sử dụng được nhiều năm.
Xây dựng khu vực thanh trùng cho phôi nấm để bảo đảm sạch bệnh trước khi đưa vào nhà nấm để trồng.
Anh Chăm chọn phôi nấm rơm, nấm mỡ Đài Loan để trồng. Đặc điểm của nấm Đài Loan giòn, ngọt, lâu nở hoa, giàu dinh dưỡng và có giá trị kinh tế cao hơn giống nấm trong nước. Tuy nhiên phôi nấm Đài Loan khi trồng ở Việt Nam lại gặp khó khăn về thời tiết. Bởi thời tiết ở Việt Nam nóng hơn ở Đài Loan nên anh Chăm phải chú trọng đến việc điều hòa thời tiết để phù hợp cho cây nấm phát triển.
Mùa hè, khi thời tiết nóng, công nhân sẽ phun nước trên mái, mở cửa nhà nấm để thông gió còn mùa đông lại đóng cửa hoặc có cách phòng tránh gió lùa. Bất kể mùa đông hay mùa hè, nhiệt độ trong nhà nấm phải luôn bảo đảm duy trì nhiệt độ từ 24 – 30 độ C.
Do năm đầu trồng nấm mang tính thử nghiệm, thăm dò thời tiết, thị trường nên năng suất và sản lượng nấm thu được không nhiều. Đến khi có nấm để bán, anh Chăm tận dụng mạng xã hội như facebook, zalo để giới thiệu, quảng bá và bán hàng. Các đại lý bạn hàng trên Hà Nội biết đến sản phẩm nấm của trang trại nên đã về thu mua.
Tuy chưa có lãi nhưng cũng đem lại những tín hiệu triển vọng cho việc phát triển nghề trồng nấm. Những năm sau đó, mỗi năm anh Chăm đầu tư phát triển từ 5 – 6 nhà nấm mới. Khi nhà nấm nhiều lên, năng suất, sản lượng nấm rơm, nấm mỡ nhiều lên đã giúp anh thu lãi hàng trăm triệu đồng. Đến hết năm 2022, trang trại nấm của anh Nguyễn Văn Chăm đã có 28 nhà nấm, với tổng diện tích hơn 1.680 m2. Tổng số tiền đầu tư phát triển mô hình trồng nấm rơm, nấm mỡ hơn 5 tỷ đồng. Đồng thời, trang trại của anh cũng tạo việc làm cho từ 5 - 8 lao động tại địa phương, với mức lương từ 8 – 10 triệu đồng/người/tháng.
"Trong năm 2023, tôi dự định phát triển thêm 2 nhà nấm nữa để nâng tổng số nhà nấm lên thành 30 nhà nấm. Đồng thời sẽ nghiên cứu những giống nấm mới ngon, giàu dinh dưỡng và có giá trị kinh tế cao đưa vào sản xuất để nâng cao thu nhập", anh Chăm cho hay.
Ông Nguyễn Sỹ Hanh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Tân cho biết, mô hình trồng nấm rơm, nấm mỡ của anh Nguyễn Văn Chăm là một mô hình mới được đầu tư bài bản và quy mô đã đem lại hiệu quả kinh tế rất tốt. Điều đó thể hiện ở thị trường đầu ra sản phẩm, giá cả luôn ổn định. Sản phẩm nấm chất lượng cao của anh Chăm đã được công nhận sản phẩm OCOP và ngày càng được nhiều người biết đến và ưa chuộng.
Clip: Trang trại trồng nấm rơm, trồng nấm mỡ của gia đình Nguyễn Văn Chăm, thôn Quảng Tân, xã Nam Tân, huyện Nam Sách (tỉnh Hải Dương). Thực hiện: Nguyễn Việt.
Bên cạnh đó, trại nấm của anh Chăm còn góp phần tạo việc làm cho nhiều hội viên nông dân tại địa phương có việc làm, thu nhập ổn định. Có thể nói, anh Chăm là tấm gương điển hình trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững của địa phương...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.